16 học sinh THPT đã được chọn vào vòng bán kết cuộc thi tranh biện về di cư được tổ chức ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam ngày 4-3.
Các thí sinh tranh biện sôi nổi trong vòng bán kết chiều 4-3 - Ảnh: IOM Việt Nam
Cuộc thi cấp quốc gia này do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thuộc Liên Hiệp Quốc cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. Trải qua vòng sơ loại, 16 học sinh đến từ các trường THPT tại Hải Phòng, Quảng Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh đã được chọn vào vòng bán kết cuộc tranh biện liên quan chủ đề di cư.
Học sinh Việt Nam "sáng tạo"
Mỗi lượt thi gồm hai đội (bốn người/đội, chia ngẫu nhiên) tranh biện trực tiếp với một bên "Ủng hộ" và một bên "Phản đối" ý kiến được đưa ra: "Chúng tôi phản đối xu hướng định cư ở nước ngoài" và "Chúng tôi tin rằng xu hướng xuất khẩu lao động có lợi nhiều hơn có hại cho Việt Nam".
Các đội thi đã đưa ra nhiều luận điểm đa chiều nhằm thể hiện góc nhìn về chủ đề được cho, đề cập đến tình trạng "thiếu người, thừa việc" ở các quốc gia phát triển, nạn "chảy máu chất xám" ở các quốc gia đang và kém phát triển.
Các em cũng tranh luận giữa hạnh phúc của cá nhân với những giá trị vật chất mà việc di cư đem lại.
Kết quả đội "Phản đối" ý kiến chống lại việc định cư nước ngoài giành chiến thắng trong vòng bán kết 1. Đội "Ủng hộ" ý kiến xuất khẩu lao động có lợi nhiều hơn hại giành chiến thắng trong bán kết 2.
Hai đội sẽ sớm gặp nhau trong trận chung kết cũng được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam.
Bà Park Mihyung - trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam - phát biểu tại sự kiện - Ảnh: IOM Việt Nam
Di cư được quản lý tốt sẽ mang lại lợi ích
Trả lời Tuổi Trẻ Online bên thềm cuộc thi về lý do tổ chức cuộc thi cho đối tượng học sinh, bà Park Mihyung - trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam - cho biết IOM muốn thu hút sự quan tâm của những người trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh trung học vì các em rất ham học hỏi.
"Các em có thể trở thành người di cư trong tương lai gần. Vì vậy, chúng tôi muốn trang bị cho các em những thông tin đúng đắn để họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Các bạn thí sinh đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt của di cư và mua bán người.
Tôi rất vui khi xem các phần tranh biện của các bạn thí sinh. Tôi cảm thấy được truyền cảm hứng bởi sự sáng tạo và tư duy cởi mở của các bạn để giải quyết các vấn đề quan trọng về rủi ro và cơ hội do các hình thức di cư khác nhau mang lại", bà Park chia sẻ.
Bà Park cũng đánh giá Việt Nam là một quốc gia đặc biệt với lịch sử di cư lâu dài, người dân Việt Nam xem việc di cư, xuất khẩu lao động là một lựa chọn khả thi và dễ dàng. Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi, dịch bệnh và những xung đột chính trị đang diễn ra đặt ra những thách thức về di cư an toàn.
"Khi di cư được quản lý tốt, nó sẽ mang lại lợi ích cho cá nhân và quốc gia", bà Park cho rằng Chính phủ Việt Nam cũng như các quốc gia khác "cần hành động nhiều hơn" để bảo vệ, đảm bảo an toàn và lợi ích của người dân khi di cư và khi họ trở về quê hương.
Theo số liệu năm 2021, Việt Nam có hơn 600.000 người lao động đang làm việc trên toàn cầu. Trong thập kỷ qua, Việt Nam là một trong 20 quốc gia nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Theo THANH HIỀN
Tuổi trẻ