Chúng tôi bắt gặp tại Đức những người trẻ, sinh ra và lớn lên tại Đức, vẫn chảy trong mình dòng máu nóng Lạc Hồng, miệt mài và đam mê khởi nghiệp.
Ảnh minh họa: pixabay.com
Khác với thế hệ cha ông của họ bám trụ lại nước Đức bằng sự đánh đổi lớn về sức lao động và sự cần mẫn suốt bao năm. Những thanh niên thế hệ 1.5 và 2.0 người Việt tại Đức đang ngày một liều lĩnh, táo bạo và quyết đoán.
Họ dám đam mê, dám theo đuổi, dám đầu tư và dám thay đổi để có thể thích nghi với môi trường khởi nghiệp đầy khắc nghiệt tại Đức. Với kiến thức và nền tảng giáo dục tốt của Đức và thậm chí được đi học và tu nghiệp tại nhiều nước EU hay Mỹ, những người trẻ đang dần khẳng định thương hiệu hội nhập của người Việt tại CHLB Đức trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Có người vẫn miệt mài theo đuổi công ty điện ảnh, có người theo ngành luật, có người theo võ cổ truyền, hay người làm kinh doanh buôn bán, và cả những em trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường với những ước mơ đáng trân quý. Ai cũng mang trong mình một sứ mệnh mà họ tự đặt bằng cái tên nào đó, đôi khi chỉ hiện diện trong tâm trí của họ suốt một thời gian dài ấp ủ, nung nấu. Không ít người thành công, ghi tên vào danh sách người Việt đáng tự hào tại cường quốc số một châu Âu.
Dẫu vậy trước mắt họ vẫn còn không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất chính là các nguồn lực về tài chính. Bên cạnh đó còn là tác động của gia đình. Có những thanh niên khởi nghiệp hay theo đuổi các lĩnh vực “không bác sỹ, không kỹ sư” đã sinh ra sự mâu thuẫn về ý thức hệ với chính các bậc sinh thành. Đã vậy nhiều em còn gặp các vấn đề về tài chính. Vậy nên, bên cạnh vài trường hợp dễ dàng “tiến lên phía trước” thì vẫn còn những trường hợp bị “kẹt lại”.
Khởi nghiệp đang là một xu thế gây chú ý mạnh mẽ đến cộng đồng trẻ. Thậm chí có những thanh niên mạnh dạn trở về Việt Nam để khởi nghiệp, hoặc hiện thực hóa những ý tưởng cho phép họ bắt chiếc cầu nối “xuyên đại dương” để tìm kiếm tương lai giữa hai miền đất mà thế hệ cha ông của họ từng gắn bó, phấn đấu và thậm chí hi sinh máu xương để bảo vệ vẹn tròn.
Trên thực tế nhiều năm nay, khái niệm “tuần hoàn chất xám” – hàm ý nhấn mạnh sự đóng góp từ xa của các thế hệ người Việt sống xa quê hương – ngày càng trở nên phổ biến và được quan tâm, áp dụng. Nói một cách dễ hiểu, dù sống ở đất khách quê người, nhưng những hành động của người Việt xa quê hoàn toàn có thể (gián tiếp) mang lại những lợi ích cho quê hương mình qua nhiều dự án, công việc có tính đa quốc gia, thậm chí toàn cầu, mang lại phúc lợi chung cho tất cả các bên.
Dù thế nào đi chăng nữa thì tinh thần khởi nghiệp của một người con Việt Nam, được sinh ra và trưởng thành trên sự bao dung của nước Đức, cũng rất đáng trân trọng và cần được tạo điều kiện vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi gọi đó là “tinh thần khởi nghiệp 2.0”, sẽ còn được cộng đồng kiều bào và cả người Việt khắp năm châu dõi theo trong suốt thời gian tới.
Theo Thời báo Việt Đức