Ông Thái Phúc Sơn, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh phát biểu như vậy tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 diễn ra vào ngày 18/12.
Theo ông Thái Phúc Sơn: Hà Tĩnh có khoảng 85.000 người đang học tập, công tác, sinh sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều trí thức, chuyên gia có trình độ cao, các doanh nghiệp, doanh nhân trên các lĩnh vực. Đó là Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ (Liên bang Nga) người đóng góp cho 3 di sản Hà Tĩnh được UNESCO công nhận, gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm Làng Trường Lưu; Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng (Liên bang Nga) với 20 công trình nghiên cứu khoa học, tác phẩm góp phần đưa văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng ra thế giới....
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan gửi tặng 600 USD cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 9 doanh nghiệp kiều bào với 9 dự án đầu tư với số vốn 3.000 tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, tạo niềm tin cho bà con kiều bào để thu hút các dự án khác. Tại các nước có hội đồng hương Hà Tĩnh rất gắn bó, hỗ trợ nhau trong công việc cuộc sống.
Ông Sơn cho biết: Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, tập trung tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh để thấy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài. Tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để mọi người thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để hướng tới xây dựng quê hương đất nước.
Thông qua các hội nghị, diễn đàn ở trong nước cũng như ở nước ngoài, trong các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có chương trình gặp mặt bà con kiều bào ở nước ngoài để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và truyền tải những tình cảm, sự phát triển của địa phương tạo niềm tin với bà con kiều bào từ đó hướng về xây dựng quê hương.
Sở Ngoại vụ đã xây dựng cơ sở dữ liệu kiều bào, thông tin các kiều bào tiêu biểu. Cập nhật chủ trương của tỉnh để tương tác hai chiều với bà con. Qua đó, bà con phấn khởi, nhiều doanh nhân, kiều bào hướng về xây dựng quê hương.
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển xây dựng quê hương, đất nước, ông Thái Phúc Sơn đề xuất tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.
Chú trọng công tác nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng cơ chế chính sách, đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và các trí thức, doanh nhân giỏi về Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư, giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm...
Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và sở tại để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc cập nhật thông tin, kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để các địa phương có nhiều cơ hội tiếp cận, gặp gỡ kiều bào ở nước ngoài, nhất là kiều bào tiêu biểu qua đó quảng bá, giới thiệu và kêu gọi thu hút đầu tư.
Ngoài ra, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài cho cán bộ chuyên trách ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030" bằng nhiều hình thức hiệu quả, thiết thực và truyền thụ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam cho các thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước.
Theo Phạm Lý
Thời đại