Toggle navigation
Người Việt ở Bắc Kinh chuẩn bị cho kịch bản phong tỏa
27/04/2022 | 10:15 GMT+7
Chia sẻ :
Thấy hàng xóm đổ xô đi tích trữ đồ ăn khi Bắc Kinh thông báo về chuỗi lây nhiễm Covid-19 mới, chị Hà cũng vội đi mua nhu yếu phẩm cho gia đình.
"Khi Bắc Kinh mới lác đác vài ca nhiễm, tôi vẫn thấy ung dung, nhưng chứng kiến mọi người trong khu đổ xô đi tích trữ hàng hóa, tâm lý tôi bắt đầu dao động", Nguyễn Thị Thu Hà, 37 tuổi, sống ở Hải Điến, quận nội thành phía tây bắc thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, nói với VnExpress.

Bắc Kinh từ đầu tháng 4 đã ghi nhận một số ca nCoV, nhưng đến ngày 24/4, giới chức thừa nhận Covid-19 đã "lây lan âm thầm" tại thành phố suốt một tuần và gây thêm khó khăn cho nỗ lực kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

"Nguy cơ chuỗi lây truyền chưa được khoanh vùng này tiếp tục lan rộng là cao, khiến tình hình sẽ khốc liệt và phức tạp", Tian Wei, quan chức thành ủy Bắc Kinh, cho biết. "Toàn bộ thành phố Bắc Kinh phải hành động ngay lập tức".

Thu Hà đi siêu thị gần nhà ở Bắc Kinh hôm 27/4. Ảnh: NVCC.
Thu Hà đi siêu thị gần nhà ở Bắc Kinh hôm 27/4. Ảnh: NVCC.

Thông báo này đã lập tức gây ra làn sóng mua sắm ở các siêu thị. Lo ngại nguy cơ Bắc Kinh áp lệnh phong tỏa như Thượng Hải, người dân xếp hàng dài tại các siêu thị để chờ mua nhu yếu phẩm tích trữ. Nhiều mặt hàng đã được bán sạch trên các ứng dụng giao hàng tạp hóa, đặc biệt là các chuyến hàng đến quận Triều Dương.

"Tôi không lo về Covid-19, chỉ lo thành phố áp lệnh phong tỏa", chị Thu Hà, đến từ Hải Phòng và đang công tác tại Viện nghiên cứu học thuật và thực hành kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa, nói. Gia đình chị cuối cùng quyết định tích trữ một số nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn.

Chị cho hay trong trường hợp thành phố áp lệnh phong tỏa, ban quản lý chung cư sẽ cung cấp đầy đủ các thực phẩm tươi sống như rau, trứng, thịt... Giới chức Bắc Kinh cũng cam kết sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân.

Zhao Weidong, phó giám đốc Sở Thương mại Bắc Kinh, hôm nay khẳng định các siêu thị và cửa hàng trực tuyến đều có nguồn hàng gấp 5 lần bình thường. Chính quyền thành phố cũng đã xuất 100 tấn trứng từ kho dự trữ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, không phải người Bắc Kinh nào cũng yên tâm với cam kết đó. "Các quan chức chính quyền tuyên bố nguồn cung không thiếu, nhưng họ không nói rằng người dân không nên tích trữ thực phẩm", SCMP dẫn lời Lily Zhou, một nhân viên văn phòng ở quận Hải Điến. "Tôi chỉ yên tâm khi tủ lạnh trong nhà chất đầy thực phẩm".

Một phụ nữ rời siêu thị sau khi mua thực phẩm và đồ gia dụng ở Bắc Kinh hôm 25/4. Ảnh: AFP
Một phụ nữ rời siêu thị ở Bắc Kinh hôm 25/4. Ảnh: AFP

Diệu Linh, thạc sĩ năm cuối tại trường Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương Trung Quốc, cho hay tình hình chung ở Bắc Kinh hiện nay là người dân đều tích trữ đồ ăn vì e ngại rơi vào tình trạng giống Thượng Hải một tháng trước.

Linh cho hay bản thân và đồng nghiệp đã sẵn sàng tinh thần làm việc tại nhà nếu tình hình dịch diễn biến xấu đi, đồng thời mua thêm nhu yếu phẩm và chấp hành quy định phòng dịch của chính quyền.

Để ngăn nguy cơ phải ban lệnh phong tỏa như Thượng Hải, chính quyền Bắc Kinh hôm 26/4 phát động chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn cho gần 21 triệu dân tại 12 quận trung tâm, sau khi phát hiện hàng chục ca nhiễm trong những ngày gần đây. Bắc Kinh cũng cấm các hoạt động tụ tập đông người như tổ chức đám cưới, đóng cửa nhà hát, yêu cầu dừng một số dự án xây dựng.

Đoàn Quỳnh, 36 tuổi, định cư tại Bắc Kinh gần 10 năm, cho hay giới chức địa phương thông báo sau vòng xét nghiệm đầu tiên, các quận Triều Dương, Xương Bình, Phòng Sơn, Phong Đài đang ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất. Quận Đại Hưng nơi chị ở vẫn chưa báo động, nhưng cả khu chung cư đã được xét nghiệm.

"Tôi tin là với kinh nghiệm xử lý dịch hồi năm ngoái của chính quyền, nếu bị phong tỏa nữa, tôi cũng không hoang mang", chị Quỳnh nói. "Tôi cũng cho rằng số ca nhiễm ở Bắc Kinh không nhiều như Thượng Hải. Các công ty lớn ở Bắc Kinh đều yêu cầu nhân viên xét nghiệm Covid-19 hàng ngày, trường học cũng yêu cầu học sinh xét nghiệm hàng tuần".

Nguyễn Hằng, 31 tuổi, đang làm việc tại một công ty phát triển thị trường của Việt Nam tại Bắc Kinh, cảm thấy "hơi bất tiện" khi phải xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày theo yêu cầu của công ty và ban quản lý. Tuy nhiên, chị Hằng không lo lắng vì Bắc Kinh quản lý rất chặt và người dân đều đã tiêm ba mũi vaccine.

Người dân xét nghiệm Covid-19 bên ngoài tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh hôm 27/4. Ảnh: AFP
Người dân xét nghiệm Covid-19 bên ngoài tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh hôm 27/4. Ảnh: AFP

Thu Hà cũng dự đoán Bắc Kinh sẽ khống chế dịch tốt bằng chính sách xét nghiệm toàn thành phố hai ngày một lần ngay từ khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, không để muộn như Thượng Hải.

Trong khi đó, Nguyễn Hằng lo ngại nguy cơ tình hình dịch ở Bắc Kinh có thể nghiêm trọng hơn vì kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 kéo dài 5 ngày. "Tôi hy vọng chính quyền sớm khoanh vùng F0 và cuộc sống quay về giai đoạn trước, khi Bắc Kinh vẫn kiểm soát dịch tốt", chị Hằng bày tỏ.

Theo Đức Trung - Hồng Hạnh
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com