Ngọc Linh Alima (thứ hai, từ trái sang) hôm 21/4 tham dự lễ chào cờ tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Trọng Giáp.
Trong dòng máu Ngọc Linh Alima chỉ có khoảng 20% Việt Nam, còn lại là Ấn Độ. Cụ của cô là thương nhân Ấn Độ, sở hữu ba tàu chuyên buôn bán, giao thương với Việt Nam.
Linh sinh ở Cần Thơ trong một gia đình Việt Nam lai Ấn Độ suốt nhiều thế hệ. Năm 1976, khi mới 8 tuổi, cô cùng cha mẹ đến sống tại thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ. Cô kết hôn, lấy chồng người Ấn Độ và có một con trai, đặt tên là Trí Thành Alan.
Hồi tháng 4, nữ hội trưởng cộng đồng người Việt Nam tại Chennai lần đầu tiên thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, trong chuyến công tác do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Tổ chức.
Ban đầu, khi biết tin Linh định nộp đơn đi Trường Sa thông qua đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, anh trai cô gọi điện về can ngăn: "Đừng có đi, đừng có đi". Ông lo sợ em gái nói tiếng Việt không rành, một mình đến những hòn đảo xa ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Nhưng Linh đáp: "Anh đừng nói nữa, em nộp đơn rồi".
Xa quê hương lâu năm, nữ chủ tiệm thẩm mỹ ở Ấn Độ chỉ biết về Trường Sa khi tra trên mạng. "Đó là những hòn đảo đẹp kỳ lạ, nguyên sơ, cho nên bao nhiêu nước muốn đòi lấy hết trơn, muốn phát triển du lịch, nào là Trung Quốc, rồi Philippines", cô nói với VnExpress khi tàu kiểm ngư KN491 rời cảng Cam Ranh, rẽ sóng ra thăm 5 đảo nổi, 5 đảo chìm ở Trường Sa và nhà giàn DK1 tại thềm lục địa phía nam Tổ Quốc.
Mặc áo cờ đỏ sao vàng, đầu đội mũ cối, chân đi dép cao su, Linh cùng gần 70 kiều bào cảm thấy bầu không khí thiêng liêng khi làm lễ chào cờ trên Song Tử Tây, đảo địa đầu phía bắc Trường Sa.
Cô xúc động khi thăm đảo chìm Đá Nam, thấy các chiến sĩ kém tuổi con mình sống và làm việc trong ngôi nhà chật hẹp, bao quanh là biển. "Thăm Đá Nam, tôi rất buồn và thấy tội nghiệp các chiến sĩ. Các cháu công tác rất chăm chỉ, thực sự cống hiến cho đất nước và cho chúng ta, cộng đồng người Việt", cô nói.
Trước khi trở về Ấn Độ, Linh cho biết cô sẽ kể cho mọi người Ấn gốc Việt về những hòn đảo ở Trường Sa, những khó khăn các chiến sĩ đang phải đối mặt khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. "Lần sau nếu đi thăm Trường Sa lần nữa, tôi sẽ đưa thêm nhiều người Ấn gốc Việt đi cùng", Linh nói hồi cuối tháng 4.
Ba tháng sau chuyến trở về của Ngọc Linh, Trí Thành Alan, con trai 22 tuổi của cô, lại lên đường đến Hà Nội. Chàng kỹ sư xây dựng mới tốt nghiệp với vẻ ngoài mang nhiều nét Ấn Độ là đại diện duy nhất của nước này trong gần 120 thanh thiếu niên kiều bào từ 29 nước tham dự Trại hè 2018, sự kiện cũng do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Trí Thành Alan nói về việc học tiếng Việt. Video: Trọng Giáp
Thành được mẹ Linh động viên gửi đơn tham dự bởi đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử đất nước cùng các thanh thiếu niên kiều bào. Giữa trưa hè nắng gắt, Thành mặc áo truyền thống kín cổ dài quá đầu gối, người mướt mồ hôi, thắp hương tại Đền Hùng, Phú Thọ cùng các thanh niên kiều bào. Anh cho biết bị mẹ "bắt mặc" trang phục truyền thống khi đi thăm khu di tích ở Phú Thọ, nơi thờ các Vua Hùng có công dựng nước.
Hành trình trại hè còn đưa Thành và các thanh thiếu niên kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đi thăm những địa danh lịch sử dọc Việt Nam, như Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nhà ngục Kon Tum.
"Tôi đã cố gắng thắp hương cho nhiều ngôi mộ nhất có thể và cầu cho các liệt sĩ siêu thoát nơi chín suối. Thật khó có thể hình dung họ còn trẻ như thế nào khi hy sinh", Thành xúc động nói về chuyến thăm mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn.
Anh cho biết chuyến đi này đã thay đổi cách nhìn của anh về Việt Nam. Khi còn bé, anh đã về nước hai lần nhưng thấy chán vì không được thăm nhiều nơi, không quen biết ai, lại gặp rào cản ngôn ngữ. Ở Ấn Độ, Thành ít có cơ hội nói tiếng Việt, bởi bước ra khỏi cửa nhà, mọi người đều nói tiếng Anh hoặc Tamil. Muốn giao tiếp với bà, Thành không có cách nào khác ngoài nói tiếng Việt.
Về Việt Nam lần này, anh có những trải nghiệm hoàn toàn mới. "Tôi đã thực sự có thể nói chuyện với người dân, đi thăm nhiều địa điểm mới, thử những món ăn tuyệt vời, học thêm từ mới. Thật tuyệt khi tôi có những người bạn, người dân địa phương có thể chỉ dẫn cho tôi nên đến đâu, làm gì", Thành nói. Anh dự định sau khi về Ấn Độ, anh sẽ tìm việc làm, tích lũy vốn và có thể quay lại Việt Nam thành lập công ty xây dựng.
Theo Trọng Giáp
Vnexpress