Thay vì tổ chức ngày kỷ niệm 8/3 như bình thường, năm nay, chị Nguyễn Ngọc Nga và một nhóm các cô dâu người Việt đã quyết định dành tất cả kinh phí để tặng lại cho những người dân mất hết nhà cửa sau thảm họa động đất đang sinh sống tạm tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Các thành viên trong nhóm hỏi thăm, chia sẻ với một nạn nhân đã mất nhà trong trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trở về “ngôi nhà ở nhờ” ngoại ô thành phố Istanbul sau phẫu thuật bàn chân vì chấn thương từ trận động đất, anh Baran (32 tuổi) đã hết sức bất ngờ khi gặp gỡ những người phụ nữ Việt Nam. Hôm nay, họ đã đến, chờ đợi để cùng chia sẻ với anh và gia đình những khó khăn trong giai đoạn bấp bênh trước mắt.
Baran (ở giữa) cùng gia đình hiện đang phải ở tại Istanbul do căn nhà của anh tại Adiyaman đã bị phá hủy bởi động đất.
“Gia đình tôi vốn ở Adiyaman. Trận động đất vừa qua đã cướp đi 14 người thân cùng cả căn nhà nhỏ. Chúng tôi đang phải đi ở nhà tại Istanbul. Mọi thứ rất khó khăn”, Baran kể lại.
Trong căn phòng nhỏ, Baran đã rất cảm động khi nhận được những lời hỏi thăm, động viên từ những người phụ nữ Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại đất nước này.
“Các bạn làm chúng tôi rất cảm động và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như có thêm những người thân mới, đặc biệt là sau những mất mát vừa qua”, người đàn ông 32 tuổi chia sẻ.
Những cô dâu người Việt chia sẻ với các nạn nhân động đất.
Hiện đang là Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ hơn 1 tuần nay, chị Nga đã cùng 7 chị em khác cùng sinh sống tại Istanbul đã rong ruổi trên mọi nẻo đường của “thành phố nối liền 2 châu lục”, lan tỏa và chia sẻ những tấm lòng vàng của cộng đồng người Việt trên thế giới đến với nhiều nạn nhân của thảm họa thiên nhiên lịch sử.
Chị cho hay, ngay sau khi động đất xảy ra, Hội đã có kế hoạch phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm thông tin của những người Việt đang sinh sống tại khu vực bị động đất, lên kế hoạch kêu gọi quyên góp và trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà ủng hộ đồng hương cũng như những gia đình gặp nạn sau biến cố.
Những món quà được chuẩn bị chu đáo từ trước...
Mỗi ngày, nhóm các chị em sẽ thăm hỏi và chia sẻ với khoảng từ 4 đến 6 gia đình, đều là những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để sắp xếp công việc, các chị thậm chí còn phải bắt những chuyến xe từ rất sớm để đến nơi hẹn, hoặc… mang cả con đi cùng mình. Có những bạn ở các tỉnh lân cận cũng cố gắng tham gia cùng đoàn mỗi ngày rồi trở về nhà lúc 5 giờ chiều để chu toàn việc gia đình.
Chị Trúc Loan, một thành viên trong nhóm kể, chị không thể quên được trường hợp của gia đình anh Mehmet tại Beylikdüzü. Trong căn hộ nhỏ lọt thỏm trên tầng 5 của mình, Mehmet sẵn sàng đón 5 gia đình với tổng cộng 18 người từ vùng động đất Kahramanmaras đến lánh nạn.
“Có người bị mất đi cha mẹ sau đại địa chấn, có người vẫn còn thất lạc người thân. Trước khi tới được Istanbul, những gia đình này sống ở ngoài đường dưới trời bão tuyết -20°c trong 3 ngày 3 đêm và chia nhau trái táo cùng ít khoai tây cầm cự qua ngày. Chúng tôi chỉ mong, chút tấm lòng nhỏ của cộng đồng sẽ giúp được họ vơi bớt đi nỗi khó khăn chồng chất lúc này”, chị nói.
Gác lại việc riêng, trong nhiều ngày qua, những người phụ nữ này đã thực hiện rất nhiều chuyến đi nghĩa tình tại thành phố Istanbul.
Nói về động lực để thực hiện công việc hết sức khó khăn này, chị Trần Thị Kiều Hạnh khẽ chùng xuống. “Mình là người con của miền trung. Ở quê hương có năm nào mà bà con, gia đình mình không chạy lụt. Bởi vậy, mình thấu hiểu hơn ai hết những nỗi đau thương mất mát của người dân ở đây. Ở đây, chúng tôi không phân biệt nước Việt Nam hay nước Thổ Nhĩ Kỳ, cũng chẳng phân biệt da trắng hay da vàng. Ở đây chúng tôi chỉ có chung một dòng máu đỏ, đau chung nỗi đau con người”.
Như thể bắt gặp đúng suy nghĩ của tôi, chị Nga tâm sự, việc Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện hỗ trợ bà con tại đây có thể không được quá nhiều về mặt vật chất, nhưng ở khía cạnh tinh thần, chị hy vọng cái tên Việt Nam sẽ được bạn bè Quốc tế nhớ đến không chỉ là một quốc gia anh hùng trong quá khứ mà còn rất ấm áp tình người khi hoạn nạn, khó khăn.
Sau một tháng triển khai công việc với tấm lòng và truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam, những người phụ nữ bé nhỏ cùng Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ tiền mặt cho 5 gia đình và 2 cá nhân người Việt đang sinh sống trong vùng động đất.
Chúng tôi không phân biệt nước Việt Nam hay nước Thổ Nhĩ Kỳ, cũng chẳng phân biệt da trắng hay da vàng. Ở đây chúng tôi chỉ có chung một dòng máu đỏ, đau chung nỗi đau con người.
Cùng với đó, các chị cũng thăm hỏi và trao tiền mặt cho 14 gia đình người Thổ với tổng cộng 57 thành viên cùng sinh sống trong những túp lều tạm hoặc nhà sinh hoạt chung. Ngoài ra, các chị em đặc biệt chú trọng việc quyên góp sách vở để giúp các cháu nhỏ mồ côi do động đất được tiếp tục trở lại trường học.
“Ngày 8/3 năm nay, với chúng tôi, món quà quý giá nhất chính là được sẻ chia cùng các nạn nhân vùng động đất. Có những lần chúng tôi chỉ vừa nói hai chữ Việt Nam mà người ta ôm mình khóc nức nở. Sự trân quý và gắn kết giữa hai dân tộc là những giá trị không gì đánh đổi được”, chị Nga khẳng định.
Theo SƠN BÁCH-THÀNH ĐẠT
Nhân dân