Toggle navigation
Mạch ngầm gắn kết
25/12/2021 | 08:59 GMT+7
Chia sẻ :
Giữa những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, trong bộn bề cuộc mưu sinh nơi xứ người, yếu tố văn hóa dân tộc sẽ luôn là mạch ngầm gắn kết kiều bào, đưa họ trở về gần hơn với cội nguồn dân tộc, với bản sắc của con Lạc cháu Hồng, với quê hương xứ sở.
Kiều bào là một phần ruột thịt của nhân dân Việt Nam.
Kiều bào là một phần ruột thịt của nhân dân Việt Nam.

Góp phần trau dồi tiếng mẹ đẻ

Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng. Mỗi người dân Việt Nam được sinh ra và lớn lên đều được thẩm thấu nền văn hóa dân tộc, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng cốt cách. Để văn hóa dân tộc không bị phôi phai, nhất là thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở nơi xa xứ, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người  Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức một sân chơi rộng mở đó là cuộc thi hát dân ca trên sóng VOV dành cho kiều bào ở khắp nơi trên thế giới.

Ông Tạ Xuân Thọ - Trưởng phòng Dân ca, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, đây là cuộc thi dành cho kiều bào đang sinh sống, lao động và học tập ở trong nước hoặc nước ngoài yêu mến văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc học và hát dân ca giúp trau dồi tiếng mẹ đẻ được tốt hơn. Thông qua những giai điệu mộc mạc, đằm thắm, chân thành trong câu hát dân ca sẽ chuyển hóa mạnh mẽ nhận thức và tình cảm của mỗi người Việt xa quê với văn hóa cội nguồn, với quê hương xứ sở.

Các tiết mục gửi về đã thể hiện tình yêu sâu đậm với quê hương đất nước của người Việt. Dù bà con kiều bào ở đâu cũng luôn hướng về quê hương bản xứ, về văn hóa nước nhà. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều tiết mục do chính người Việt là thế hệ thứ hai, thứ ba, được sinh ra, lớn lên hoàn toàn ở nước ngoài gửi về. Những tiết mục đó cho dù giọng hát chưa được chuẩn xác, nhiều âm ngữ còn ngọng ngịu nhưng bằng tình yêu, bằng sự chân thành tha thiết nhưng vẫn được Ban tổ chức đánh giá rất cao. “Có thể nói các câu hát dân ca của cha ông chứa đựng tâm hồn cũng như những nét đẹp riêng của văn hóa nước nhà. Trong hoàn cảnh xa quê hương với rất nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như việc học hỏi, tập luyện rồi giao lưu với khán giả đều gặp vô vàn khó khăn nhưng bà con kiều bào vẫn say mê hát dân ca và nhiệt tình tham gia”, ông Thọ chia sẻ.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, số bà con hưởng ứng, tham dự ở nhiều vùng lãnh thổ và các quốc gia trên thế giới ngày càng đông đảo. Điều đó cho thấy sự quan tâm và ý nghĩa của cuộc thi trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam tại nước ngoài.

Quảng bá văn hóa Việt trên đất Pháp.
Quảng bá văn hóa Việt trên đất Pháp.

Đưa văn hóa Việt ra thế giới

Có thể nói đây là một hoạt động có ý nghĩa, lần đầu tiên được Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Việc làm này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng như khơi dậy mong muốn học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng cho biết, cuộc thi là sân chơi bổ ích góp phần mang bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới, gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương đất nước; góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam ở nước sở tại, thúc đẩy giao lưu, tăng cường sự hiểu biết giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Séc. Trong quá trình nỗ lực hội nhập vào xã hội sở tại, việc bảo tồn cũng như phát huy và quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc luôn là những hoạt động trọng tâm của cộng đồng người Việt Nam tại Séc nhằm góp phần tăng cường sự gắn kết với quê hương đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của cộng đồng Việt tại quê hương thứ hai.

