Toggle navigation
Nghị trường nóng với những băn khoăn về ưu đãi dành cho đặc khu
03/06/2018 | 08:15 GMT+7
Chia sẻ :
“Có những đề xuất ưu đãi dễ dãi đến mức tôi bị sốc vì không hiểu đất nước và người dân sẽ được gì”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bày tỏ suy nghĩ khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là luật đặc khu). Do đó, ông Nghĩa kiến nghị chưa thông qua luật trong kỳ họp này mà đợi đến kỳ họp tới, cùng với việc cho ý kiến về các đề án thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Một góc huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), nơi được dự kiến phát triển thành đặc khu trong tương lai. Ảnh: TTXVN

Thảo luận về dự án luật đặc khu đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng loạt đại biểu tại phiên họp ngày 23-5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, vì xung quanh luật này có quá nhiều những điều mang tính đặc thù từ trước đến nay pháp luật chưa quy định.

Ví dụ, dự thảo luật đặc khu quy định thời hạn giao đất là 99 năm trong khi luật hiện hành chỉ quy định thời hạn giao đất cho nhà đầu tư trong khu kinh tế tối đa 70 năm và ngoài khu kinh tế tối đa 50 năm. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, luật đặc khu kinh tế có những quy định khác với luật pháp hiện hành nhưng không được phép trái với Hiến pháp và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp. Do đó, cần có một điều khoản quy định rõ ràng những quyết định thỏa thuận hay hành vi trái với Hiến pháp và nguyên tắc cơ bản của luật Việt Nam đều vô hiệu. Bởi có những luật Quốc hội thiết kế một số điều cấm, nhưng luật này không thấy.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nêu quan điểm tương tự về vấn đề thời gian cho thuê đất 99 năm được xem như ưu thế vượt trội ở đặc khu. Ông đề nghị hết sức thận trọng khi các đại biểu Quốc hội khóa 14 này không thể đại diện cho thế hệ 100 năm sau. “Trong các văn bản về đặc khu đều nói là thử nghiệm, thử nghiệm có thể thành công , có thể thất bại nên không phiêu lưu được”, ông Quốc nói.

Còn về yếu tố địa chính trị, đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), sẽ khó là nơi cho những nhà đầu tư công nghệ cao của thời đại 4.0 vì những nhà đầu tư như thế không cần đến 99 năm mà chỉ có các nhà đầu tư bất động sản. Nếu thực hiện không đúng sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề di dân, ông Quốc cho biết.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng lãnh thổ của ba đặc khu đều liên quan đến biển đảo, đến hàng chục ngàn ki-lô-mét vuông lãnh hải đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, liên quan đến chủ quyền trên biển Vân Đồn. Từ đó đến Hải Nam chỉ có 200 hải lý, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) thì rất gần với quần đảo Trường Sa. Do đó, ông Nghĩa đề nghị quy định rõ việc đầu tư có sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo các Luật biên giới, Luật biển và Luật tài nguyên nước.

Nhiều ý kiến của các đại biểu khác cũng đề nghị xem lại quyền cho nhà đầu tư chiến lược, thẩm quyền của chính quyền đặc khu hiện đang quá so với những quy định pháp luật hiện hành nhưng đổi lại những gì mà đất nước mà nhân dân nhận lại. Ông Nghĩa đặt câu hỏi: “Có những đề xuất ưu đãi dễ đến mức tôi bị sốc vì không hiểu đất nước và người dân sẽ được gì”. Do vậy ông đề nghị làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm rồi sau đó làm tiếp. “Chúng ta không ai muốn có thêm 'nhiều củi' sau khi 3 đặc khu ra đời”, ông Nghĩa cảnh báo. Và đề nghị làm luật trước rồi mới xem xét đề án nghị quyết thành lập 3 đặc khu. Tức là lùi việc thông qua luật đến kỳ họp sau để có đánh giá kỹ hơn.

Tuy nhiên, thừa ủy quyền Chính phủ trình dự luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị vẫn xin phép Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này vì muốn ban hành để triển khai sớm. Lý do mà ông Dũng đưa ra là trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có thể xem xét điều chỉnh sửa đổi. Ví dụ như Hàn Quốc trong 10 năm đã sửa 6 lần và Nhật Bản trong 3 năm cũng sửa 2 lần. Ông Dũng nhấn mạnh việc không quá cầu toàn nhưng vẫn thận trọng như ý các đại biểu đã nêu ra.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com