Khi châu Âu và Mỹ trở thành tâm dịch COVID-19, các công dân Âu, Mỹ chọn cách ở lại Việt Nam để bảo đảm an toàn và thường xuyên thăm hỏi người thân ở quê nhà.
Từ trái qua: ông David James, anh Patrick Davies, và anh Wayne Paris - Ảnh: NVCC
Tính đến 20h ngày 16-3 (giờ Việt Nam), đã có 10 quốc gia châu Âu ghi nhận 1.000 ca nhiễm virus corona chủng mới trở lên, bao gồm Ý, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển và Áo. Trong đó, Ý giữ vị trí "đỉnh bảng" với gần 25.000 ca nhiễm và hơn 1.800 người chết; trong khi Mỹ xác nhận hơn 3.800 ca nhiễm và 69 người chết.
Cảm giác yên tâm
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Wayne Paris (người Mỹ) cho biết anh vừa hủy chuyến bay về Mỹ ngày 19-3 để ở lại Việt Nam. "Cách đây hơn 3 tuần, tôi quyết định hủy chuyến bay về thăm nhà của mình. Dù được hoàn tiền cho chuyến bay từ Việt Nam đến Mỹ, tôi vẫn mất khoảng 1.000 USD cho các chuyến bay nội địa. Dù vậy, tôi rất vui khi ở lại Việt Nam, nơi tôi thấy an toàn hơn và được khỏe mạnh" - Paris kể.
Paris nhận xét Chính phủ Việt Nam làm khá tốt trong việc thông tin về COVID-19 đến mọi người, chẳng hạn như thông báo trên trang web của Chính phủ. Theo cảm nhận của anh chàng người Mỹ này, người dân ở TP.HCM có thái độ nghiêm túc trong việc phòng chống dịch bệnh.
"Khi có việc ra đường, tôi thấy mọi người có ý thức giữ khoảng cách ở hầu hết mọi nơi, đa số ở nhà, tránh tụ tập. Thậm chí tôi để ý thấy ít người ho hơn bình thường (lúc không có dịch). Điều này chứng tỏ họ ở nhà nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân" - Paris nói.
Anh cho biết hiện rất lo cho gia đình của mình nhưng cũng liên lạc với họ thường xuyên và biết rằng mọi người đều ổn. "Những dự báo xấu đã xảy ra và trên thực tế còn xấu hơn những gì tôi đã hình dung. Số ca mắc bệnh và cả số người chết đều tăng từng ngày" - Wayne trải lòng.
"Tôi cho rằng tại thời điểm này, có thể cả ở Mỹ và ở Việt Nam, có ai đó trong chúng ta có thể nhiễm virus rồi mà họ không hay biết. Tuy nhiên, tôi thấy rõ ràng ở Việt Nam mọi người nghiêm túc hơn trong tình huống này. Vì thế, tôi cảm thấy ở Việt Nam tốt hơn cho mình" - chàng trai người Mỹ thẳng thắn nói và bày tỏ sự an tâm vì Việt Nam đã cung cấp cho anh thông tin đầy đủ về dịch bệnh cũng như người dân có thái độ phòng chống dịch nghiêm túc.
Nhiều khách du lịch đã chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Lo người nước ngoài nhiễm bệnh đến
Ông David James, người Anh đang sống ở Cần Thơ, cho biết ông thường xuyên đọc báo chí ở Việt Nam để theo dõi tin tức về các biện pháp, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam.
James nói ông rất ấn tượng với cách mà Việt Nam đã và đang làm với dịch bệnh. "Tôi cảm thấy an toàn ở Cần Thơ và cảm thấy mọi thứ đang được kiểm soát tốt. Hãy so sánh số ca bệnh Việt Nam và Anh đang có hiện nay mà xem, trừ khi bị buộc phải về nước chứ tôi chắc chắn sẽ chọn ở lại Việt Nam qua mùa dịch. Hơn nữa, nếu về nước, tôi cũng phải bị cách ly hai tuần, điều này rất bất tiện" - James nói.
James khoe hôm nay ông bắt đầu đeo khẩu trang như khuyến cáo mới và không có vấn đề gì với điều này. "Mọi người đã lên dây cót tinh thần để đối phó với dịch bệnh. Chỉ có một điều hơi quá là nhiều người cũng đang có cách đối xử lạnh lùng hay đúng hơn là kỳ thị người nước ngoài" - James phàn nàn.
Tương tự, anh Wayne Paris cũng phàn nàn về tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài của một số ít người Việt Nam. "Ở một mức độ, cũng có thể là người dân đang phản ứng hơi quá. Chẳng hạn như bây giờ, người nước ngoài đang bị xa lánh. Họ không bán đồ cho bạn, họ không giúp đỡ bạn nữa, điều đó là hơi quá vì chúng tôi có phải là virus đâu. Nhưng đây chỉ là một số trường hợp, không phải là số đông" - Paris nói.
Trong khi đó, anh Patrick M Davies, một công dân người Anh khác đang sinh sống ở TP. HCM, khẳng định anh cảm thấy an toàn ở Việt Nam. Davies cho biết điều anh lo lắng nhất hiện nay là trường hợp người nước ngoài nhiễm bệnh đến Việt Nam.
"Tôi không muốn Việt Nam có thêm người nhiễm bệnh vì các trường hợp lây nhiễm thế này. Là giáo viên dạy tiếng Anh và đã ngừng dạy từ hơn tháng nay, tuy ảnh hưởng đến thu nhập nhưng tôi thấy quyết định và các biện pháp của chính quyền là đúng đắn. Việt Nam đã đưa ra các biện pháp quyết liệt và họ đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Tôi thấy mình an toàn hơn ở đây nên có cho tiền tôi cũng không trở về Anh" - James trải lòng.
James nói khá lo cho bố mẹ mình ở Anh vì họ đã lớn tuổi. Bố anh 69 tuổi, thuộc nhóm đối tượng dễ tổn thương trước dịch bệnh.
Đeo khẩu trang còn hơn không có gì!
Theo anh Wayne Paris, những người chủ quan với dịch bệnh mà anh thấy ở Việt Nam lại chính là người nước ngoài, vì họ nghĩ họ "biết tuốt" nên không cần lắng nghe ai. Paris quan sát thấy số đông người nước ngoài không chịu đeo khẩu trang.
"Mặc dù tôi hiểu rằng khẩu trang không nhất thiết sẽ bảo vệ bạn 100% khỏi nhiễm virus, nhưng có giá trị bảo vệ nếu đeo đúng cách, nhất là khi chúng ta đi ngang qua người có thể đang ủ bệnh mà mình không hay, hoặc khi họ khạc nhổ bừa bãi gần mình. Khẩu trang có thể bảo vệ chúng ta chút ít, dù là 50% thì cũng tốt hơn là không có gì" - Paris nói.
Đồ họa: N.THÀNH
Theo HỒNG VÂN
Tuổi Trẻ