Bà Diệp Ngọc Vương, người đồng sáng lập kiêm chủ tịch tổ chức Pacific Links, được vinh danh vì những nỗ lực chống nạn buôn người tại Việt Nam.
Bà Diệp Ngọc Vương nhận giải thưởng "Công dân Toàn cầu 2018" tại Dubai hôm 6/11. Ảnh: Khaleej Times
AP đưa tin bà Diệp Ngọc Vương được trao giải thưởng "Công dân Toàn cầu 2018" của Henley & Partners, một công ty tư vấn di trú và nhập tịch quốc tế có trụ sở tại London và hàng chục văn phòng trên thế giới.
Tại buổi trao giải diễn ra ở Dubai hôm 6/11, chủ tịch Henley & Partners, ông Christian H. Kälin, cho hay hàng năm, giải thưởng "Công dân Toàn cầu" được trao cho các cá nhân có đóng góp đặc biệt đến cộng đồng toàn cầu. Ông ca ngợi nỗ lực cũng như tầm nhìn và cách tiếp cận trong cuộc đấu tranh chống nạn buôn người khiến bà Diệp Ngọc Vương xứng đáng nhận danh hiệu này.
Theo cha sang Mỹ từ nhỏ và mất 17 năm mới được đoàn tụ cùng cả gia đình, sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, bà Diệp Ngọc Vương đã dành cả cuộc đời để giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng trên thế giới.
Năm 2001, bà quay về Việt Nam và thành lập tổ chức Pacific Links. Cùng nhóm cộng sự 25 người, bà thực hiện hàng loạt sáng kiến toàn diện nhằm ngăn chặn nạn buôn người trong và ngoài Việt Nam, đồng thời phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia để chống lao động cưỡng chế và giảm nguy cơ buôn người trên chuỗi cung ứng nhân lực riêng của họ.
Tổ chức của Diệp Ngọc Vương cũng có các chương trình giáo dục về nạn buôn người tại 170 trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam. Ngoài ra, bà còn hỗ trợ thanh niên Việt Nam học nghề để tránh nguy cơ bị lừa đường dây buôn người với lời hứa hẹn rằng sẽ có công việc tốt.
Theo Pacific Links, ngành công nghiệp buôn người thu về 150 tỷ USD mỗi năm, gây ảnh hưởng tới hơn 40 triệu phụ nữ, trẻ em và nam giới. Trong khi đây là một vấn đề toàn cầu, tỷ lệ nô lệ ở châu Á Thái Bình Dương cao gấp hai lần so với một nước phát triển. Việt Nam là một nguồn lớn về buôn bán lao động và mại dâm qua biên giới. 60% những kẻ buôn người bị bắt ở Việt Nam từng là nạn nhân.
Nhận giải thưởng "Công dân Toàn cầu", người phụ nữ gốc Việt cảm ơn Henley & Partners vì sự ghi nhận cho những nỗ lực của bà. "Buôn người là một vấn nạn lớn trong thời đại của chúng ta, biểu hiện cho mặt trái của toàn cầu hóa. Chúng ta càng nhận thức được những thực tại đau khổ của thế giới, chúng ta càng giải quyết và điều chỉnh chúng hiệu quả hơn. Chúng ta hãy cùng nhau thay đổi điều này", bà Diệp Ngọc Vương nói.
Trong số những người nhận giải thưởng "Công dân Toàn cầu" trước đó có Monique Morrow, chủ tịch kiêm đồng sáng lập The Humanized Internet, công ty sử dụng công nghệ mới để bảo vệ quyền của những người bị tổn thương, nhà nhân đạo Nam Phi Imtiaz Sooliman, người sáng lập tổ chức cứu trợ thảm họa lớn nhất châu Phi, và doanh nhân Đức Harald Hoppner, người sáng lập dự án hỗ trợ người tị nạn Sea Watch.
Theo Anh Ngọc
Vnexpress