8 người đã bị bắn chết tại ba tiệm spa ở phía bắc thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ), bao gồm 6 phụ nữ gốc Á. Thảm kịch này xới lại nỗi lo sợ của người Mỹ gốc Á sau một năm phải chịu đựng quá nhiều sự kỳ thị vì đại dịch COVID-19.
Người dân đến bên ngoài tiệm spa Young’s Asian Massage ngày 17-3 để bày tỏ niềm tiếc thương với các nạn nhân trong vụ xả súng tàn bạo tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ - Ảnh: Reuters
Nghi phạm gây án, Robert Aaron Long, là một thanh niên 21 tuổi, đã bị cảnh sát bắt và buộc tội giết người. Tên này khai với cảnh sát động cơ gây án không phải vì phân biệt chủng tộc mà để "xóa bỏ" ham muốn bị thôi thúc vì chứng nghiện tình dục. Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Atlanta xác nhận 4/8 nạn nhân là người gốc Hàn Quốc dù chưa rõ quốc tịch của họ.
Bàn cách tự bảo vệ
Theo báo Washington Post, mặc dù cảnh sát nói vẫn còn quá sớm để kết luận về động cơ gây án, song tại bang Georgia kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 đã xảy ra nhiều hơn các vụ người gốc Á bị quấy rối, tấn công. Những tấm biển màu đồng với dòng chữ "dịch bệnh Vũ Hán" được gắn lên nhiều tòa nhà ở Atlanta, một sinh viên người Mỹ gốc Á bị xỉa xói "cảm ơn vì COVID", hay một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Á tại Atlanta sau khi rời rạp phim mới biết chiếc xe của họ bị phun sơn loang lổ...
Trong năm qua, những người Việt ở Mỹ cũng đã chứng kiến rất nhiều chuyện xảy ra liên quan tới tình trạng người gốc Á bị kỳ thị. Người gốc Á bị xa lánh, chợ hay hàng hóa của người gốc Á bị tẩy chay. Có người chia sẻ với Tuổi Trẻ họ đã bị chửi rủa là "go back to China" (cút về Trung Quốc) mặc dù không phải người Trung Quốc. Không chỉ người Mỹ gốc Việt, người Mỹ gốc Hoa, người Đài Loan, người Singapore ở Mỹ cũng gặp phải tình huống khó chịu này.
Vụ việc vừa xảy ra tại bang Georgia là rất nghiêm trọng và đang trở thành vấn đề nóng của dư luận người gốc Á tại Mỹ những ngày qua. Bất kể nghi phạm khai nhận với nhà chức trách như thế nào, với rất nhiều người gốc Á, họ vẫn thấy ở đây là câu chuyện của "một kẻ phân biệt chủng tộc da trắng đã giết chết 6 phụ nữ gốc Á".
Sau loạt tấn công ở thành phố Atlanta, cộng đồng người Mỹ gốc Á tại khu vực Vịnh San Francisco ngoài việc kêu gọi cảnh sát tăng cường tuần tra nhiều hơn cũng đã thảo luận về giải pháp để cộng đồng có thể tự bảo vệ mình.
Theo báo New York Times, tại San Francisco, vì quá phẫn nộ trước các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á, ông Max Leung, một chủ tiệm kinh doanh, đã thành lập nhóm SF Peace Collective - hoạt động như một tổ chức dân phòng thường xuyên tuần tra các khu vực sinh sống của người gốc Á. Nhóm này cũng phát còi và tờ rơi để người dân trong vùng hiểu rõ các tội thù địch chủng tộc là như thế nào và cách để tố cáo chúng.
Lịch sử dài bị kỳ thị
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Bùi Anh Tuấn Kiệt - viên chức thuộc Văn phòng Bộ An ninh nội địa tại bang California (Mỹ) - cho rằng có ba nguyên nhân xét về nguồn gốc, văn hóa và tầm nhìn dẫn tới hiện tượng này.
Thứ nhất, về nguồn gốc, kể từ khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gọi virus corona là "virus Trung Quốc", cáo buộc Trung Quốc đã gây ra đại dịch COVID-19, quan điểm kỳ thị với người gốc Á tại Mỹ cũng tăng thêm.
Không ít người Mỹ tin thuyết âm mưu cho rằng virus corona gây đại dịch COVID-19 là vũ khí sinh học do Trung Quốc thử nghiệm hoặc bị thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Trung Quốc từng là tâm điểm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, do đó khi ông gọi virus corona là "virus Trung Quốc", nó cũng khiến nhiều người Mỹ và những người thuộc các dân tộc khác ở Mỹ ghét người Trung Quốc hơn.
Với tất cả những người không phải gốc Á, người châu Á nói chung giống nhau, gần như họ không thể phân biệt đâu là người Trung Quốc, đâu là người Việt Nam.
Với những người đã mang sẵn tâm lý kỳ thị thì lại càng ít biết hơn về các dân tộc châu Á, từ đó dẫn tới tâm lý kỳ thị người châu Á.
Dù vậy, có thể hiểu tâm lý kỳ thị người châu Á này có một "lịch sử dài" hơn tại Mỹ và đã xuất hiện lâu hơn nhiều trước khi ông Trump lên nắm quyền và xảy ra đại dịch COVID-19.
Theo New York Times, về phương diện văn hóa, người châu Á thường được nhìn nhận như một sắc tộc tương đối an phận, phần lớn siêng năng, cần cù, ít khi đòi hỏi hay tranh cãi, cũng hiếm khi muốn kéo chính quyền vào cuộc khi đụng chuyện. Song cũng bởi thế, người gốc Á là nhóm hay phải đối mặt với việc bị bắt nạt hơn các nhóm sắc tộc khác.
Ngoài ra, người gốc Á ở Mỹ ít tham gia các hoạt động xã hội chính trị. Riêng ở Georgia, mãi tới gần đây bà Bee Nguyen mới là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử ghế hạ viện tiểu bang này. Vì còn thiếu những tiếng nói có tầm ảnh hưởng trong bộ máy chính trị nên cũng sẽ khó khăn hơn trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho những người gốc Á.
Có những đặc thù trong đời sống văn hóa của người châu Á mà chỉ người châu Á mới hiểu được. Ví như người Việt ở Mỹ có một cộng đồng rất lớn chuyên kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như làm nail, spa. Những vấn đề liên quan ngành này người Việt Nam đương nhiên hiểu rõ. Song khi nhà lãnh đạo chính quyền sở tại không hiểu hết các khía cạnh ngóc ngách của lĩnh vực này, sẽ khó mong họ đấu tranh cho quyền lợi của những người làm nail.
Để so sánh, người Mỹ da trắng kinh doanh trang trại rất nhiều và có những lúc họ được chính phủ trả tiền để "nghỉ" trồng trọt, giữ sản lượng cũng như giá cả ổn định. Dĩ nhiên để có được điều đó, nông dân Mỹ cũng phải có được những tiếng nói đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi cho họ trong các cấp chính quyền.
3.800
Tổ chức Stop AAPI Hate - một tổ chức chuyên theo dõi các vụ việc kỳ thị, thù ghét người Mỹ gốc Á và gốc vùng đảo Thái Bình Dương - cho biết trong một năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng lên tại Mỹ đã ghi nhận 3.800 vụ việc chống lại người châu Á trên phạm vi toàn nước Mỹ, 68% số vụ nhắm vào phụ nữ.
Theo D.KIM THOA
Zing