Theo dõi cuộc thi “Áo dài và ẩm thực” tại Berlin (Đức) qua Facebook chị chưa được mấy ngày, bất ngờ thấy chị xuất hiện ở trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên phố Tràng Thi – hóa ra chị về nước và mang số tiền trên 400 triệu đồng quyên góp từ chương trình đó về nước ủng hộ cho phụ nữ nghèo.
Bỏ mặc những hối hả cuối năm, tôi quyết định săn bằng được “Người Việt đặc biệt ở Đức” để viết tiếp câu chuyện về chị, sau bài báo đầu tiên “Người nuôi giấc mơ Việt ở Đức” trên báo Tuổi trẻ - cách đây đã 14 năm. Chị là Trịnh Thị Mùi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm thương mại Thái Bình Dương, thành phố Berlin, Đức.
Chị Trịnh Thị Mùi trao tiền hỗ trợ phụ nữ nghèo thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 11/2022.
Viết tiếp trang đời thiện nguyện
Chị Mùi không còn xa lạ với hầu hết bà con Việt kiều cũng như người Việt trong nước bởi những câu chuyện như cổ tích chị viết trên nước Đức. Từ một cô giáo dạy toán bỡ ngỡ đất khách quê người, bằng hai bàn tay và khối óc, chị đã gây dựng được Trung tâm thương mại “made in Việt Nam” diện tích khoảng 52.000m2 giữa thủ đô Berlin nước Đức.
Không dừng lại ở cơ ngơi đồ sộ nơi giúp bao doanh nhân Việt có cơ hội giao thương, buôn bán, chị Mùi âm thầm gây dựng một cơ sở dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt giữa lòng châu Âu. Ngôi trường được chị cho mượn toàn bộ cơ sở vật chất nằm trong khuôn viên của Trung tâm thương mại. Vừa tổ chức dạy và học vừa tài trợ, trong suốt 20 năm, đã có hàng ngàn trẻ Việt được học tiếng mẹ đẻ ở nơi đây nhờ tâm huyết của chị.
Canh cánh giữ cái nôi văn hóa cho người Việt mà xuất phát chính là tiếng Việt, văn hóa tâm linh con người Việt, những năm 2000, chị Mùi dấn thêm một bước nữa khi quyết tâm xây một ngôi chùa cho người Việt có nơi bồi dưỡng văn hóa tâm linh, hướng về nguồn cội. Ngôi chùa Phổ Đà ở Berlin đã hoàn thành nhanh chóng, các tượng Phật và vật dụng hoàn toàn mang từ trong nước sang. Ủng hộ cộng đồng người Việt ở Đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử nhiều đoàn sang thăm làm việc với Chùa và cộng đồng người Việt ở đây. Chùa cũng mời một vị sư được đào tạo tại trường Cao đẳng Phật giáo TP. Hồ Chí Minh sang trụ trì.
Cũng trong khuôn viên đó, chị Mùi đã bỏ một diện tích khá lớn để xây thêm một nhà văn hóa Việt đầu tiên ở Châu Âu. Cũng vẫn là chị tổ chức đưa ca sĩ, nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn để giữ gìn, truyền lại văn hóa Việt cho các thế hệ người Việt trên nước Đức, đặc biệt là trẻ em Việt sinh ra và lớn lên ở châu Âu.
Chị Mùi tâm tình: “Làm ăn mưu sinh luôn là vô vàn vất vả và áp lực, được nghe tiếng hát quê hương, những làn điệu quê nhà như tiếp thêm sức mạnh nên dù khó đến mấy chị cũng làm. Bọn trẻ Việt sinh ra bên này không được sống trong môi trường văn hóa Việt nên lại cần hơn nữa, nghe trẻ hát lơ lớ bài hát Việt là cũng mừng lắm rồi”.
Là cầu nối giao thương kinh tế, văn hóa Việt-Đức, chị Mùi và bà con cộng đồng Việt hàng ngày tham gia mọi hoạt động tại Đức, ghi dấu ấn về những truyền thống tốt đẹp của người Việt, kinh doanh tuân thủ pháp luật sở tại và góp phần vào các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng sở tại.
