Toggle navigation
Hương vị Việt ở châu Âu
08/07/2022 | 11:06 GMT+7
Chia sẻ :
Cùng với dấu chân người Việt, những món ăn mang “tâm hồn Việt” như bún, phở, nem cuốn, nem rán… đã dần quen thuộc với người dân nhiều nước châu Âu. Ngay cả những món ăn gốc Âu, như bánh mì, cà phê…, khi đến Việt Nam, đã mang phong vị Việt, và một lần nữa, được người Việt đem đến các nước phương Tây. Khởi đầu từ việc mang theo hương vị quê nhà để phục vụ chính cộng đồng, nhiều món ăn Việt đã góp phần lan tỏa văn hóa Việt.
Gian hàng bán các sản phẩm Việt Nam trong lễ hội ẩm thực tại Pháp.  
Gian hàng bán các sản phẩm Việt Nam trong lễ hội ẩm thực tại Pháp.  

1.Đã khá lâu rồi cộng đồng người Việt ở Pháp mới có dịp hội ngộ khi chức Lễ hội Ẩm thực Ici Vietnam 2022 diễn ra tại quảng trường Monge (quận 5, thủ đô Paris). Có tới hơn 20 hội đoàn, doanh nghiệp và nhà hàng của người Việt Nam tại Pháp như: Foyer Vietnam, Bà Nội, Ngọc Xuyến, Thanh Bình Jeune, Trà Art, France Plumfoot... Nhưng điều khác biệt so với nhiều sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt trước đây, Ici Vietnam Festival nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa của Việt Nam tới bạn bè Pháp.

Ở cuộc “ra quân” lần này, hàng loạt món ăn đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam như: bún bò, bún trộn, nem cuốn, nem rán, nước mía, trà… đã được giới thiệu. Không những thế, nhiều món ẩm thực do người phương Tây đem đến Việt Nam như: bánh mì, cà phê… cũng hiện diện, nhưng vẫn tạo dấu ấn riêng với phong vị Việt Nam. Hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã có mặt chứng tỏ sức hấp dẫn của món ăn Việt. Ông Benjamin Isare - Phó Thị trưởng quận 5 Paris, bày tỏ sự hài lòng khi thấy một lượng lớn thực khách đến với lễ hội. Ông cho biết: “Mặc dù thời tiết rất nóng, nhưng lễ hội vẫn thu hút một lượng lớn thực khách đến tham dự chứng tỏ sự hấp dẫn của các món ăn Việt Nam”.

Khởi đầu từ ý tưởng của một nhóm các bạn trẻ người Pháp gốc Việt Nam mong muốn tổ chức các sự kiện lễ hội trong nhiều lĩnh vực phim ảnh, nghệ thuật, hội họa và ẩm thực nhằm giới thiệu các nét văn hóa Việt Nam tại Pháp, Lễ hội Ẩm thực Việt Nam tại pháp đã diễn ra lần thứ hai. Năm ngoái, lễ hội đã có sự tham gia của khoảng hơn 3.000 lượt du khách.

Cũng trong tháng 6/2022, nhiều món ăn Việt đã được giới thiệu trong Lễ hội Ẩm thực và văn hóa của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc. Lễ hội thu hút tới 46 cơ quan ngoại giao, với gần 100 gian hàng. Đây đã là lần thứ 5 liên tiếp Đại sứ quán Việt Nam tại Séc tham gia sự kiện ý nghĩa này. Năm nay, Việt Nam đã tham gia 2 gian hàng được trang trí rất công phu với nhiều hình ảnh đặc trưng về văn hóa Việt. Đây là dịp để giới thiệu tới đông đảo khách tham quan về ẩm thực, văn hóa, du lịch của Việt Nam.

Ngoài những món ăn được chế biến và phục vụ tại chỗ như: Nem rán, bún chả, bún bò Nam Bộ..., các gian hàng còn giới thiệu nhiều món ăn truyền thống khác của Việt Nam. Những sự kiện như thế, đã và đang biến các món ăn Việt trở thành một “đại sứ văn hóa”, gắn kết cộng đồng người Việt với cộng đồng cư dân bản địa.

Các món ăn của Việt Nam được người dân Nga và bạn bè quốc tế yêu thích.  
Các món ăn của Việt Nam được người dân Nga và bạn bè quốc tế yêu thích.  

2.Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu, cũng luôn nhớ hương vị quê nhà, từ những món đặc sản, cho đến “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Bởi thế, khi sang châu Âu, ngay cả khi việc đi lại, vận chuyển còn khó khăn, bà con cũng xoay xở đủ mọi cách để có “hương vị quê nhà”. Mà đặc trưng nhất của các món ăn Việt, là các loại gia vị, các món rau thơm.

Do đó, nhiều người đem các loại giống rau từ trong nước sang trồng ở châu Âu. Sau này, khi vận chuyển bằng đường hàng không, đường biển phát triển, các khu chợ của người Việt ở Đức, ở Pháp, hay ở các nước Đông Âu mới “không thiếu thứ gì”. Và đó cũng là thời điểm mà các món ăn Việt được giới thiệu với người dân châu Âu một cách rộng rãi hơn.

Do đặc thù quan hệ giữa hai nước, người Việt đặt chân đến Pháp từ sớm và cũng đem theo nhiều món ăn Việt đến Pháp. Món ăn Việt Nam nổi danh nhất trên đất Pháp đương nhiên là phở. Ở Paris, quận 13 là nơi có đông người Việt Nam cư trú nhất, cũng là nơi có nhiều tiệm phở. Một trong số đó là tiệm Phở 13, được đánh giá là một trong những tiệm phở được kiều bào đánh giá là ngon nhất. Nếu chỉ nhìn vào bát phở bưng ra, khách hàng dễ nghĩ đây là một bát phở ở… Việt Nam.

