Kim Lefèvre, một trong những “cây cầu nối tiếng Pháp” thông qua việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm của nhà văn trong nước ra với thế giới, đã qua đời vào một ngày cuối Hè ở thành phố Marseille, Pháp…
Kim Lefèvre (1935-2021) và cuốn tự truyện của chính cuộc đời bà...
Kim Lefèvre sinh năm 1935 tại Việt Nam. Cha bà là người Pháp và mẹ là người Việt Nam.
Bà chưa bao giờ biết mặt cha mình và đã trải qua thời thơ ấu và niên thiếu vô cùng khó khăn ở Việt Nam.
Bởi vì thời đó, đất nước Việt Nam còn trong chế độ thuộc địa, rồi chiến tranh chống Pháp kéo dài 9 năm. Những “me Tây” hay “con lai” thời đó đều bị người bản địa nhìn với con mắt khinh bỉ.
Mặc cảm thân phận của một đứa con lai, mà cũng là con hoang đã đeo bám bà qua năm tháng. Tuổi thơ của bà trôi dạt trong sự ghẻ lạnh của hết người nuôi này đến người nuôi khác, từ vòng tay mẹ đến trại trẻ mồ côi rồi đến trường nội trú, từ Bắc chí Nam…
Lớn hơn chút nữa, bà phải chịu đựng cuộc sống khốn khó đủ bề với một ông bố dượng người Hoa khắc nghiệt và một bà mẹ nhu nhược, cam chịu…
Trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động, từ lúc Việt Nam nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp đến giai đoạn bị chia cắt hai miền Nam - Bắc từ vĩ tuyến 17, bà loay hoay, đốt lòng mình tự hỏi mình là ai, mình trong mắt mọi người như thế nào?
Bởi trong thời kỳ thuộc Pháp, với chế độ phong kiến hà khắc của xã hội Việt Nam, việc mình sinh ra là một cô gái, lại là con hoang và lai chủng tộc, ba điều khập khiễng đó thật khó được chấp nhận. Bà sống trong sự đối diện với những mâu thuẫn giằng xé giữa sự tự do bản thân và mối dây tình cảm ràng buộc gia đình…
Tác phẩm "Cô gái lai da trắng" khắc họa phần nào số phận và cuộc đời của những đứa con lai tại Việt Nam thông qua chính câu chuyện của cuộc đời Kim Lefèvre.
Khổ là vậy, đau đớn là vậy! Nhưng bằng tất cả sự cố gắng của chính mình để thay đổi vận mệnh, bằng nghị lực thông qua con đường học vấn, bằng lòng yêu thương của người mẹ mà nhiều lúc đã làm bà cảm thấy bức bối, bà tốt nghiệp Baccalauréat (PTTH) tại Việt Nam và có được học bổng sang Pháp vào năm 1960.
Bà tiếp tục việc học tại trường Đại học Sorbonne Paris. Sau khi ra trường, bà trở thành diễn viên sân khấu, sống và làm việc tại Pháp.
Không bằng lòng với cuộc sống đơn thuần là diễn viên, bà dấn thân vào con đường văn chương bằng tác phẩm đầu tay “Métisse blanche” (Cô gái lai da trắng). Đó là cuốn tự truyện của bà, ra mắt năm 1982, đã thu hút lượng độc giả khá lớn.
Tác phẩm này năm 2011 đã được hai dịch giả là Dương Linh và Hoàng Phong dịch ra tiếng Việt (Nhà xuất bản Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản).
Bà đã khắc họa được phần nào số phận và cuộc đời của những đứa con lai tại Việt Nam thông qua chính câu chuyện của cuộc đời bà.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, bà đã nói: “Nếu ai đó nhắc đến chiến tranh, tôi liền nghĩ ngay đến những tháng ngày chết chóc đau thương, phải đi bôn ba khắp nơi để tìm một nơi ngả lưng cho những người dân, những người lính và đặc biệt là cho những đứa trẻ được sinh ra vào thời kỳ đó.
