Toggle navigation
Nâng cao chất lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động Việt xuất ngoại
18/08/2022 | 03:22 GMT+7
Chia sẻ :
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo
Nâng cao chất lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động Việt xuất ngoại - Ảnh 1.
Hội thảo "Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp"- Ảnh: VGP/HT

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt.

Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.

Tuy nhiên, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thế giới và bối cảnh thị trường lao động trong nước. Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những biến động quốc tế chưa từng có tiền lệ. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các quốc gia đều tập trung phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội…

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động, công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động…

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của Hội thảo hôm nay với việc bảo đảm di cư lao động của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời cho biết, việc lao động di cư là lợi ích vô giá trong chuyển giao kỹ năng cho lao động, tuy nhiên, lao động Việt Nam, nhất là phụ nữ có nguy cơ bị tổn thương cũng như phải chịu một số hình thức vi phạm về lao động.

Nghiên cứu khác nhau cũng chỉ ra lao động Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin di cư an toàn; lao động nữ là nhóm yếu thế nhất và có nguy cơ bị phân biệt đối xử, gặp khó khăn về ngôn ngữ, thiếu cơ hội đào tạo và những yếu tố khác. Những yếu tố đó ảnh hưởng đến việc làm bền vững của lao động Việt Nam.

Nâng cao chất lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động Việt xuất ngoại - Ảnh 2.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An: Công tác đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua theo chủ trương của Đảng là rất đúng đắn - Ảnh: VGP/HT

Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh, ILO kêu gọi xây dựng chương trình nghị sự về di cư công bằng, góp phần đem lại cơ hội thực sự cho lao động có việc làm thỏa đáng, tạo sân chơi bình đẳng cho lao động, thúc đẩy các hiệp định song phương…

Các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Thực trạng và định hướng; xây dựng quy hoạch, chiến lược công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; việc hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; thu phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho rằng: Công tác đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua theo chủ trương của Đảng là rất đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn, đến nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc hiện hữu ở nhiều nơi.

Một số lao động bị lôi kéo, lợi dụng, lừa gạt hoặc một số vấn đề khác được các diễn giả nêu như: Công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp, mối quan hệ giữa người lao động với thân nhân ở trong nước, mối quan hệ giữa doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, ý kiến các đại biểu cũng nêu về công tác quản lý người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước cũng làm chưa chặt chẽ; vấn đề đào tạo nghề, giáo dục định hướng, phí tuyển dụng, tình trạng cò mồi… vẫn cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Ông Đỗ Ngọc An nêu rõ, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo này để đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Thời đại
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com