Chị Snow Nguyễn, chủ một nhà hàng ẩm thực Việt Nam ở Auckland, New Zealand lên kế hoạch cùng gia đình khám phá hơn 20 thành phố và thị trấn để xả hơi trong kỳ nghỉ đầu năm 2022.
“Chuyến đi du lịch dài ngày này là tôi tự thưởng cho bản thân sau một năm chịu cảnh phong tỏa”, chị Snow Nguyễn chia sẻ với Zing. “Đợt này người dân New Zealand, đặc biệt là Auckland, đi du lịch rất nhiều để bù gần 4 tháng ở nhà”.
Thành phố Auckland đã đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong suốt 107 ngày - từ giữa tháng 8/2021 tới ngày 3/12/2021 - nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Vì vậy, chị cho biết hầu hết người New Zealand, sau khi nhận lương “giống như lương tháng 13 của Việt Nam”, thường đi du lịch trong đợt nghỉ cuối năm.
Chị Snow Nguyễn tại Oamaru, khu vực Otago, New Zealand. Ảnh: NVCC.
Người New Zealand thích hòa mình vào thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời. Họ thường cắm trại, mang theo lều để đi tới đâu có thể nghỉ ngơi luôn ở đó, hoặc đi thuyền ra ngoài khơi đánh cá, tới đảo dã ngoại.
“Tôi muốn ghi và trải nghiệm lại những địa điểm đẹp ít người biết tới, những món ăn ngon, những trò chơi thú vị. Trước đây tôi có đi rồi, nhưng lần này là đi với gia đình lớn, nên tôi muốn người thân cũng được tới những nơi mà tôi cho là tuyệt vời”, chị chia sẻ.
Tương tự, Khánh Linh - nghiên cứu sinh đang sống tại thành phố Graz, thủ phủ của bang Steiermark, Áo - cũng có chuyến đi thăm bạn bè ở Đức và Italy trong dịp này. Giống như truyền thống đi chúc Tết các nhà vào đầu năm mới, chị Linh xem đây là cơ hội quý báu để kết nối với những người quan trọng đã lâu không gặp.
Một năm qua, cuộc sống phần lớn người dân trên thế giới thay đổi vì dịch bệnh. Sự xuất hiện của những biến chủng mới cùng làn sóng dịch Covid-19 khiến nhiều người Việt phải hoãn hoặc hủy bỏ các kế hoạch từ trước.
Đầu năm mới, một số người đã tận dụng kỳ nghỉ lễ để đi du lịch cùng gia đình, thăm bạn bè và người thân.
Chuyến du lịch chưa biết ngày về
Chị Snow chưa xác định thời điểm hoàn thành chuyến "phượt". Ngoài một số nơi ở đảo Bắc, chị chủ yếu khám phá khu vực đảo Nam, gồm Queenstown và Christchurch.
Hiện tại, New Zealand vẫn đóng cửa biên giới nên hầu hết địa điểm du lịch chỉ có người bản xứ. Tuy nhiên, mật độ dân số tại xứ sở kiwi khá thưa thớt, nên các nhà hàng và địa điểm du lịch cũng không quá đông.
“Tôi khá bất ngờ khi nhà hàng và địa điểm du lịch vắng hơn tôi nghĩ. Lúc đầu tôi tưởng phải đặt trước tất tần tật, ví dụ như đi tắm onsen (tắm suối khoáng nóng - PV) ở Queenstown. Lần trước tôi đi phải đặt trước một tháng, nhưng giờ chỉ đặt trước hai đến ba ngày thôi”, chị nói.
Khi vào nhà hàng, việc đầu tiên là chủ quán kiểm tra hộ chiếu vaccine của từng người. Do không qua đông đến mức “chật kín” nên nhà hàng cũng không giới hạn lượng người vào.
Chị Snow Nguyễn đi phà từ Wellington đến Picton. Ảnh: NVCC.
Chị Snow đón giao thừa ở Queenstown - thành phố du lịch nổi tiếng nhất ở đảo Nam của New Zealand - cùng gia đình một người bạn thân đã gắn bó từ ngày chị đặt chân tới New Zealand. Cả hai hẹn nhau ở Christchurch, sau đó thuê xe đi khám phá các thị trấn nhỏ như Oamaru, Dunedin, Invercargill.
Do New Zealand là đất nước yên bình và nhẹ nhàng, trong đêm giao thừa ở Queenstown, chị Snow chỉ xem pháo hoa, đi dạo và ăn uống tại nhà hàng.