Nhưng có lẽ, những đứa trẻ lai mới là những người thiệt thòi nhất. Còn gì đau khổ hơn khi biết mình là một con lai giữa Pháp và Việt ngay trong một bối cảnh chiến tranh chống Pháp còn đang dai dẳng tại Việt Nam, còn gì đau khổ hơn khi biết người cha Pháp của mình đã ruồng bỏ mình như ruồng bỏ một người xa lạ”.
Cách viết dung dị với những chi tiết chân thực, những hình ảnh gợi đầy cảm xúc, tất cả đã làm nao lòng, lôi cuốn độc giả, đã gây nên một hiện tượng tại Pháp.
Năm 1995, bà xuất bản cuốn “Retour à la saison des pluies” (Trở lại mùa mưa), kể về cuộc hội ngộ của bà với Việt Nam. Bà còn viết thêm hai cuốn tiểu thuyết khác “Moi, Marina la Malinche” (Tôi, Marina la Malinche) năm 1994 và “Les eaux mortes du Mékong” (Vùng nước chết của sông Mekong) năm 2006.
Ngoài viết sách, bà còn là dịch giả tiểu thuyết “Chuyện tình kể trước lúc rạng đông” của Dương Thu Hương, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và tập truyện ngắn “Khi người ta trẻ” của Phan Thị Vàng Anh.
Tập truyện ngắn "Trái tim hổ" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do bà Kim Lefèvre dịch sang tiếng Pháp.
Phải nói rằng, dù bị xã hội Việt Nam đương thời ruồng bỏ nhưng bà không hề thù hận, ghét bỏ. Ngược lại trong những cuốn sách của mình, bà còn thể hiện tình yêu thương, nhớ nhung đất nước, con người Việt Nam, nơi dù sao, cũng có lúc bà đã nhận được tấm chân tình và lòng tốt từ những người xa lạ.
Trong tự truyện của mình, bà đã viết: “Tôi đã yêu sâu sắc mảnh đất hun đúc nên tôi…”, hoặc “Tôi yêu Việt Nam bằng mối tình không được đáp lại […] không phải lối yêu của đứa trẻ đau khổ, mà bằng trí óc của người trưởng thành, phân biệt được cái gì đất nước đã cho tôi và cái gì nó đã từ chối...”.
Bà đã sớm nhận ra thân phận của mình để không ngừng phấn đấu và đã có những thành công đáng kể, đáng nể, đã có những đóng góp đáng khâm phục, trân trọng đối với nền văn học Pháp ngữ, những tác phẩm viết về Việt Nam.
Lúc này đây, lần giở lại những tác phẩm đã đọc của bà, lòng mình thấy buồn thương vô hạn.
Xin được thắp một nén nhang tưởng nhớ và tri ân bà Kim Lefèvre, một nhà văn Pháp gốc Việt, một diễn viên và đồng thời là một dịch giả.
Trong bài viết "Tâm trạng hai phụ nữ Việt lai Pháp" trên chuyên mục "Sổ tay văn hóa Đông Tây" của Báo Thế giới & Việt Nam, nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ về những cuộc gặp của ông với bà Kim Lefèvre ở Hà Nội và ở Pháp. Bài viết có đoạn:
Bị chà đạp ở Việt Nam như vậy, mà chị Kim khi trưởng thành vẫn nhớ và yêu da diết quê mẹ Việt Nam. “Tôi đã yêu đất nước này, quê hương tôi với bao người quen thuộc biết bao. Những người da màu đồng, nhớ đôi mắt bầu dục đen sáng và thông minh của cậu tôi, nhớ cử chỉ của bà tôi giơ đũa lên kêu “khà khà!” khi bữa cơm có món ăn ngon, nhớ dáng đi nhún nhẩy của bà hàng xóm, hàm răng của bà đen như hạt na... Ngày nay, tôi yêu mảnh đất này một cách khác, không theo kiểu đứa trẻ khổ đau, mà là một người lớn có thể phân biệt cái gì đã mang lại cho tôi cũng như cái đã loại trừ mất ở tôi”.
Theo TRẦN THỊ HẢO
Báo quốc tế