Người Việt tại Nga cho biết cuộc sống không quá xáo trộn khi căng thẳng Ukraine leo thang, dù có nơi đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Những tuần qua, các lãnh đạo và truyền thông phương Tây liên tục phát đi cảnh báo về nguy cơ Nga triển khai lực lượng tấn công vào Ukraine, có thể gây ra cuộc chiến tranh quy mô lớn ở châu Âu.
Những thông tin như vậy khiến Thiên Minh, du học sinh Việt Nam đang theo học ngành truyền thông tại Đại học Belgorod, ban đầu cảm thấy hoang mang về nguy cơ chiến sự. Belgorod, thành phố nơi cô sống, là thủ phủ của tỉnh cùng tên, nằm ở rìa tây lãnh thổ Nga và cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 40 km.
Thiên Minh bắt đầu cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng khi chính quyền thành phố Belgorod thắt chặt giám sát đi lại với người dân và du học sinh, cũng như người nước ngoài đang lao động và sinh sống trong thành phố.
Binh sĩ Nga diễn tập ở vùng Rostov hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.
Theo quy định của thành phố, Thiên Minh phải nộp lại giấy tờ nhập cảnh cho văn phòng chuyên trách vấn đề thị thực trong trường đại học. Cô chỉ có thể xuất trình thẻ sinh viên nếu lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ bên ngoài khuôn viên nhà trường.
"Nếu muốn sang thành phố khác, tôi cần lên khoa xin giấy, có chữ ký bảo lãnh của thầy cô trong khoa và cam kết về đúng ngày để được trả lại giấy tờ nhập cảnh", nữ du học sinh cho biết.
Tuy vậy, nhịp sống trong thành phố không có nhiều xáo trộn. Trên xe buýt, mọi người bàn luận về chủ đề Ukraine, nhưng đều có chung niềm lạc quan rằng chiến tranh sẽ không xảy ra.
"Khi đọc báo và thấy Bộ Ngoại giao Nga cùng Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần đảm bảo tất cả người dân sinh sống gần biên giới sẽ được an toàn, tôi cảm thấy yên tâm hơn", cô nói.
Tại thủ đô Moskva, cách Belgorod gần 600 km, Kiều Oanh, nghiên cứu sinh ngành luật, cho biết thành phố không áp dụng quy định giám sát đi lại hay tạm giữ thị thực của sinh viên nước ngoài. Khi tình hình Ukraine gia tăng căng thẳng, nhà trường cũng không phát khuyến cáo nào mới về hạn chế di chuyển đến khu vực gần biên giới.
"Đối với tôi và những người đang sống ở đây, đó là vấn đề nằm bên ngoài nước Nga", Oanh, người đã học 5 năm tại Moskva, chia sẻ cảm nghĩ về căng thẳng giữa Nga và phương Tây. "Người Nga rất yên tâm về an ninh của mình và cuộc sống rất bình yên".
Nguyễn Hưng, 25 tuổi, một luật sư gốc Việt chuyên về các vấn đề kinh tế, cho hay bản thân và những người xung quanh không cảm thấy nguy cơ "xung đột cận kề" như trên báo chí phương Tây. Hưng có ấn tượng rằng truyền thông Nga đang truyền tải những thông điệp kiềm chế và bình tĩnh trong thời điểm này.
"Truyền thông phương Tây có lẽ đang phóng đại vấn đề. Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với bạn bè ở châu Âu và cũng không quá lo lắng", Hưng cho biết.
Đến ngày 19/2, Thiên Minh cảm thấy tình hình khu vực gần Ukraine đột ngột tăng nhiệt, khi chiến sự ở miền đông nước này leo thang và phe ly khai vùng Donbass tiến hành chiến dịch sơ tán hàng loạt dân thường tới tỉnh Rostov, gần nơi cô sống.
Nữ du học sinh lo lắng hơn khi Thống đốc Rostov Vasily Golubev ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực do số người sơ tán từ Donbass tới tỉnh này tăng nhanh. Tuy nhiên, cô phần nào yên tâm khi chính quyền thành phố và Đại học Belgorod vẫn chưa đưa ra khuyến cáo an ninh nào mới cho người dân và du học sinh.
Nguyễn Hưng cho rằng người dân ở Moskva không mấy bận tâm đến cuộc khủng hoảng vì thực tế vẫn chưa có biến động nào xảy ra, nhưng tâm lý lo lắng trong xã hội có thể tăng nhanh nếu chiến tranh thật sự xảy ra.
Bộ Quốc phòng Nga tuần qua thông báo bắt đầu rút bớt lực lượng gần biên giới Ukraine nhằm hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh phương Tây tỏ ra hoài nghi tuyên bố này, cho rằng các thông tin tình báo ở thực địa cho thấy Nga vẫn triển khai lực lượng lớn ở vị trí sẵn sàng chiến đấu và có thể tấn công Ukraine "trong vài ngày tới".
Moskva nhiều lần khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và cho rằng phương Tây đang lan truyền thông tin bịa đặt. Tuy nhiên, các vụ đụng độ, đấu pháo vài ngày qua ở miền đông Ukraine đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ "thùng thuốc súng" Donbass bùng nổ thành xung đột quy mô lớn.
"Điều khiến tôi chú ý hiện nay là tỷ giá đồng USD ở Nga tăng, đồng ruble rớt giá mạnh và thị trường tài chính Nga lao dốc. Những điều đó cũng thể hiện khá nhiều điều về mức độ nghiêm trọng của tình hình", Hưng nói.
Theo Thanh Danh
Vnexpress