Toggle navigation
Khi doanh nhân kiều bào là ‘Đại sứ’
03/01/2021 | 03:11 GMT+7
Chia sẻ :
Phải làm gì phát huy năng lực và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy vai trò doanh nhân kiều bào trong trong tình hình mới? Câu hỏi này không chỉ là quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn là trăn trở thường trực của chính những doanh nhân kiều bào tâm huyết khi nghĩ về sự phát triển của quê hương, đất nước...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ đoàn đại biểu kiều bào dự Chương trình Xuân quê hương 2019. (Nguồn: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đoàn đại biểu kiều bào dự Chương trình Xuân quê hương 2019. (Nguồn: VGP)
 
Trách nhiệm của một 'Đại sứ'

Không phải là ý tưởng mới mẻ, nhưng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nên tăng cường tạo phong trào, khích lệ bà con ở nước ngoài, trong đó có đội ngũ doanh nhân xem mỗi người là một “Đại sứ” nhằm gắn trách nhiệm của mình trước bạn bè ở các nước. Khi mỗi người coi mình là một “Đại sứ”, họ sẽ có tinh thần và trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền tải văn hóa con người, đất nước, thành tựu, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam ta ra mọi lúc, mọi nơi mình hiện diện.

Làm được như thế, tính lan tỏa sẽ rất cao, thúc đẩy tình yêu thương, đoàn kết, gắn bó hướng về quê hương, chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn thịnh.

Mỗi người Việt Nam mỗi ngày đang sinh sống ở nước ngoài là đang thể hiện hình ảnh đại diện của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nhìn đâu xa như ở Hàn Quốc, những năm sau khung hoảng tài chính 1997-1998, từ năm 2000, quốc gia này đã thúc đẩy phong trào “Đại sứ Hàn kiều” với chương trình “Hàn Quốc năng động” đã xác định mỗi người Hàn kiều là một “Đại sứ”.

Thực tế cho thấy, họ đã gặt hái được thành tựu lớn, phát triển vượt bậc cho đến ngày nay, đó là nhờ sự đóng góp lớn của chương trình và người “Đại sứ Hàn kiều” ở nước ngoài. Ngoài ra, hằng năm, họ đều có chương trình tổng kết, bình chọn và phòng tặng danh hiệu “Đại sứ nhân dân” cho những người đã có nhiều đóng góp thiết thực, xuất sắc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Cổng thông tin tập trung, đa ngôn ngữ

Hiện nay, nhu cầu chia sẻ thông tin về kết nối thương mại và đầu tư rất lớn, nhiều sản phẩm, dịch vụ, nhiều dự án kêu gọi đầu tư của các bộ ban ngành đến dự án tại các địa phương. Dù có nhiều trang thông tin khác nhau, nhưng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài vẫn khó khăn để tìm kiếm, tiếp cận thông tin hoặc tiếp cận rất hạn chế.

Chính sự không kịp thời này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc kết nối thương mại đầu tư ở trong nước, không phát huy được nguồn lực lớn mà bà con kiều bào, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân kiều bào ta đang có.

Bởi vậy, để đạt được hiệu quả cao, phát huy được vai trò cầu nối về thông tin thị trường, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, dự án kêu gọi đầu tư, Việt Nam cần thiết có cổng thông tin kết nối tập trung, cập nhật kịp thời và được sự bảo trợ truyền thông nhà nước hỗ trợ, tránh thông tin sai lệch.

Ngoài ra, cổng thông tin này cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào, người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài cập nhật thông tin chính thống trong nước.

Tại đây, họ cũng dễ dàng chia sẻ với các đối tác ở nước ngoài, đồng thời tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư đạt hiệu quả cao.

Trung tâm điều phối kết nối thương mại, đầu tư

Việt Nam đã có nhiều cơ quan, tổ chức hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đầu tư nói chung. Thế nhưng, việc tiếp cận kịp thời các cơ hội giao thương, kết nối thương mại, đầu tư để cộng đồng người Việt ở nước ngoài và doanh nhân, trí thức kiều bào chung tay góp sức vào thì cần có một trung tâm làm đầu mối kết nối chặt chẽ giữa các bộ ban ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương.

Trung tâm này sẽ làm nhiệm vụ điều phối kết nối thương mại, đầu tư cho kiều bào với thông tin kịp thời về nhu cầu xuất nhập khẩu, dự án kêu gọi đầu tư đến đúng người, đúng việc và xúc tiến nhanh, chính xác.

Thực tế, không ít nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào có công nghệ, tài chính sẵn sàng hợp tác, tài trợ cho các hoạt động ý nghĩa, cấp bách này đạt hiệu quả cao.

Họ luôn mong Đảng, Nhà nước và Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, cùng đồng tâm xây dựng đất nước hòa bình, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

Theo NGUYỄN QUANG HUY SHALOM*
Báo quốc tế

(*) Tác giả là Việt kiều Mỹ - Hàn Quốc, chuyên gia xúc tiến đầu tư FDI, Ủy ban Ban Thường vụ Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phụ trách Chương trình Trại Khởi nghiệp – Doanh nhân Kiều bảo trẻ, Đồng sáng lập Vivietnam.org - trợ giúp tái ổn định cuộc sống, kiều bào cùng cộng đồng chung tay vì miền Trung ruột thịt.
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com