Lễ hội văn hóa Việt Nam lần thứ 6 và Gặp gỡ lao động Việt Nam đã được tổ chức tại khuôn viên trường Đại học Chosun, ở thành phố Gwangju, với sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Sự kiện diễn ra nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2022) có sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu vực Jeonnam-Gwangju.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội người Việt tại Jeonnam-Gwangju Nguyễn Viết Phong cho biết cộng đồng người Việt tại đây ước tính khoảng 20.000 người và đang phát triển ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chơi nhảy sạp tại Lễ hội văn hóa Việt Nam năm nay. (Nguồn: Hội người Việt tại Jeonnam-Gwangju)
Việc tổ chức Lễ hội văn hóa Việt Nam thường niên nhằm tạo không gian giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực lành mạnh và ý nghĩa cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.
Lễ hội là dịp để những người Việt Nam xa quê hương có thể hội tụ, cùng nhau chia sẻ tình cảm hướng về quê hương; đồng thời giao lưu quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và thắt chặt thêm mối quan hệ Hàn-Việt.
Ông Nguyễn Viết Phong nhấn mạnh, Lễ hội văn hóa Việt Nam năm nay gắn với sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc nên càng có ý nghĩa đặc biệt, giúp gắn kết, thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao lưu, hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Tham dự sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện gặp gỡ người lao động Việt Nam kết hợp với Lễ hội văn hóa cộng đồng, tạo cơ hội thuận lợi để lồng ghép nội dung tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động vào chương trình lễ hội năm nay.
Đại sứ nêu rõ trong nhiều năm qua, phái cử và tiếp nhận lao động luôn là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được công ty sử dụng lao động đánh giá tích cực về tính cần cù, chịu khó, tay nghề tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người lao động làm việc tại Hàn Quốc đã tự ý ở lại sinh sống và làm việc sau khi kết thúc hợp đồng lao động.
Việc này đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh chung của người lao động Việt Nam, hình ảnh chung của Việt Nam và đặc biệt là đến việc duy trì và phát triển thị phần lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.
Thông qua sự kiện Gặp gỡ lao động Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam mong muốn người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc nói chung, lao động làm việc tại Jeonnam-Gwangju nói riêng, sẽ phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, tuân thủ tốt hợp đồng lao động và pháp luật của Hàn Quốc, về nước đúng thời hạn để có thể tái nhập cảnh làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc trong những hợp đồng kế tiếp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường, đẩy mạnh số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, củng cố và tăng cường mối quan hệ giao lưu nhiều mặt giữa hai nước.
Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết từ năm 2004, hai nước đã hợp tác trong Chương trình đưa người lao động Việt Nam sang làm việc theo Luật Cấp phép việc làm (gọi tắt là Chương trình EPS).
Người lao động làm việc tại Hàn Quốc được tiếp cận phương pháp làm việc và công nghệ hiện đại của Hàn Quốc để khi trở về sẽ góp phần tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.
Từ quý IV năm 2022, Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đàm phán ký lại Bản ghi nhớ về hợp tác EPS vào đầu năm năm 2023 làm cơ sở cho việc tiếp tục đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc.
Hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, hỗ trợ người lao động trong thời gian sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc và đặc biệt là trong thời gian người lao động chuẩn bị kết thúc hợp đồng về nước.
Các hoạt động hỗ trợ người lao động tái nhập cảnh Hàn Quốc sau khi về nước đúng thời hạn hoặc tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng được chú trọng đẩy mạnh.
Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh việc lao động chấp hành tốt hợp đồng, về nước đúng hạn sau khi kết thúc hợp đồng là cơ sở duy trì và phát triển thị trường lao động Hàn Quốc. Việc giảm số lượng và tỷ lệ lao động cư trú trái phép là điều kiện tiên quyết để tăng số lượng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc hằng năm.
Trung tâm Lao động ngoài nước đang tích cực phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm để giới thiệu các cơ hội việc làm tốt cho người lao động tại các doanh nghiệp Hàn Quốc và nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết đối với những người lao động đang cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục có các chính sách khuyến khích người lao động tự nguyện hồi hương.
Sự kiện thu hút sự tham gia tích cực của người Việt tại Jeonnam-Gwangju. (Nguồn: Hội người Việt tại Jeonnam-Gwangju)
Hiện có khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc theo chương trình EPS. Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam đã trao bằng khen cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và người lao động tiêu biểu để ghi nhận tín nhiệm và sự tạo điều kiện của các doanh nghiệp với người lao động Việt Nam.
Nhân dịp này, Giáo sư Im Jin-ho thuộc trường Đại học Chodang đã trân trọng trao tặng Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cuốn sách mới biên dịch về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ lễ hội, Hội người Việt tại Jeonnam-Gwangju, đơn vị tổ chức lễ hội, đã tổ chức nhiều hoạt động như biểu diễn ca nhạc, nhạc cụ dân tộc, trưng bày tranh, ảnh về đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu văn hóa, ẩm thực, các trò chơi dân gian Việt Nam.
Theo Thế giới và Việt Nam