Đánh bắt hải sản từng là sinh kế của nhiều người Việt khi đến bang Mississippi, Mỹ định cư. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số lượng tôm tại vùng này đang ngày càng suy giảm, các thế hệ sau đã không còn muốn nối nghiệp ngư dân.
Ông Sau Truong và con trai Elvis Ta trên con thuyền Miss Mimi bắt tôm của gia đình - Ảnh: SUN HERALD
Ông Sau Truong - một ngư dân lâu năm tại bang Mississippi, Mỹ - đã lên thuyền ra khơi vào tháng trước nhưng không bắt được tôm.
Các cảng tại khu vực Bayou Caddy, nơi ông Truong trước đây đã dạy người con trai Elvis Ta của mình về vịnh Mexico, hè năm nay cũng lâm cảnh vắng lặng. Tất cả ngư dân đều đã về nhà.
“Sớm thôi, ngành công nghiệp tôm ở khu vực bờ biển vùng vịnh sẽ biến mất”, báo Sun Herald dẫn lời Elvis Ta - con trai ông Truong - chia sẻ.
Những người Việt bắt tôm tại Mỹ
Biển là cả thế giới của ông Truong. Khi mới đến Mỹ vào 40 năm trước, ông Truong không nói được tiếng Anh nhưng đã vay và tiết kiệm đủ tiền để mua một con thuyền cho riêng mình. Ông đã làm tất cả những gì có thể để xây dựng cuộc sống tại một vùng đất mới.
Ông Truong là một trong hàng ngàn người Việt chọn bang Mississippi làm nơi định cư khi đến Mỹ vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.
Những người này khi ấy đã mua thuyền, may lưới, và vay tiền từ các bên chế biến hải sản vì chưa thể vay ngân hàng do vẫn là người nước ngoài.
Họ trở thành một phần của nền kinh tế biển địa phương. Họ làm việc tại các trại nuôi hàu và làm việc xuyên suốt. Con cái chính là tương lai của họ ở vùng xa lạ này. Họ cũng thường đưa con mình đi câu.
Tuy nhiên, sinh kế dựa vào biển của họ không được êm ả.
Biến cố đầu tiên ập đến vào năm 2005 khi bão Katrina nhấn chìm nhiều thuyền đánh cá. Tiếp sau đó 5 năm, giàn khoan Deepwater Horizon phát nổ khiến dầu loang khắp vịnh Mexico khiến việc đánh bắt hải sản trong khu vực đột ngột bị tạm ngừng.
Ông Sau Truong là ngư dân nhưng cổ vũ con cái theo đuổi một công việc khác - Ảnh: SUN HERALD
Gần đây nhất vào năm 2019, bang Louisiana đã mở một cửa xả lũ của đập Bonnet Carre Spillway trong 123 ngày, khiến nước ngọt dâng cao, giết chết hàu và tôm trên eo biển Mississippi.
Quan chức bang ước tính các nguyên nhân trên đã khiến hơn 80% tôm ở vùng vịnh suy giảm trong thời gian gần đây. Và hiện nay, nhiều con em và cháu chắt của gần 10.000 cư dân Việt Nam định cư tại khu bờ biển Mississippi đã phải rời đi.
Không thể bám trụ với truyền thống
Hiện tại, mỗi lần ra khơi, ông Truong sẽ phải chấp nhận thua lỗ khi tôm đánh bắt được ngày càng ít nhưng giá dầu diesel nhiên liệu cho tàu thuyền lại tăng cao.
Bên cạnh đó, nước Mỹ năm 2022 đã nhập khẩu 900 tấn tôm, giá tôm địa phương cũng giảm và đạt mức ít hơn 3 USD/pound (hơn 70.000 đồng cho 500g).
“Nếu có tôm, tôi sẽ đi làm. Nếu không có tôm, tôi sẽ chỉ ngồi nhà”, ông Truong nói.
Từng người một, thế hệ sau những ngư dân Việt Nam trên bờ biển Mississippi đang phải từ bỏ công việc mưu sinh từng là tất cả đối với gia đình.
“Điều này thật đáng buồn”, Ta chia sẻ.
Tuy nhiên, Ta biết rằng anh sẽ không ra khơi mãi. Cha mẹ anh muốn anh đi học. Họ mong rằng anh sẽ có một công việc tốt và có bảo hiểm y tế.
Không một người anh em họ nào của Ta hay những người bạn mà Ta biết dự định trở thành ngư dân.
Anh Ta hiện làm việc cho Bộ Nông nghiệp Mỹ và sở hữu 2 doanh nghiệp khác - Ảnh: SUN HERALD
Ông Truong là người cuối cùng. Cuối tháng này, ông Truong sẽ một lần nữa đưa con thuyền đã rỉ sét và bạc màu của mình ra khơi để tìm tôm. Ông Truong cũng sẽ sớm nghỉ hưu và trở về Việt Nam.
“Vậy đấy, sẽ không có ai nối nghiệp chúng tôi nữa”, Ta nói.
Theo NGHI VŨ
Tuổi trẻ