Người gốc Việt ở Campuchia tiến thoái lưỡng nan trước lệnh di dời của chính quyền
Một đứa trẻ ở làng nổi của người gốc Việt trên sông Tonle Sap, Campuchia hôm 26/6. Ảnh: Reuters
Trương Văn Long chỉ là người Việt trên cái tên, bởi ông sinh ra ở Campuchia và đã sống ở đây hàng chục năm, trong đó có một phần lớn thời gian trên sông Tonle Sap, tỉnh miền trung Kampong Chhnang.
Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Kampong Chhnang từ năm ngoái bắt đầu thực hiện kế hoạch di dời các làng nổi của người gốc Việt lên bờ và hơn 1.000 gia đình, trong đó có gia đình của ông Long, sẽ phải tái định cư ở một địa điểm khác vào những tháng tới.
"Tại sao lại chuyển chúng tôi đi khỏi sông? Chúng tôi không chặn đường của ai và không có nơi nào để đi cả", ông Long nói khi ngồi trên sàn nhà, vốn là một con thuyền nhỏ màu xanh. "Giới chức nói chúng tôi gây ô nhiễm nguồn nước nhưng đó là do ngành công nghiệp và người dân thành phố. Chúng tôi chỉ muốn kiếm sống bằng cách đánh bắt cá. Chúng tôi sẽ chết đói nếu rời đi".
Chính quyền Campuchia cho biết việc di dời những làng nổi là biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề đánh bắt trái phép, ô nhiễm nước và hệ thống sinh thái hồ bị tổn hại.
"Họ không thể sống trên sông mãi được. Họ cần định cư trên bờ", Chhour Chandoeun, thống đốc tỉnh Kampong Chhnang, nói. "Nhiều gia đình đã tình nguyện di dời. Chúng tôi đang xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho mọi người".
Làn sóng người Việt di cư sang Campuchia bắt đầu từ thế kỷ 19, trong thời kỳ Pháp thuộc. Sau khi Campuchia giành độc lập năm 1953, luật mới cho phép một số người nước ngoài được quyền nộp đơn xin nhập tịch nhưng điều luật này sau đó được thắt chặt.
Khi Khmer Đỏ giành quyền kiểm soát Campuchia năm 1975, hàng chục nghìn người gốc Việt đã bị trục xuất hoặc sát hại, giấy tờ và tài sản của họ bị tịch thu hoặc phá hủy. Sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, hàng nghìn người Việt đã quay lại Campuchia và dựng nhà trên sông Tonle Sap. Tuy nhiên, tình trạng pháp lý và điều kiện sinh sống của họ không được đảm bảo, theo Christoph Sperfeldt, chuyên viên trung tâm về người vô quốc tịch ở Đại học Melbourne, Australia.
"Các nhóm người gốc Việt đã sống ở Campuchia suốt lịch sử đương đại. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng bị cô lập trong xã hội, ít được tiếp cận với các dịch vụ và cơ hội phát triển", ông Sperfeldt nói.
Khu tái định cư ở làng Chnok Tru dành cho những người gốc Việt di dời khỏi sông Tonle Sap vào năm ngoái. Ảnh: Reuters
Trên thế giới, có tới 15 triệu người không được nước nào công nhận là công dân. Họ đứng trước nguy cơ bị lạm dụng, buôn bán, bị bắt và giam giữ tùy tiện, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho hay.
Số liệu của chính phủ Campuchia cho thấy người Việt là nhóm thiểu số lớn nhất ở nước này, gồm gần 50.000 gia đình với hơn 180.000 người, dù các nhóm nhân quyền cho rằng con số thực tế cao gấp 4 lần. Hầu hết họ không có quốc tịch vì không phải là công dân Campuchia hay Việt Nam và đối mặt với nhiều rào cản lớn về giáo dục, y tế, việc làm, dịch vụ ngân hàng, tự do đi lại và sở hữu tài sản. Họ không có giấy khai sinh nên con cái chủ yếu đi học ở các trường tiếng Việt không chính thống thay vì trường công. Nhiều trẻ em bắt đầu kiếm sống cùng cha mẹ từ nhỏ.
