Nhiều tiểu thương người Việt sở hữu các quầy hàng cố định trong các khu chợ lớn ở thủ đô của Lào.
Anh Hà, chủ quầy hàng gia dụng tại chợ Nongchan. Ảnh: Khánh Lynh.
Nằm cách trung tâm hành chính của Viêng Chăn hơn một cây số, chợ Nongchan là nơi có nhiều người Việt buôn bán. Có tên cũ là Khua Din, chợ Nongchan với các gian hàng cố định và các quầy hàng tạm chỉ hoạt động từ 5h đến 8h sáng hàng ngày.
Anh Hà, quê ở Bắc Giang, đưa gia đình sang sinh sống ở Lào từ những năm 1990, cho biết phần lớn người Việt trong chợ Nongchan kinh doanh hàng quần áo, giày dép, củ quả và hàng khô. Họ nhập từ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, hoặc mở công ty may mặc ngay tại Lào. Những người gốc Việt, sinh ra ở Lào, thì bán các thực phẩm tươi như thịt, cá, rau... Không dễ nhận diện những người này vì họ không nói tiếng Việt.
Sở hữu một quầy hàng gia dụng, chủ yếu nhập từ Thái Lan, anh Hà cho biết việc buôn bán giúp anh đảm bảo cuộc sống của hai vợ chồng cùng ba con.
"Tôi phải chi hai tỷ đồng Việt Nam để mua gian hàng này, mỗi năm còn đóng thêm 400 triệu đồng nữa cho các loại phí dịch vụ khác. Tuy nhiên việc buôn bán gần đây không thuận lợi như trước vì có nhiều người kinh doanh cùng mặt hàng", anh Hà nói với VnExpress. Chủ khu chợ Nongchan là một người Lào.
Chợ Nongchan có tên cũ là Khua Din. Ảnh: KL.
Tại khu vực hàng quần áo, các tiểu thương Việt Nam kinh doanh ở quy mô nhỏ hơn. Bình, cùng gia đình từ Huế sang Viêng Chăn sống được 10 năm. Cô đầu tư hơn 230 triệu đồng để mua quầy và phí hàng tháng là 4 triệu đồng. Hàng nhập chủ yếu từ Việt Nam sang.
Ở sân chợ và dọc lối đi, nơi có các quầy hàng hoạt động trong ba tiếng buổi sáng, nhiều người Việt tấp nập bán hàng. Quyên, 22 tuổi, cùng chồng con rời quê ở Thanh Hoá, sang sống ở Viêng Chăn được 4 năm.
"Những người mới sang như tôi bán hàng khô, cà rốt, khoai tây, nhập từ Việt Nam. Người có nhiều vốn hơn thì bán quần áo, giày dép. Việc kinh doanh ở đây khá thuận lợi", Quyên nói. Thời gian đầu, Quyên khá lạ lẫm với môi trường sống nhưng chỉ sau một tháng theo chồng ra chợ, cô có thể nói được tiếng Lào và tự đi chợ.
Một đại diện của Hội người Việt tại Viêng Chăn cho hay người Việt kinh doanh ở nhiều khu chợ khác ở thủ đô, trong đó có chợ Sáng, gần chợ Nongkhan. Ở các gia đình có nhiều thế hệ, dù con cháu sinh ra tại Lào, họ vẫn duy trì các phong tục và ngôn ngữ tiếng Việt.
Quyên, áo đỏ, sinh sống ở Viêng Chăn được 4 năm. Ảnh: KL.
Theo Khánh Lynh
Vnexpress