Được sự quan tâm và hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Séc, phong trào văn hóa văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Séc ngày phát triển lớn mạnh và lan tỏa với nhiều chương trình được dàn dựng quy mô mang ý nghĩa kết nối cộng đồng sâu sắc như: Tiếng hát cộng đồng, tôi yêu tiếng nước tôi, chương trình kiều bào và văn nghệ sỹ hướng về Thủ đô… Những tiết mục biểu diễn nghệ thuật và nhạc cụ dân tộc truyền thống như hát quan họ, múa nón lá, đàn T’rưng … của cộng đồng người Việt trong các lễ hội văn hóa dân tộc thiểu số và sự kiện giao lưu văn hóa hàng năm do chính quyền sở tại tổ chức thực sự gây ấn tượng đối với cộng đồng người nước ngoài cũng như với người dân Séc, qua đó góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cuộc thi hát dân ca của Đài tiếng nói Việt Nam dành cho kiều bào cũng đã được bà con người Việt tại Séc nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Việc làm này không chỉ góp phần đưa văn hóa Việt, bản sắc Việt ra thế giới mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách, đưa con người về đúng cội nguồn, về đúng mạch ngầm văn hóa của mình.

“Thời gian tới, Hội người Việt Nam tại Séc sẽ tập trung tăng cường kết nối và phối hợp với các Hội đoàn người Việt tại Séc, nhất là các hội đồng hương nhằm góp phần bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể như quan họ Bắc Ninh, dân ca Ví dặm, hát Xoan, hát chèo, ca trù… Không dừng lại ở đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa cộng đồng người Việt tại Séc với cộng đồng người Việt trên toàn châu Âu cùng hướng về quê hương đất nước”, ông Thái Xuân Dũng chia sẻ.

Ở góc độ khác, ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu lại cho rằng, cuộc thi đã góp phần lan tỏa thông điệp tới tất cả người Việt. Hình ảnh những người nước ngoài đang học tập, sinh sống tại Việt Nam cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua các buổi giao lưu, biễu diễn văn hóa dân tộc đã góp phần đề cao văn hóa, đề cao ngôn ngữ, lan tỏa tình thương cũng như tình cảm, trách nhiệm của bà con người Việt Nam ở nước ngoài.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong suốt gần 2 năm qua nhiều sự kiện văn hóa, giải trí phải hủy bỏ ở khắp nơi trên thế giới. Việc tổ chức cuộc thi đã tạo ra một sự kiện để gắn kết, để kết nối trên cơ sở, nền tảng đoàn kết bà con với quê hương, đất nước. Những bài dân ca Việt Nam, dân ca cổ giao duyên, dân ca quan họ… ca ngợi cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước, tình bạn, tình yêu lứa đôi, thông qua các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca đã được bà con kiều bào thể hiện phong phú, sinh động qua nhiều lăng kính, nhiều màu sắc khác nhau.

Để góp phần đưa văn hóa Việt ra thế giới, ông Hoàng Đình Linh - Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đây là cuộc thi mang tầm quốc tế, không giới hạn về không gian và có thời gian rộng mở. Chúng tôi kỳ vọng cuộc thi sẽ như cây nam châm thu hút, lôi cuốn bà con kiều bào là người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế yêu mến văn hóa Việt Nam. Dân ca là một thể loại văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, có điều kiện được vinh danh, được tỏa sáng. Cuộc thi hát dân ca trên sóng VOV cũng sẽ giúp lan tỏa khát khao và mong mỏi của người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường dạy và học Tiếng Việt cũng như thể hiện quan điểm, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam và nước ngoài.

Để văn hóa dân tộc không bị phôi phai, nhất là thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở nơi xa xứ, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người  Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức một sân chơi rộng mở đó là cuộc thi hát dân ca trên sóng VOV giành cho kiều bào ở khắp nơi trên thế giới…

Dù ở đâu, người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới vẫn luôn tự hào với cội nguồn văn hóa của mình và đều có chung mong muốn lan tỏa những vẻ đẹp truyền thống tới bạn bè quốc tế. Như một dòng suối nhỏ dẫn nước tỏa ra những mạch ngầm, văn hóa truyền thống Việt Nam ngày một khẳng định giá trị tại các nước nơi kiều bào sinh sống.

Theo TUỆ PHƯƠNG
Đại đoàn kết
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com