Những năm gần đây, có hàng nghìn gia đình đã bị trục xuất về Việt Nam. Những người bị di dời khỏi sông đến nơi định cư mới thì phải sống trong tình cảnh thiếu thốn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, không có nước uống và nhà vệ sinh, các nhóm nhân quyền cho biết.
"Họ không muốn sống trên sông, do hoàn cảnh tồi tệ và thiếu quyền lợi buộc họ phải làm thế", Butmao Sourn, giám đốc điều hành Tổ chức phi lợi nhuận về Quyền người Thiểu số (MIRO) ở Phnom Penh, nói. "Họ không có quyền hợp pháp để mua nhà, vì thế họ sống trong những ngôi nhà tạm bợ trên sông, đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe. Họ cũng không khá hơn khi chuyển lên bờ vì ở đó họ không được chào đón".
Campuchia không tham gia vào Công ước 1954 về cấp quyền giáo dục, việc làm, nhà ở, giấy tờ thông hành và hỗ trợ hành chính cho những người không quốc tịch. Năm 2015, nước này bắt đầu cấp thẻ thường trú nhân cho các nhóm dân tộc thiểu số với mức phí 250.000 riel (62 USD) một người. Thẻ được gia hạn hai năm một lần và sau 7 năm, người được cấp thẻ sẽ đủ điều kiện nhập tịch. Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết thẻ thường trú nhân sẽ đảm bảo cho người gốc Việt có được quyền hợp pháp để sinh sống ở nước này.
Tại tỉnh Kampong Chhnang, từ năm 2015, giới chức bắt đầu tiến hành kế hoạch 5 năm nhằm tái tạo sông Tonle Sap, làm đẹp bờ sông và thúc đẩy du lịch. Kế hoạch này đòi hỏi phải di dời các làng nổi. Tháng 10 năm ngoái, hơn 200 gia đình gốc Việt đã được chuyển tới một khu tái định cư ở làng Chnok Tru, cách Phnom Penh khoảng 135 km nhưng nơi này không có nước hay nhà vệ sinh, cũng không nằm gần sông.
Hồ Thị Hà, một người gốc Việt, mở tiệm tạp hóa tại khu tái định cư ở làng Chnok Tru sau khi rời khỏi sông Tonle Sap vào năm ngoái. Ảnh: Reuters
"Ở đây rất khó khăn. Sống trên sông, chúng tôi có thể đánh cá, kiếm ăn, chúng tôi có thể di chuyển dễ dàng", Hồ Thị Hà, chủ một tiệm tạp hóa nhỏ bán cafe và quà vặt, nói. "Ở đây trời cứ mưa là bị lụt, chúng tôi không đi đâu được. Một số người đã bỏ đi vì không có tiền", cô nói, chỉ về phía những ngôi nhà gỗ bị bỏ hoang. Chính quyền địa phương cho biết các gia đình này sẽ được chuyển đến một địa điểm gần đó sau khi cơ sở hạ tầng được hoàn tất.
Cách đó chỉ vài km, hàng chục làng nổi vẫn tồn tại trên trên sông Tonle Sa. Những con thuyền bán rau và đồ ăn dập dềnh, trong khi đám trẻ con hò hét nhảy ùm xuống sông. Quang cảnh có vẻ thanh bình này trái ngược với tương lai bất định của họ.
Heang Kimly, 30 tuổi, lo lắng về kế sinh nhai khi chuyển lên bờ và số phận của những con cá mà gia đình đang rào nuôi trong những chiếc lồng tre.
"Chúng tôi đã sống trên sông suốt một thời gian dài, đây là cuộc sống duy nhất mà chúng tôi biết đến. Nếu giới chức cho phép, chúng tôi muốn ở lại đây", cô nói. "Nhưng có lẽ các con tôi sẽ có một cuộc sống dễ dàng và tốt đẹp hơn trên bờ nếu chúng có quốc tịch Campuchia và được học hành tử tế. Sau đó cuộc sống của chúng có thể được đảm bảo hơn".
Anh Ngọc - Vnexpress
Theo Reuters