Toggle navigation
Người Việt: Gần 20 năm ở Pháp, lần đầu tiên mãi không đổ được xăng
13/10/2022 | 06:32 GMT+7
Chia sẻ :
Người Việt sống ở Pháp cho biết họ chưa đổ được nhiên liệu suốt những ngày qua, khi nguồn cung thiếu hụt khiến nhiều trạm đóng cửa hoặc người mua phải xếp hàng dài cả cây số.

Chị Nga My biết về tình trạng thiếu nhiên liệu tại các trạm xăng dầu ở Livry Gargan - nơi chị sinh sống - từ hôm 7/10.

“Tôi đi làm về buổi trưa thấy nhiều trạm hết xăng nhưng vẫn còn dầu. Tại một số trạm khác cũng có nhiều người xếp hàng. Lúc đó, tôi nghĩ chỉ là chuyện bình thường. Ai ngờ, chiều về thấy mấy cây xăng đóng cửa. Giờ mới thấy lo”, chị chia sẻ với Zing hôm 11/10.

Ngày hôm sau, chị My quyết định tranh thủ đi đổ xăng khi nhiên liệu xe chỉ còn một nửa. “Chạy vòng các cây xăng quanh khu vực, khoảng hơn chục trạm, mà vẫn không đổ được. Chỗ thì hết xăng, chỗ thì quá đông không cho vào, chỗ thì xếp hàng cả cây số”, chị kể.

Tới sáng 9/10, chị My vẫn tranh thủ tìm nơi đổ xăng, nhưng tình hình không khả quan hơn là bao. “Mọi người xếp hàng dài, chờ vài ba tiếng. Chạy xe đến trạm khác thì lại không có xăng. Tôi đành phải đi về”, chị nói.

Tại thời điểm trò chuyện với Zing vào trưa 12/10, chị My vẫn chưa đổ được xăng, và các cây xăng gần nhà chị đã đóng cửa hết. “Thật chán nản! Trong 17 năm sống ở Pháp, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng này”, chị nói.

Không chỉ riêng chị My, nhiều người dân sinh sống trên khắp nước Pháp đang rơi vào cảnh xếp hàng nhiều giờ chờ đổ nhiên liệu.

Pháp đối mặt với tình trạng gián đoạn và thiếu nguồn cung ở các trạm xăng, khi nhân viên có kế hoạch đình công kéo dài tại những nhà máy lọc dầu lớn nhất cả nước.

1/3 trạm xăng dầu tại Pháp đang trong tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Khu vực Paris và miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tờ Local France nhấn mạnh Pháp hiện không thiếu nhiên liệu trong nước. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc giao hàng từ các nhà máy lọc dầu đến trạm xăng bị đình trệ do nhân viên đình công.

Chờ đổ xăng tới 1-2h

Cùng chung nỗi lo với chị Nga My, chị Mỹ Bình - ở Metz, miền Đông nước Pháp (gần biên giới với Đức và Luxembourg) - cho biết từ đầu tháng 9, tình trạng thiếu xăng đã bắt đầu xuất hiện.

“Con tôi nhập học xa, sau khi đưa con tới trường thì xe cũng hết xăng. Chồng tôi tới một trạm xăng gần đó thì quá đông, không chắc có thể chờ tới lượt nên tìm đến một trạm xăng khác, nhưng vẫn phải xếp hàng”, chị Mỹ Bình nói với Zing.

Theo chia sẻ của chị Bình, tình trạng thiếu xăng trầm trọng đã kéo dài khoảng 1-2 tuần: “Thứ bảy tuần trước (8/10) tôi nghe nói xăng khan hiếm nhưng không vội đổ ngay. Một người quen làm tài xế đã giục tôi đi đổ kẻo hết, và đúng là hết thật. Ngày hôm sau xăng hết sạch”.

Hiện tại, “tình hình không chỉ ảnh hưởng đến các trạm của TotalEnergies (nơi nhân viên đình công - PV) mà ở siêu thị cũng gặp. Chỉ vài ba tiếng là đèn báo hiệu còn xăng, dầu trên bảng điện tử đã tắt”, chị nói.

Phap thieu nhien lieu anh 1

Phap thieu nhien lieu anh 2

Phap thieu nhien lieu anh 3

Phap thieu nhien lieu anh 4
Hình ảnh hàng xe nối dài chờ đổ xăng tại Paris. Ảnh: NVCC.

Những ngày gần đây, chị Mỹ Bình cũng theo dõi thông báo hàng ngày trên các trang tin tức địa phương, để xem cây xăng nào đã đóng cửa. Sống tại Pháp hơn 20 năm, đây là lần đầu tiên chị Bình chứng kiến cảnh thiếu hụt như hiện tại.

