Thủ tướng Phạm Minh Chính không chọn cách đọc bài phát biểu đã được cấp dưới chuẩn bị sẵn mà dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam cuối tuần trước rằng "cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một trong những cộng đồng thành công, năng động, sáng tạo nhất tại Mỹ", Thủ tướng bày tỏ chân thành: "Chúng tôi tự hào có các bác, anh chị và các cháu đóng góp cho sự phát triển quan hệ 2 nước Việt - Mỹ trong những năm vừa qua". Thủ tướng nói: "Mong bà con đoàn kết để thành công hơn".
Kiều bào mong muốn đóng góp nhiều hơn
Các ý kiến phát biểu của kiều bào Việt Nam tại Mỹ từ GS Phan Mẫn, TS Hùng Trần hay Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên VN tại Mỹ Tô Diệu Liên… đều bày tỏ mong muốn được kết nối cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng như đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam.
Là người có nhiều năm nghiên cứu, quan sát quan hệ Việt - Mỹ, GS Phan Mẫn đặc biệt phấn khích với sự thành công trong quan hệ của 2 nước phát triển tốt đẹp trong những năm qua, từ cựu thù trở thành đối tác, rồi đối tác chiến lược toàn diện. "Lãnh đạo 2 nước đã xích lại gần nhau, 2 nước Việt - Mỹ đã ngồi lại cùng nhau để bàn về việc cùng phát triển, vậy thì đồng bào Việt kiều ở Mỹ nói riêng, ở các nước trên thế giới nói chung có thể xích lại gần nhau hơn trong tình huynh đệ, tình hàng xóm để nói về một đất nước Việt Nam phát triển phồn thịnh, văn minh được không?", GS Phan Mẫn trăn trở về nhu cầu hòa giải và hòa hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào Việt Nam tại Mỹ, ngay sau khi đặt chân tới San Francisco. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên VN tại Mỹ Tô Diệu Liên thì bày tỏ mong muốn những cộng đồng người Việt trẻ tại Mỹ có được kết nối để tạo ra sức mạnh chung "không chỉ giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống mà còn có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước".
Chúng tôi tự hào có các bác, anh chị và các cháu đóng góp cho sự phát triển quan hệ 2 nước Việt - Mỹ trong những năm vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
TS Hùng Trần, một người làm công nghệ tại thung lũng Silicon, rất mong muốn Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội của việc nâng cấp quan hệ với Mỹ để xây dựng nền kinh tế số. "Có một câu hỏi đặt ra: cơ hội như vậy làm sao để tận dụng được?", ông Hùng đặt câu hỏi và cũng tự trả lời: "Quan trọng là xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao". Với thế mạnh là có một công ty công nghệ lớn ở Silicon Valley, TS Hùng Trần cho biết sẵn lòng chung tay với các công ty và cơ quan chức năng trong nước để đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ chất lượng cao cho Việt Nam.
Nâng tầm quan hệ mở ra cơ hội hợp tác
Trao đổi với kiều bào, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ và 10 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện, trong đó kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là điểm sáng và là động lực của quan hệ song phương với kim ngạch hai chiều đạt hơn 123 tỉ USD vào năm 2022. Hợp tác giữa hai nước về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân… tiếp tục đạt nhiều tiến triển quan trọng.
Thủ tướng nói: "Mong muốn hai bên sẽ tạo đột phá trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo". Theo Thủ tướng, nội hàm của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện không chỉ dựa trên nhu cầu, tiềm năng của hai nước mà còn dựa trên tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng người Việt tại Mỹ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, đóng góp trong việc vun đắp và phát triển mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu của hai nước.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ nói chung và ở khu vực bờ Tây nói riêng có thế mạnh rất lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, với hàng chục ngàn kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một trong những cộng đồng thành công, năng động và sáng tạo nhất tại Mỹ. Thời gian qua, đã có những đóng góp quan trọng về kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Tiềm năng của Việt kiều còn rất nhiều
"Tuy nhiên, tiềm năng của cộng đồng vẫn còn rất nhiều. Tôi mong rằng thời gian tới, cộng đồng doanh nhân, các nhà trí thức, nhà khoa học người Việt tại Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, có những dự án cụ thể, hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa, với tư duy mới, cách làm mới thực sự đột phá, đặc biệt là tận dụng được sự ủng hộ và cam kết của Mỹ trong hỗ trợ Việt Nam".
Theo Thủ tướng, cộng đồng kiều bào nói chung ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn với khoảng 6 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều chuyên gia, trí thức. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Nhiều chính trị gia gốc Việt gia tăng ảnh hưởng trên chính trường sở tại, góp thêm tiếng nói bảo vệ quyền, lợi ích và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của cộng đồng trong xã hội sở tại, đồng thời góp phần nâng cao vị trí, vai trò của cộng đồng. Nhiều chuyên gia, trí thức Việt Nam đã tập hợp, thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo ở sở tại và đẩy mạnh hoạt động về trong nước, có nhiều sáng kiến, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo đóng góp cho đất nước về các vấn đề cấp bách và lâu dài.
Theo Thủ tướng, đến nay, kiều bào đã có 385 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỉ USD và vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam. Lượng kiều hối về nước rất lớn, tương đương 7% GDP, tiếp tục tăng hàng năm và là nguồn lực vô cùng quý giá cho nền kinh tế.
Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Mỹ tiếp tục phát triển lớn mạnh, với khoảng 2,2 triệu người, là cộng đồng người Việt đông nhất trên toàn thế giới. Trong đó, riêng bờ Tây, số người Việt lên đến hơn 1 triệu người, trong đó tại San Francisco có 700.000 người. Ngày càng có nhiều người Việt thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục. Số chuyên gia, trí thức người việt ở Mỹ chiếm khoảng 1/2 trong tổng số chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài trên toàn thế giới. Hiện có khoảng 170.000 doanh nhân gốc Việt tại Mỹ.
Thủ tướng cũng thông báo với bà con kiều bào tình hình kinh tế trong nước đã có những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Năm 2022, tổng GDP đạt 409 tỉ USD; tăng trưởng trên 8%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ 2011 - 2022; đầu tư FDI đạt khoảng 22,4 tỉ USD, cao nhất trong 5 năm qua; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục trên 732 tỉ USD, xuất siêu trên 11 tỉ USD; khách du lịch đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt người, gấp hơn 20 lần so với năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực với kết quả "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước".
Nhiều hoạt động tại San Francisco
Ngày 18.9 (giờ địa phương), dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có 8 hoạt động liên tiếp tại San Francisco: làm việc với một số đại diện doanh nghiệp Việt kiều tiêu biểu tại San Francisco; dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Mỹ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo; thăm Trường Đại học Tổng hợp San Francisco; tiếp đoàn chính trị gia và doanh nghiệp bang Oregan; tiếp đoàn chính trị gia San Francisco và khu vực Bay Area. Sau đó, Thủ tướng sẽ thăm Công ty sản xuất chip bán dẫn NVIDIA, Công ty Synopsys, Công ty META. Tối cùng ngày, Thủ tướng rời San Francisco đi Washington D.C.
Theo An Nguyên
Thanh niên