"Nước Áo năm nay không có mùa thu, trời đã trở lạnh được một tháng, thời tiết biến chuyển nhanh đến phát sợ", Minh Châu, 24 tuổi, nghiên cứu sinh tại thủ đô Vienna, nói với VnExpress.
Châu cho biết do mùa đông đến sớm 1-2 tháng so với mọi năm, nhiều người lo lắng thời tiết năm nay sẽ lạnh sâu hơn rất nhiều.
"Người dân bắt đầu sửa sang nhà cửa, bảo nhau tích trữ củi, mua thêm đồ cách nhiệt trong nhà để tiết kiệm sưởi, vì giá điện tăng 4-5 lần, không ai dám dùng", Châu chia sẻ. Cô cũng đã chuẩn bị sớm quần áo giữ nhiệt, chăn điện, tích trữ súp ăn liền và gia vị cay để giữ ấm.
Nhiều người bản địa sinh sống ở châu Âu cũng có chung nỗi lo lắng về nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong mùa đông, trong bối cảnh chiến sự Ukraine khiến giá khí đốt, xăng dầu leo thang, nguồn cung khan hiếm. Marc, một nhân viên văn phòng ở thủ đô Paris, cho hay tình hình tại Pháp "cực kỳ nghiêm trọng".
"Giá xăng tăng gần gấp rưỡi, tuần trước là 1,75 euro/lít, hiện đã lên đến 2,25 euro/lít. Năm ngoái, xăng chỉ khoảng 1,3 euro/lít thôi", anh kể. "Là người thường xuyên lái xe đi làm, tôi cảm thấy như bị ăn cướp vậy".
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn do phong trào đình công của nhân viên các hãng năng lượng lớn, khiến việc chuyển giao nhiên liệu tới các trạm xăng bị đình trệ. Gần 30% trạm xăng ở Pháp đóng cửa tuần qua vì hết nhiên liệu, theo Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Agnes Pannier-Runacher.
Người Pháp đẩy ôtô hết xăng khi đang xếp hàng chờ đổ tại một trạm xăng ở thủ đô Paris, ngày 14/10. Ảnh: AFP.
"Mỗi lần đổ xăng, tôi phải xếp hàng mấy tiếng mà chưa chắc có xăng để đổ. Mọi người đã bắt đầu tạo các hội nhóm, báo nhau cây xăng nào còn, cây nào hết", Marc cho hay.
Vân Nga, 28 tuổi, sống tại Paris, cũng chứng kiến cảnh dòng người xếp hàng dài chờ mua xăng ở thành phố, nhiều người mang theo can để tích trữ. "Tôi nghĩ tôi cũng sẽ làm vậy trước khi thủ đô cạn nguồn cung và giá xăng tăng cao hơn nữa trong mùa đông này", Nga nói.
Nỗi lo lắng về khủng hoảng năng lượng cũng đang lan rộng tại Đức, đầu tàu kinh tế châu Âu và nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Đức phát triển thịnh vượng nhờ xuất khẩu công nghiệp và nhập khẩu năng lượng giá rẻ tại Nga, nhưng khi nền kinh tế hứng chịu hệ lụy từ xung đột Ukraine, nhiều người bắt đầu hoài nghi về chính sách nền tảng của đất nước.
Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU.
"Chính phủ hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga, song không có biện pháp hiệu quả để giúp đỡ người dân tránh khủng hoảng. Tại một số khu vực, giá điện, khí đốt đã tăng tới 400%. Nhiều công ty Đức bị ảnh hưởng tiêu cực và nền kinh tế đang rơi vào suy thoái", Vũ Đức Việt, 27 tuổi, người mang quốc tịch Đức và làm việc tại một tập đoàn dược ở Frankfurt, cho hay.
Giá xăng quá cao khiến Việt quyết định ngừng đi làm bằng ôtô, chuyển hẳn sang sử dụng phương tiện công cộng. Anh cho biết chính phủ hồi tháng 9 cung cấp khoản hỗ trợ 300 euro cho người dân, song số tiền này "không đủ để trang trải các chi phí nhỏ nhất".
Cú sốc về giá năng lượng hiện tại, cộng với những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã làm giảm thặng dư thương mại của Đức. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Đức có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế lớn khác ngoài Nga.
"Hầu hết mọi người đều thất vọng và mệt mỏi với chính phủ và với chiến sự Ukraine", anh nói. "Về cơ bản, đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ không muốn tiếp tục mua dầu khí Nga, nhưng cuộc chiến năng lượng đang làm tổn thương nước Đức rất nhiều".
Trong khi đó, với nhiều người châu Âu, mối quan tâm chính hiện nay là làm mọi thứ cần thiết để giữ ấm vào mùa đông, trong bối cảnh khoảng 70% hệ thống sưởi ấm của châu Âu sử dụng khí đốt và điện, vốn đang rất đắt đỏ.
Củi, nhiên liệu được khoảng 40 triệu người châu Âu dùng để sưởi ấm, đang trở thành mặt hàng được săn lùng. Giá viên nén gỗ cũng tăng gần gấp đôi, lên 600 euro/tấn ở Pháp, khi ngày càng nhiều người tích trữ loại nhiên liệu cơ bản này.
Một nhân viên xẻ gỗ lấy củi tại thủ đô Berlin, Đức, ngày 9/10. Ảnh: AFP.
"Không thể tưởng tượng được những gì người dân nước tôi đang phải trải qua", Marc nói. "May mắn vì người Paris chưa đến mức đổ xô mua củi, nhưng muốn mua cũng chẳng còn vì nguồn cung mặt hàng này tại các siêu thị đã cạn sạch".
Tại Berlin, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay gợi nhớ cảnh hoang tàn sau Thế chiến II, thời điểm người dân chặt gần như tất cả cây trong công viên trung tâm Tiergarten để sưởi ấm.
Dù người Đức hiện không phải hành động như vậy, nỗi lo ngại về thiếu nguồn cung nhiên liệu sưởi ấm vẫn thường trực. Việt cho biết cảnh người dân đổ xô đi kiếm củi chỉ diễn ra ở những thị trấn và làng nhỏ, không phải tại đô thị lớn như Frankfurt, nhưng sản phẩm này luôn cháy hàng tại các điểm phân phối trong thành phố, chưa kể mức giá cũng "trên trời".
Việt nói rằng nhiều người Đức buộc phải bật lò sưởi khi trời trở lạnh sớm, dù biết chi phí sẽ rất khủng khiếp. Anh cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi nghĩ đến hóa đơn năng lượng có thể phải trả vào thời điểm năm mới.
"Thực lòng, tôi không biết chuẩn bị gì hơn trước mùa đông, ngoài mua thêm quần áo ấm và sử dụng phương tiện công cộng", Việt nói thêm. "Cảm giác thực sự bất lực".
Theo Đức Trung
Vnexpress