“Sáng nay (11/10), tôi thấy 3 trạm ở siêu thị gần nhà đã hết xăng. Đến 14h, họ đã mở cửa trở lại, tuy nhiên mọi người vẫn phải xếp hàng dài”, chị chia sẻ. “Đồng nghiệp của tôi đi đổ xăng không được, đành phải mượn xe một người khác để đi công chuyện”.

Trong khi đó, từ Paris, chị Hạ Nguy Pha cho biết người dân gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng thiếu nhiên liệu.

Phap thieu nhien lieu anh 5
Trạm xăng tại khu vực chị Nguy Pha đóng cửa hôm 12/10. Ảnh: NVCC.

“Tôi phải đến khu vực lân cận hoặc cao tốc đổ xăng. Tình trạng khan hiếm này đã kéo dài gần một tuần. Hôm 10/10, chúng tôi chỉ được đổ tối đa 80 euro”, chị chia sẻ với Zing.

“Hiện giờ lúc nào trạm xăng cũng đông người, nhưng đông người là còn có xăng đổ, nếu không họ đã đóng cửa trạm rồi. Tôi luôn chú ý khi xe còn một vạch sẽ tranh thủ đi đổ ngay”, chị nói thêm.

Chị Nguy Pha cho biết tình trạng này khiến nhiều người dân bất bình và phàn nàn, trong đó rất nhiều người phải đợi qua đêm ở trạm xăng. “Bạn tôi đi tìm từ 12h đêm tới 3h vẫn không đổ được xăng”, chị nói.

Chị Thanh Dung - sống tại quận 13 của Paris - cũng rơi vào tình cảnh tương tự. "Hôm 9/10, nhà tôi đi 5-6 trạm xăng mà họ đóng cửa", chị nói.

Vào thời điểm nói chuyện với Zing là chiều 12/10 (giờ địa phương), chị Dung cho biết sẽ thử đi đổ xăng vào buổi tối. Chị nói rất nhiều trạm xăng ở Paris đã đóng cửa, và "chỉ có thử ở ngoại ô thì may ra".

"Hiện tại trạm xăng quanh nhà tôi vẫn đóng. Sáng tôi đi làm qua một trạm xăng ngoài Paris thì họ vẫn mở, nhưng người xếp hàng dài lắm", chị mô tả.

"Hy vọng bớt đông, nhưng chắc có đông thì tôi vẫn chờ chứ không còn lựa chọn, vì sợ hết xăng. Nhưng cố đi thì chỉ sợ không đủ xăng, rồi vứt xe luôn ngoài đường thì khổ", chị nói thêm.

Chị Dung nói cả gia đình không ngờ tình hình thiếu xăng lâu tới vậy, do chưa từng gặp cảnh này bao giờ. "Tôi nghĩ biểu tình vài 3 hôm là đâu lại vào đấy. Mấy hôm đầu chỉ hết xăng nhưng vẫn còn dầu diesel. Tôi chủ quan không đi đổ, chứ không cũng trụ được thêm 2 tuần", chị cho hay.

Phap thieu nhien lieu anh 6

Phap thieu nhien lieu anh 7
Ban đầu, chị Dung dùng ứng dụng theo dõi trạm xăng dầu. Tuy nhiên, chị nói thực tế tình hình không giống như app hiển thị nên đã xóa: "App thông báo là trạm mở và còn xăng, nhưng khoảng 20 phút sau tôi đi tới thì họ nói không còn". Ảnh: NVCC.

Theo chia sẻ của chị Nga My, tình trạng xếp hàng dài tại các trạm xăng khiến người dân bất bình nên không thể tránh khỏi cãi vã.

“Những người sống gần các trạm xăng thậm chí không thể ngủ yên giấc vì mọi người xếp hàng chờ xăng tới 1-2h sáng. Đến 4h, họ lại nghe tiếng còi xe”, chị kể lại.

“Mọi người ai cũng phàn nàn, nhưng vẫn phải chịu vì chúng tôi đâu thể làm gì được”, chị Nga My nói thêm.

Nỗi lo phía sau khan hiếm nhiên liệu

Với đặc thù công việc trong ngành du lịch, tình trạng khan hiếm xăng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc của chị Nguy Pha.

“Tôi làm về du lịch, nếu giờ có tour mà không có xăng thì chỉ có thể hủy. Bên cạnh đó, giá xăng tăng nhẹ 1,6-1,8 euro/lít, khiến mọi thứ cũng tăng theo. Đồ ăn nhà hàng tăng 1-4 euro/món”, chị nói.