Chị Mùi chia sẻ: “Cộng đồng người Việt tại Đức cũng rất gắn bó với quê hương thứ hai của mình và là nhịp cầu quan trọng kết nối giữa hai nước nên khi nước Đức gánh chịu cơn lũ lịch sử năm 2021, chúng tôi đã nhanh chóng thành lập ban tổ chức quyên góp ủng hộ cho bà con ở hai bang chịu thiệt hại nặng nề.
Cộng đồng người Việt rất tự hào được sinh sống, làm việc và học tập tại Đức. Những người Việt Nam tại đây luôn coi nước Đức là quê hương thứ hai của mình. Vì thế, trước những hậu quả thiên tai nặng nề mà nhân dân hai bang miền Tây nước Đức phải gánh chịu, cộng đồng người Việt tại Đức chúng tôi đã cùng phát động chương trình quyên góp với mong muốn có thể chia sẻ phần nào những khó khăn với nhân dân vùng lũ. Ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của 382 cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và hội đoàn với tổng số tiền 30.050 Euro. Toàn bộ số tiền này được chia đều ủng hộ nhân dân vùng lũ của hai bang Rheinland-Pfalz và Nordrhein-Westfalen”.
Chị Mùi và cộng đồng người Việt tại Berlin trao tiền hỗ trợ hai bang bị lũ lụt tại Đức năm 2021.
Những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đức, chị Mùi là người tiên phong giảm giá thuê cửa hàng tại trung tâm cho tất cả thương nhân tới từ các nước.
Chị kể: “Bà con buôn bán khó khăn, tôi quyết định ngay giảm 20% tiền thuê cửa hàng, bà con mừng lắm có người khóc vì xúc động”. Chị cũng chủ động mở một kho vải cho may khẩu trang tặng cho các nhà dưỡng lão, người nghèo khó trên nước Đức.
Quan hệ thấm tình nghĩa hai nước được nuôi dưỡng, trong những tháng ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên quê hương, chị Mùi cùng cộng đồng người Việt đã kết nối rất nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ của chính phủ và người dân Đức đến với Việt Nam.
Nuôi “con” từ cách xa ngàn dặm
Máu trong tim là dòng máu Việt, dù đã quá nửa đời người lập nghiệp xứ người, chị Mùi chưa một ngày hết nặng lòng với quê hương. Không nề hà từ việc làm đường quê ngõ xóm cho quê chồng (Hoàng Tường, Thanh Miện, Hải Dương) tới giúp phụ nữ nghèo, giúp trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề, đóng góp quỹ Trái tim cho em, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo...
Cứ nghe tin ở đâu có người cần trợ giúp, chị lại trăn trở tìm kiếm nguồn vật lực để hỗ trợ. Chưa một cơn lũ lụt nào trong nước không có bóng dáng người phụ nữ tảo tần đậm chất Việt này.
“Tôi thường hay góp cho các quỹ mà thầm lặng thôi, vì tôi quan niệm, đóng góp của mình còn rất khiêm tốn, chỉ là mỗi người một chút thì gánh nặng của những mảnh đời kém may mắn kia sẽ nhẹ bớt đi phần nào”, chị giản dị chia sẻ.
Năm 2016, chị Mùi cùng bà con Việt ở Đức quyên góp gần 200 triệu đồng rồi lặn lội về Hà Tĩnh giúp bà con bị ảnh hưởng bão lũ. Cũng ở đây, chị đã thực hiện được tâm nguyện canh cánh bao năm, đó là tìm những cháu trẻ mồ côi để nuôi dưỡng ăn học thành tài.
Chị Mùi trao học bổng cho trẻ mồ côi miền Trung.
“Nhờ có nhóm nhà báo Trương Mai Thủy, tôi đã tìm được các cháu mồ côi và nuôi tới nay được gần 4 năm, mỗi cháu 1 triệu đồng hàng tháng”, chị Mùi khoe thêm, niềm vui lấp lánh trong đôi mắt đã nhiều vết chân chim: “Tới nay có hai cháu sắp làm giáo viên, một cháu chuẩn bị ra trường làm bác sĩ, một cháu đang tập huấn trong quân đội và hai cháu nữa còn nhỏ đang học tập rất ngoan”.
Cũng nhờ có sức lan tỏa từ chị, giờ đây đã có 16 cháu mồ côi được giúp đỡ, tài trợ cho ăn học tới khi tốt nghiệp đại học.
