2 lưu học sinh tại Vũ Hán là Nguyễn Thị Hiển và Từ Phát Cường - Ảnh: NVCC
"Tết cuối cùng" và "tết đầu tiên"
Hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi thành phố Vũ Hán chính thức công bố lệnh phong tỏa đầu tiên (23-1, tức 29 tết), kéo theo đó là lệnh phong tỏa tại nhiều thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc, các lưu học sinh người Việt bị kẹt lại trong "tâm bão" của dịch bệnh vẫn đang thực hiện nghiêm túc quy định tự cách ly phòng dịch của trường, của chính quyền sở tại. Các bạn đều ở tâm trạng buồn, lo lắng, hoang mang...
Sang Vũ Hán làm nghiên cứu sinh tiến sĩ theo diện học bổng hiệp định trong 4 năm, theo kế hoạch, nếu mọi chuyện suôn sẻ, hè năm nay cô nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hiển tại Đại học sư phạm Hoa Trung (Vũ Hán) sẽ bảo vệ xong luận án để về nước.
Vì thế, khác với các năm, tết nào cũng về nhà, năm nay Hiển quyết định ở lại ăn tết Trung Quốc, vừa để có cơ hội trải nghiệm cái tết cuối cùng ở đây, vừa tranh thủ thời gian học, kịp hoàn thành luận án đúng tiến độ. Nhưng rồi dịch corona bùng phát, nếp sinh hoạt thường ngày cũng như mọi kế hoạch học tập, trải nghiệm văn hóa của cô đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Tại Trường đại học sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán có khoảng 100 lưu học sinh người Việt, nhưng tết này chỉ có 2 lưu học sinh ở lại khu ký túc xá của trường và 6 lưu học sinh cùng trường nhưng thuê nhà bên ngoài, trong đó có một cặp vợ chồng có bé gái đang tuổi học mẫu giáo.
Cũng rơi vào tình thế "không thể ngờ" này là học viên Từ Phát Cường (30 tuổi) đang học thạc sĩ ngành giáo dục Hán ngữ tại Đại học Hoa Trung. Mới sang Vũ Hán từ tháng 9-2019, Cường cũng háo hức muốn năm nay ở lại để được trải nghiệm Tết Nguyên đán đầu tiên của người bản xứ, đây cũng là cái tết đầu tiên ở nước ngoài của Cường.
Thế rồi bất ngờ ngày 23-1, Cường nhận được thông báo của trường về quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán để phòng dịch. Lúc đó thì muốn mua vé trở về nhà cũng không kịp nữa.
Cuộc sống đảo lộn
Suốt từ hôm nhận thông báo tới nay (2-2), Cường hầu như không ra ngoài, ngoại trừ vài lần hiếm hoi đi mua thêm đồ ăn tại mấy cửa hàng ngay trong học xá. Dù ký túc xá có khu bếp chung nhưng lúc này gần như không còn ai tới. Mọi người chủ động nấu nướng tại phòng, một việc nếu bình thường sẽ bị cấm.
Bệnh viện dã chiến được gấp rút dựng lên tại TP Vũ Hán
Cường ở cùng phòng với một bạn nam người Sudan. Gần chục ngày qua, ngoài giờ tự học,giống như tất cả mọi người trong ký túc xá, hai người chỉ ngồi nhà xem tivi, đọc báo, nói chuyện với nhau, tự nấu ăn với chủ yếu là đồ hộp.
Giá thực phẩm lúc này tại Vũ Hán cũng đã tăng cao hơn so với ngày thường, dù ở mức theo mọi người vẫn có thể chấp nhận. Cường cho biết trong sáng 1-2, một vỉ trứng vịt 30 quả bình thường có giá 19 tệ nhưng giờ lên 32 tệ (1 tệ bằng khoảng 3.300 đồng, khoảng 106.000 đồng/vỉ trứng). Giá rau xanh cũng tăng gấp đôi, gấp 3. Hiển kể một hộp đậu Hà Lan bình thường cô mua khoảng 40.000-50.000 đồng tiền Việt thì giờ đã lên 100.000 đồng.