Bát phở nấu từ xương bò, với đủ loại gia vị, có cả rau mùi rắc lên trên. Quán phở này cũng phục vụ một số món ăn Việt Nam khác, điển hình như: bún bò Huế, nộm đu đủ… Tại những con phố Avenue d’Ivry, Rue Nationale… không chỉ có một mà nhiều nhà hàng ẩm thực Việt, với các quán như: Phở 13, Phở 14, Phở New Sài Gòn, Phở Bánh Cuốn, Ba Miền… Những quán này cách nhau không xa, khiến người ta có cảm giác thân quen như ở một khu phố người Việt Nam. Nếu tính trên toàn nước Pháp, số lượng quán phở Việt có thể lên đến hàng trăm.

Món phở có thể coi như tấm “danh thiếp Việt” ở khắp châu Âu, dù là nơi cộng đồng người Việt định cư đã lâu hay mới đến. Khi sang làm việc tại Đông Âu theo diện xuất khẩu lao động, người Việt đã đem đến các nước: Ba Lan, Séc, Ukraine… đặc sản này. Tại Ba Lan có hàng chục quán phở khác nhau. Nhưng một trong những quán phở ngon nhất lại là nhà hàng mới ra đời bốn năm nay - nhà hàng Pho Lovers (Người yêu phở).

Chủ nhà hàng Nguyễn Xuân Sơn sang Ba Lan khá muộn so với cộng đồng người Việt Nam ở đây. Anh đến đất nước của Chopin năm 2007. Chỉ ít năm sau đó, anh đã là đầu bếp và làm việc trong một số nhà hàng ở Ba Lan. Sau những thất bại đầu tay, anh Sơn quyết định mở lại nhà hàng của riêng mình. Anh lấy món ăn Việt nổi tiếng nhất ở Ba Lan làm trung tâm của nhà hàng, với cái tên Pho Lovers. Rút kinh nghiệm từ lần trước, anh Sơn tham gia các khóa học tiếp thị trực tuyến và quản lý kinh doanh để việc điều hành nhà hàng trở nên bài bản. Pho Lovers chinh phục thực khách bản địa bởi hương vị độc đáo cùng sự kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Ngoài món phở, một đặc trưng khác của Pho Lovers là các món bún. Anh Nguyễn Xuân Sơn phục vụ nhiều món bún khác nhau như: Bún cá, bún bò, bún vịt, bún nem… và được khách hàng hết sức ưa chuộng.

“Nếu coi đây là một cách nhận diện ẩm thực, thì có thể khẳng định, ẩm thực Việt Nam đang được phủ sóng rộng rãi. Phở, một trong những món ăn tiêu biểu của nền ẩm thực Việt Nam, món ăn duy nhất lọt vào danh sách 30 món ăn ngon nhất trên thế giới do CNN bình chọn, đã có một danh sách dài các nhà hàng trên thế giới”, anh Sơn cho biết.

3.Ở Đức, Séc, Bỉ… hay Latvia, đều có sự hiện diện của các nhà hàng ẩm thực Việt Nam. Rất nhiều người đã thành danh, làm giàu từ ẩm thực Việt. Tại Đông Âu, những năm trước đây, các nhà hàng ẩm thực chủ yếu phục vụ cho cộng đồng. Nhưng nhiều người sau đó đã bước ra khỏi “vùng an toàn”, chinh phục khẩu vị khách bản địa. Ngày nay, thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt cũng kinh doanh ẩm thực.

Thậm chí, tại Slovakia, có một cô gái Việt còn được tạp chí Fobes Slovakia vinh danh là một trong những người thành đạt ở tuổi dưới 30. Đó là Lucia Thảo Hương Simekova (tên tiếng Việt là Vũ Thảo Hương), người sáng lập chuỗi nhà hàng PHOČKÁREŇ, tên tiếng Việt là “Ngôi nhà của Phở”. Năm 2020, sau 2 năm hoạt động, doanh thu của nhà hàng đạt tới 3,4 triệu USD. Thảo Hương chia sẻ, mẹ cô thường nấu những món ăn Việt và tình yêu với ẩm thực Việt đã thôi thúc cô mở nhà hàng để kinh doanh. Trước đây, bố mẹ luôn dạy tôi rằng, sống ở đâu làm gì thì phải luôn ghi nhớ Việt Nam vẫn là cội nguồn dân tộc, phải giữ được cái văn hóa, cái hồn Việt Nam bên trong mình.

Ngoài lý do quảng bá ẩm thực Việt rộng rãi đến người dân Slovakia thì, tôi nghĩ, ở một khía cạnh nào đó, chuỗi nhà hàng “Phở” còn chính là sự kết nối giữa tôi với quê nhà Việt Nam. Để có tô phở ngon, chị Thảo Hương luôn chọn nguyên liệu tốt nhất nhập khẩu từ Việt Nam, chọn thịt chất lượng cao và chế biến đúng công thức. Trong đó, nước dùng cần được hầm đủ lâu để có được hương vị tự nhiên.

Càng đi xa, người ta càng thấy ý nghĩa của hương vị quê nhà. Cùng với dấu chân người Việt, những món ăn mang “tâm hồn Việt” như bún, phở, nem cuốn, nem rán… đã dần quen thuộc với người dân nhiều nước châu Âu. Ngay cả những món ăn gốc Âu, như bánh mì, cà phê…, khi đến Việt Nam, đã mang phong vị Việt, và một lần nữa, được người Việt đem đến các nước phương Tây. Khởi đầu từ việc mang theo hương vị quê nhà để phục vụ chính cộng đồng, nhiều món ăn Việt đã góp phần lan tỏa văn hóa Việt.

Theo TUỆ PHƯƠNG
Đại đoàn kết
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com