Toggle navigation
Kiều bào đón Noel COVID-19 thứ hai
24/12/2021 | 05:01 GMT+7
Chia sẻ :
Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn căng thẳng một phần vì Omicron, trừ Hà Lan đã công bố phong tỏa cứng, người dân các nước Âu, Mỹ đã có thể yên tâm là kế hoạch Giáng sinh của họ sẽ diễn ra như bình thường.
Kiều bào đón Noel COVID-19 thứ hai - Ảnh 1.
Đường phố ở thành phố Den Bosch ngày 21-12 vắng bóng khách mua sắm đón Giáng sinh do Hà Lan phong tỏa để chống dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Tuổi Trẻ ghi nhận không khí đón Giáng sinh ở Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan của một số bà con người Việt đang định cư, làm việc tại đây.

Giá tăng nhưng không ngại chi

Chị Nguyễn Kiều Linh - nhân viên bán hàng, sống ở Pháp từ năm 2015 đến nay - cho biết dù Pháp không đóng cửa, không giới nghiêm nhưng năm nay cả nhà chị không đi du lịch. 

"Pháp đang vào mùa đình công, lại thêm dịch COVID-19 do biến thể Omicron nên chúng tôi ngại đi chơi xa. Trước đây chỉ cần xách vali lên và đi, giờ phải có thẻ chứng nhận vắc xin, phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ nên phiền phức hơn" - chị Linh nói.

Chị cho biết gia đình bạn bè, đồng nghiệp nếu có đi thì đa số chỉ đi trong nước do lo ngại những thay đổi bất ngờ về chính sách. Không khí đón Giáng sinh, theo chị Linh, có nhiều khác biệt với năm ngoái. 

Cụ thể, tiệc Giáng sinh của các công ty, trong đó có công ty của vợ chồng chị, đều bị hủy. Chị cũng cho biết dù giá cả tăng do lạm phát, người dân vẫn không ngại mua sắm. Người Pháp rất quan trọng bàn tiệc Giáng sinh nên không vì dịch bệnh mà giảm bớt việc ăn uống cầu kỳ. "Mọi người không tiết kiệm mà vẫn mua sắm, hưởng thụ" - chị nói.

Điều dễ nhận ra là người Pháp cẩn thận hơn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn 1m với người lạ và rửa tay. Trước khi đi dự tiệc nhà bạn bè, người thân, nhiều người đi xét nghiệm trước, nếu âm tính họ mới đi. Đây là điều rất mới, chưa từng có trước đây.

Tại Mỹ, chị Bích Huyền Turner - sống tại bang Georgia - cho biết Giáng sinh là ngày lễ lớn nhất của mọi gia đình. Như mọi năm, đây là một bữa tiệc Mỹ - Việt của nhà chị. Ngoài các món ăn kiểu Mỹ như gà tây, xốt Cranberry, bánh sinh nhật, chị còn làm thêm các món rau, nem rán để... chống ngán. 

"Xăng tăng giá nên từ quả trứng đến trái cây đều lên giá. Nhà tôi không đến nỗi phải giảm mua nhưng chi tiêu kỹ hơn. Trước đây đi chợ thích gì thì mua nấy, nhiều khi ăn không kịp phải bỏ, nhưng giờ tôi chỉ mua vừa đủ dùng" - chị cho biết. 

Trong năm ngoái và cả năm nay, do dịch COVID-19 nên cả nhà chị Huyền cũng sẽ hạn chế tới nơi đông người, không đi nhà thờ ngày Giáng sinh và chỉ xem lễ qua các chương trình trực tuyến.

Tại Anh, chị Tâm An cho biết Giáng sinh năm nay với người Anh là Giáng sinh vui và phấn khởi vì không bị phong tỏa như năm ngoái. Các hoạt động diễn ra bình thường, mọi người có thể đi chơi và thăm người thân nhưng thận trọng hơn. 

Để kiểm soát lượng khách vào ra, hầu hết nhà hàng và cơ sở văn hóa như bảo tàng, nhà hát, các buổi hát Thánh ca của nhà thờ đều phải đăng ký mua vé trực tuyến trước mới được dự chứ không thể ngẫu hứng đến như trước.

Giá cả cũng tăng, trong đó điện và xăng tăng nhiều nhất. Ngược lại, các thực phẩm được mua nhiều dịp Giáng sinh như gà tây, chocolate lại giảm đến 50%. Tranh thủ giảm giá, chị Tâm An mua nhiều hơn một chút, để khi giá bình thường lại, chị sẽ dè sẻn hơn.

Khi có thông báo phong tỏa, chúng tôi phải hủy tất cả các bữa tiệc Giáng sinh đặt trước. Phải nói là vô cùng đau đớn.
Chị Thắm Nguyễn - một doanh nhân gốc Việt tại Rotterdam (Hà Lan) - chia sẻ.

Hà Lan phong tỏa "đau buồn lắm"

Từ thành phố cảng Rotterdam, chị Thắm Nguyễn - chủ hai nhà hàng kinh doanh tại các vị trí đắc địa - cho biết "đau buồn không còn gì để nói" khi Hà Lan phong tỏa cứng ngay trước Giáng sinh. "Đây là lần phong tỏa thứ 3 rồi. 

Sau hai năm dịch bệnh, tôi đã nghĩ sẽ không có chuyện phong tỏa nữa vì vắc xin, thuốc điều trị đều đã có. Chưa khắc phục hết khó khăn do ảnh hưởng của dịch lần trước thì thêm cú sốc cơ hội kinh doanh tốt nhất năm đã biến mất" - chị than thở.

Chị Thắm Nguyễn cho biết lúc này các tiệm làm tóc, làm móng, nhà hàng, quán bia rượu đều đóng cửa. Làm tóc và làm móng thì không thể bán mang đi, nhà hàng của chị được bán mang đi thì doanh số cũng không đáng kể. 

Một trong hai nhà hàng của chị Thắm Nguyễn nằm tại một khu phố giống như phố Tây Bùi Viện ở TP.HCM. Chị cho biết bình thường vào mùa này 3h - 4h sáng còn đông khách, nhưng nay cả con phố không một bóng người.

Điều an ủi lúc này với chị là trong lần phong tỏa này mọi người không còn bị cấm gặp nhau như trước. "Chúng tôi có thể mời 4 người khách đến nhà vào các ngày quan trọng, nhưng tiếc là không còn tâm trạng nữa" - chị nói.

Theo HỒNG VÂN
Tuổi trẻ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com