Chuyện học tập sau tết lúc này vẫn đang ở tình trạng "chờ thông báo mới nhất" của nhà trường. Ở lớp Cường, cô giáo cho biết có thể sẽ triển khai học online trong những ngày tới.
Nghiêm túc phòng dịch
Trải nghiệm cuộc sống ngay giữa tâm dịch hẳn nhiên không phải mong muốn của bất cứ ai. Nhưng dù sao, với những người vô tình rơi vào tình thế này như Hiển và Cường, họ được hiểu hơn về ý thức phòng dịch của người dân xung quanh và cả tình cảm ấm áp của bạn bè Trung Quốc cũng như bạn bè quốc tế.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã ghi nhận danh sách những người có nguyện vọng về nước để lên kế hoạch thu xếp, hỗ trợ. Bản thân mỗi lưu học sinh cũng đã sẵn sàng tâm lý có thể phải cách ly như thế nào để đảm bảo không lây nhiễm (nếu có bệnh) khi trở về. May mắn, cho tới ngày 2-2 vẫn chưa ghi nhận trường hợp lưu học sinh Việt Nam nào tại Trung Quốc nhiễm virus corona.
Theo Hiển và Cường, suốt từ khi dịch bùng phát mạnh tới nay, họ đã nhận được sự quan tâm sát sao, đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Group chia sẻ thông tin trên mạng xã hội Wechat do đại sứ quán thành lập vẫn thường xuyên có những thông tin trao đổi qua lại về các vấn đề liên quan dịch bệnh, thông tin chính sách.
Những ngày này, theo chia sẻ của hai bạn Hiển, Cường, đường phố ở Vũ Hán vắng hoe. Hầu như tất cả mọi người đều ở nhà, hạn chế tối đa đi ra ngoài nếu không cấp thiết. Tại các siêu thị đều có lực lượng y tế túc trực, kiểm tra thân nhiệt mọi người. Những ai có dấu hiệu nghi vấn về sức khỏe sẽ không được vào.
Ngay tại ký túc xá của lưu học sinh, từ lúc dịch bùng phát mạnh, nhà trường đã cấp phát khẩu trang, nước rửa tay, nhiệt kế, lập group chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình và yêu cầu mọi người báo cáo tình trạng thân nhiệt mỗi người trước 11h sáng mỗi ngày. Không căng thẳng, gắt gao, nhưng ý thức tự nguyện tuân thủ nghiêm túc của mọi người xung quanh cũng khiến những người "trong cuộc" như Hiển và Cường phần nào vững tâm hơn. "Cẩn thận là tốt bởi dịch bệnh này thực sự đáng sợ", Hiển chia sẻ.
Tuy nhiên, vì hiểu rõ tình trạng quá tải hiện nay của các bệnh viện tại Hồ Bắc nói chung và ở Vũ Hán nói riêng, nhiều người lo lắng không biết sẽ thế nào nếu chẳng may mình nhiễm bệnh. Bởi thế lúc này, nguyện vọng lớn nhất của các lưu học sinh là được đại sứ quán hỗ trợ sơ tán về nước.
Trường cấp miễn phí 3 bữa ăn mỗi ngày cho lưu học sinh
Theo thông tin chia sẻ mới nhất từ lưu học sinh Việt Nam tại Trường đại học Hoa Trung ở Vũ Hán với Tuổi Trẻ, từ ngày 2-2, trường tổ chức cung cấp miễn phí 3 bữa ăn hằng ngày ngay tại ký túc xá cho các sinh viên đang ở tại ký túc xá. Việc này nhằm giúp họ không phải ra ngoài, phòng lây bệnh, đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Theo D.KIM THOA
Tuổi Trẻ