Bà Nguyen Thi Tram, một người gốc Việt sống tại TP.Naperville (bang Illinois, Mỹ), chuẩn bị khai trương nhà hàng trong vài tháng tới, với tâm huyết dành cho những người trẻ mắc chứng tự kỷ như cậu con trai 17 tuổi Francois của bà.
Theo Đài NCTV17, mục đích chính của bà Tram khi mở nhà hàng Chez Francois Poutinerie là nhằm tạo cơ hội làm việc cho con trai và những người trẻ bị khiếm khuyết phát triển, đặc biệt là chứng tự kỷ. “Họ nhận được trợ cấp từ chính quyền như nếu họ đi làm, họ không thể làm việc hơn số giờ quy định vì sẽ mất đi những phúc lợi đó. Vì vậy hầu hết họ đều ở nhà và không làm gì cả. Và cũng rất khó để họ tìm việc làm vì có rất nhiều công ty không có những khóa đào tạo đặc biệt”, bà Tram nói về những người tự kỷ.
Bà Nguyen Thi Tram cùng con trai Francois. Ảnh: WBBM
Bên cạnh đó, bà Tram bày tỏ cảm kích vì những chương trình giáo dục đặc biệt mà học khu mang lại cho trẻ tự kỷ nhưng đến năm 22 tuổi, các chương trình này không được duy trì nữa. “Tôi làm việc này vì cộng đồng và sự hồi đáp của cộng đồng làm cho tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng”, bà Tram chia sẻ. Trong kế hoạch đang xúc tiến, bà nhận được sự đồng hành của nhiều người trong cộng đồng. Từ người họa sĩ, luật sư và kế toán, tất cả đều hỗ trợ mà không nhận thù lao.
Món ăn chính của nhà hàng sẽ là poutine, món khoai tây chiên với phô mai cục và nước sốt đặc trưng của vùng Quebec (Canada), nơi bà Tram từng sống trước khi chuyển đến Naperville năm 2013. Bà Tram chia sẻ Naperville chưa có nhà hàng nào có món poutine chính gốc gắn liền với tuổi thơ của bà nên quyết định chọn bán món này.
Một nửa nhân viên của nhà hàng sẽ là những người bị khiếm khuyết phát triển. Họ sẽ trải qua khóa đào tạo đặc biệt kéo dài 3 tháng. Khi đã đủ vững vàng, họ sẽ làm việc chủ yếu vào ban ngày và mỗi ca khoảng 3 giờ.
Kỳ vọng trước mắt của bà Tram là sau khi nhà hàng thành công, bà có thể lan tỏa ý tưởng ra cả khu vực và mỗi doanh nghiệp tại Naperville sẽ tuyển dụng ít nhất một nhân viên bị khiếm khuyết phát triển. Về lâu dài, bà Tram hy vọng có thể mở thêm nhiều nhà hàng tương tự ở mỗi bang theo hình thức nhượng quyền.
Theo Đài WBBM, ngoài việc kinh doanh, bà Tram còn lập ra một tổ chức phi lợi nhuận gọi là “Friends of Francois” (Những người bạn của Francois), hợp tác với một nhóm giáo viên chương trình đặc biệt đã về hưu, những người tình nguyện tham gia tổ chức chương trình đào tạo tại nhà hàng. “Khi các bạn trẻ bị tự kỷ được đào tạo siêu tốt, chúng tôi sẽ chuyển họ đến các doanh nghiệp khác”, bà Tram nói.
Theo Tâm Minh
Thanh niên