“Hai con của bạn tôi sẽ nhảy bungee (loại hình thể thao đứng từ trên cao, buộc dây vào chân và nhảy thẳng xuống hồ)”, chị cho hay. Đây là một trong những hoạt động mà thanh niên New Zealand đam mê.
Thời tiết ở New Zealand trong khoảng thời gian này cũng “chiều lòng” khách du lịch. Chị cho biết điểm hay của New Zealand là kể cả trong mùa du lịch, khách sạn và nhà hàng vẫn giữ nguyên giá, hoặc tăng không đáng kể, nên chi phí vẫn hợp lý và phải chăng.
Chị Snow bắt bào ngư ở Kaikoura. Ảnh: NVCC.
Hoạt động chị Snow ấn tượng nhất trong chuyến đi cho tới thời điểm hiện tại là lần bắt bào ngư ở Kaikoura. Người dân đậu xe dọc đường biển để bắt, bào ngư bò trên đá, đứng ở bờ cũng bắt được
“Tôi chưa bao giờ thấy bào ngư nhiều, to hơn cả bàn tay và mập như vậy. Nước biển trong, chỉ ngập tới ngang bụng và dễ lội để bắt”, chị chia sẻ. Chị cho biết mỗi người chỉ được bắt 5 con, và những con trên 12,5 cm mới được phép bắt.
Tiếp nối phong tục tại trời Âu
Trong khi đó, Khánh Linh chia sẻ nước Áo vốn có dân số thấp nên các hoạt động năm mới dường như “chìm” hơn so với các nước láng giềng khác.
Đặc biệt là tại Graz - nơi mà nhiều người Việt vẫn thường nói đùa nhau là “thành phố của sinh viên” - đến dịp Giáng sinh và năm mới, nhiều sinh viên về nhà, thăm gia đình nên đường phố lại càng vắng vẻ hơn.
Tuy nhiên, ánh sáng lấp lánh hay hình ảnh cây thông, tuyết trắng vẫn tràn ngập phố phường, nên không khí Giáng sinh và năm mới vẫn tràn ngập trong những ngày lễ.
Đầu năm nay, Khánh Linh quyết định sang Đức và Italy để thăm những người bạn đã lâu không gặp.
Khánh Linh (phải) và bạn đi ăn phở tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, Berlin, Đức. Ảnh: NVCC.
Mỗi khi đến đầu năm, Khánh Linh lại nhớ đến truyền thống thăm và chúc Tết từng gia đình khi còn ở Việt Nam. Với cô, đó là khoảng thời gian đáng quý trong năm để kết nối với người thân.
“Năm nay tôi muốn tiếp tục làm phong tục đó, chỉ khác là không phải với gia đình mà là với những người lâu rồi tôi không có thời gian kết nối”, chị nói.
Du học sinh Áo cho biết hiện nay việc đi du lịch không còn gặp nhiều hạn chế như thời điểm đầu dịch. Đa số người dân đã tiêm vaccine và học cách sống chung với virus nên cuộc sống gần như trở lại quỹ đạo ban đầu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron cùng nỗi lo làn sóng dịch mới khiến các chính phủ phải luôn chuẩn bị sẵn sàng.
Chị Linh cho hay bản thân chị cũng phải thường xuyên kiểm tra luật di chuyển vì mỗi nước mỗi luật, các nước lại thay đổi khá nhanh.
“Chẳng hạn tôi từ Áo sang Đức thì không gặp vấn đề gì, nhưng bạn tôi từ Đức sang Áo thì lại cần tiêm ba mũi hoặc nếu chỉ tiêm hai mũi sẽ phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính”, chị nói. “Tôi phải luôn mang ID và giấy chứng nhận vaccine mọi lúc”.
Bữa cơm chị Khánh Linh cùng bạn tự nấu tại nhà. Ảnh: NVCC.
Trước khi lên kế hoạch đi thăm bạn, Khánh Linh cũng cân nhắc khá nhiều. “Không phải vì tội sợ nhiễm bệnh mà vì tôi sợ hơn cả là lây lan bệnh cho những người xung quanh”, cô nói.
Vì vậy, năm mới này, chị Linh chủ yếu tổ chức những buổi tiệc nhỏ, ấm cúng với ba người bạn tại nhà riêng, tránh đến những nơi tụ tập đông người.
Ngoài ra, dù tiếc nuối, cô cũng phải từ chối về thăm nhà một người đồng nghiệp ở Đức. “Tôi sẽ đi qua thành phố người bạn này trong chuyến đi, nhưng lo lắng trong quá trình di chuyển có thể mang bệnh và lây lan cho người già và trẻ nhỏ trong gia đình bạn mình”, chị nói.
Theo Phương Linh - Minh An
Zing