Khó có thể kể hết hành trình thiện nguyện xuyên suốt 30 năm không ngơi nghỉ của chị. Lần nào cũng thế, chỉ một tin từ quê nhà là người phụ nữ “thép” lại rơi lệ, mềm lòng và tiếp theo thế nào cũng là những hoạt động thiện nguyện kịp thời, hiệu quả được thực hiện.
Gặp chị ngay sau khi chị tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao số tiền ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương với số tiền 405.048.000 đồng, chị trầm ngâm: “Sức khỏe không còn được như trước em ạ, nhưng không vì thế mà chị và kiều bào ở Đức nản lòng, còn làm được gì lại càng phải tranh thủ hơn”.
Có lẽ vì sự nặng lòng này, nhiều năm nay, chị Mùi đã âm thầm dẫn dắt con gái và thế hệ trẻ của người Việt ở Đức tham gia các hoạt động thiện nguyện tại quê nhà.
Trong một chuyến theo mẹ về Làng trẻ mồ côi Hà Cầu, Hà Đông trao tặng tiền và quà cho trẻ mồ côi ở đây, Việt Trinh – con gái chị - đại diện thế hệ sinh ra trên nước Đức xúc động: “Từ nhỏ mẹ đã luôn dạy tôi sống biết yêu thương và chia sẻ. Chuyến đi lần này cho tôi cơ hội được tận mắt chứng kiến và gặp gỡ những mảnh đời kém may mắn, tôi thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với quê hương nơi bố mẹ tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi biết ơn mẹ đã cho tôi sống trong môi trường yêu thương và dạy tôi truyền thống lá lành đùm lá rách”.
Năm 2016, khi biết mẹ về nước trao quà cho bà con miền Trung bị lũ lụt, Việt Trinh đã chủ động xin mẹ cho đi cùng. Tới từng nhà ngập lụt, có nhà cha mẹ mất chỉ còn con nhỏ bơ vơ, có nhà bệnh tật hiểm nghèo, có nhà cha mẹ nghèo khó người mất kẻ bỏ đi xa xứ, Việt Trinh đã rơi nước mắt và cùng mẹ nhận thêm “những đứa em” xa lạ trở thành con của mẹ Mùi để nuôi cho ăn học. Cô gái còn mới ngày nào chưa thạo tiếng Việt, nay đã thấm truyền thống nặng nghĩa ân tình của quê hương nguồi cội mà hướng về những mảnh đời bất hạnh.
Chia tay chị, khi nghe tôi “tham lam” bày tỏ mong muốn chị về nước nhiều hơn nữa, chị mỉm cười và nói: Em quen chị gần 20 năm rồi em biết mà, còn về được là phải về theo tiếng gọi của tim mình em ạ. Không về được nhiều đi chăng nữa, chị vẫn có cách để hỗ trợ mọi người khi cần mà.
Năm 2014, Viện Sức khỏe cộng đồng phối hợp với Trung tâm Đào tạo và cung ứng điều dưỡng viên quốc tế tổ chức lễ ra mắt bộ sách cẩm nang chăm sóc hỗ trợ tự lập - chăm sóc người cao tuổi của GS. Takeuchi Takahito, trường Đại học Y tế và Phúc lợi quốc tế Nhật Bản. Người hỗ trợ tài chính để xuất bản bộ sách chính là chị Trịnh Thị Mùi.
Trước đó, ông Takeuchi Takahito - nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Nhật Bản - đã trao tặng bản quyền bộ sách cho Viện Sức khỏe cộng đồng với mong muốn kiến thức trong bộ sách sẽ được ứng dụng vào việc chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các công đoạn từ dịch thuật, hiệu đính, xuất bản bộ sách vào thời điểm đó cần đến gần 300 triệu đồng. Lúc ấy, tôi (khi còn là Thư ký tòa soạn tại tạp chí Y học cộng đồng) nghĩ tới chị Mùi. Chỉ sau một cuộc điện thoại sang Đức, chị ngay lập tức đồng ý tham gia với hy vọng "bộ sách sẽ thực sự trở thành một bộ cẩm nang sống cho cộng đồng người cao tuổi Việt Nam”…
Theo HOÀNG MAI
Thế giới và Việt Nam