Chị Nguy Pha dự định đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn để tiết kiệm chi phí và thích ứng với tình hình này.

Trong khi đó, chị Dung đã chuyển sang đi phương tiện công cộng để tiết kiệm số xăng còn lại.

"Nhà tôi để dành xăng để sáng đưa con đi học. 4 năm nay tôi chủ yếu đi xe cá nhân, vì đi phương tiện công cộng mất nhiều thời gian hơn", chị nói, cho biết thêm mình phải đi làm sớm hơn thường lệ.

"Đi làm xong tôi cũng về thẳng nhà. Có việc thì đi tàu hoặc đi bộ, chứ cũng không có lựa chọn nào khác", chị nói thêm.

Trong khi đó, chị Nga My phải hủy bỏ nhiều kế hoạch. “Đợt tới, tôi định đưa các con đi cắm trại, nhưng giờ không biết đến ngày đó tình hình đã ổn định lại chưa”, chị nói.

Tương tự, gia đình chị Dung đã hoãn đi chơi vào cuối tuần tới. Ngoài ra, công việc kinh doanh của chị cũng bị ảnh hưởng.

"Tôi làm hàng nail ở ngoài Paris, nhưng dân không có xăng nên họ không đến làm, thành ra nhiều tiệm vắng khách hơn bình thường", chị nói.

Ngoài tình trạng khan hiếm, giá xăng tăng cũng là điều khiến người Việt tại Pháp lo ngại.

“Trước khi tình trạng này xảy ra, giá xăng dao động trong khoảng 1,5-1,9 euro/lít. Nếu như giá xăng tăng hơn 2,5 euro/lít, tôi dự định chuyển sang đi phương tiện công cộng. Hiện đã có những cây xăng mở nhưng giá từ 2,2-2,6 euro/lít”, chị Nga My nói.

Phap thieu nhien lieu anh 8

Phap thieu nhien lieu anh 9
Cảnh xếp hàng tại trạm xăng ở khu chị Bình sinh sống. Ảnh: NVCC.

Ở Metz, chị Mỹ Bình chia sẻ giá dầu diesel đã lên đến 1,79-1,9 euro/lít.

“Trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, tôi thường sang Luxembourg đổ dầu, và tiện sang Đức đi chợ. Mỗi khi sang đó đổ sẽ rẻ hơn được 6-7 euro. Tuy nhiên, từ khi chiến sự nổ ra, giá xăng dầu đều tăng. Đổ đầy một bình dầu giờ phải mất hơn 100 euro”, chị chia sẻ.

Chị Bình cho biết bản thân lo lắng khu vực chị sinh sống có thể rơi vào tình hình thiếu xăng dầu trầm trọng như tại thủ đô. Tuy nhiên, chị còn bất an hơn khi xăng tăng giá do khan hiếm, từ đó kéo theo lạm phát, trong khi lương vẫn giữ nguyên.

“Hồi trước, nhà tôi đi chơi rất nhiều, hay nghe ngóng có siêu thị này bán trái cây ngon, đồ ăn châu Á rẻ là lấy xe chạy đi ngay, mua không ngần ngại. Nhưng giờ không thế nữa, chỉ cần thiết mới sử dụng xe”, chị nói, cho biết thêm hiện chị chỉ đi chợ 1 lần/tuần.

Ngoài ra, việc kinh doanh nhỏ của chị Bình cũng bị ảnh hưởng. “Tôi thỉnh thoảng nấu món châu Á bán ở bên này. Xăng tăng mọi thứ tăng theo nên tôi phải lấy giá đắt hơn, khiến tôi khá lo lắng”, chị nói.

Hiện tại, chị Bình đã chuyển sang đi bộ đi làm. “Hồi trước, con tôi muộn học thường bảo mẹ chở đi, tôi cũng đồng ý luôn. Nhưng giờ khác rồi, tôi phải bảo con đi xe đạp, ‘vì mẹ còn đi bộ đi làm, huống gì là con đi ôtô đi học'”, chị kể.

Mùa đông tới gần khiến nỗi lo về giá nhiên liệu chất chồng.

“Ở đây đâu phải chỉ mỗi giá xăng, mà còn giá gas, giá sưởi cũng là vấn đề. Mọi năm, tôi để sưởi 20 độ C. Giờ hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, tôi bật sưởi 17 độ, nhưng phải mặc thêm áo khoác, quần jean và đi tất trong nhà”, chị nói.

Theo Phương Linh - Hải Linh
Zingnews
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com