Toggle navigation
Hành trình đáng nhớ của kiều bào Nhật Bản đến quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I
07/07/2024 | 09:10 GMT+7
Chia sẻ :
Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân Việt Nam cần được nâng cao ý thức hơn nữa, đặc biệt là đối với những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài.
Chị Đặng Thái Minh, Chánh Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, vừa trở về sau một chuyến đi đến quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I. Chị Đặng Thái Minh kể về những kỷ niệm khó quên và trải nghiệm sâu sắc của chị về hành trình đặc biệt mà chị đã trải qua.

Hành trình đáng nhớ của kiều bào Nhật Bản đến quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I - ảnh 1
Chị Đặng Thái Minh, Chánh Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản

Phóng viên: Chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I vừa qua đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng kiều bào. Chị có thể kể về một vài kỷ niệm, một vài câu chuyện mà bản thân đã được nghe, được chứng kiến qua chuyến đi này?

Chị Đặng Thái Minh: Tôi cảm thấy rất ấn tượng về cuộc trò chuyện với hai hộ dân tại đảo Đá Tây A. Tôi nhớ rõ hôm đó, từ hội trường, tôi nhìn thấy có một cô bé đang chơi một mình trước trường tiểu học. Tôi xuống hỏi thăm và bé đã dẫn tôi vào nhà của bé chơi.

Hành trình đáng nhớ của kiều bào Nhật Bản đến quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I - ảnh 2
Chị Đặng Thái Minh và gia đình hộ dân trên đảo Đá Tây A.

Bố mẹ của bé là một cặp vợ chồng rất trẻ, chỉ khoảng 24 tuổi, cho biết họ rất tự hào và vinh dự được chọn là một trong những hộ dân sinh sống ở quần đảo Trường Sa. Khi được hỏi gia đình có gặp khó khăn, thiếu thốn gì không, họ cho biết nguồn điện của họ được cung cấp bởi hệ thống năng lượng mặt trời nhưng pin năng lượng này không dự trữ được lâu. Khi nào mất điện, chỉ đủ sử dụng tối đa 7-8 giờ.

Tôi rất muốn chia sẻ câu chuyện này với kiều bào Nhật Bản yêu nước khi trở về Nhật Bản để những người yêu nước và quan tâm đến chủ quyền của đất nước có thể cùng nhau góp sức xây dựng một hệ thống năng lượng mặt trời hiện đại hơn, giúp giải quyết vấn đề thiếu điện cho các cư dân và chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.

Hành trình đáng nhớ của kiều bào Nhật Bản đến quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I - ảnh 3
Cùng các chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông.

Ngoài ra, trước khi đi Trường Sa, tôi đã liên lạc với một công ty của Nhật. Họ có sản xuất máy lọc nước từ không khí, tận dụng độ ẩm trong không khí để sản xuất, xử lý nước. Điều này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu so với các phương pháp truyền thống. Tôi hy vọng những cải tiến này sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho cư dân và chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.

Chuyến đi này đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và tôi mong muốn chia sẻ trải nghiệm quý báu này với cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản để mọi người cùng nhau đón nhận và có được những trải nghiệm quý báu đó.

Phóng viên: Qua chuyến đi này, chị cảm nhận thế nào về nhận thức và tinh thần trách nhiệm của bản thân cũng như của những người Việt Nam đang ở nước ngoài trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Việt Nam?

Chị Đặng Thái Minh: Nếu không có cơ hội đi Trường Sa, ý thức của tôi về bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước sẽ rất mờ nhạt. Ví dụ, khi được hỏi về số lượng đảo của Việt Nam, tôi chỉ biết đến những đảo, như: Cô Tô ở Quảng Ninh, Bạch Long Vĩ ở Hải Phòng, hay đảo Phú Quốc, một hòn đảo nổi tiếng về du lịch ở Kiên Giang. Còn về Trường Sa, tôi chỉ nghe đài báo nói chứ chưa từng đặt chân tới.

Hành trình đáng nhớ của kiều bào Nhật Bản đến quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I - ảnh 4
Chị Đặng Thái Minh cùng các kiều bào Nhật Bản chụp ảnh với lãnh đạo đoàn công tác số 11 năm 2024 thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I.

Khi tôi có dịp đến Trường Sa, tôi mới nhận ra đây là một hòn đảo thiêng liêng. Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân Việt Nam cần được nâng cao ý thức hơn nữa, đặc biệt là đối với những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài.
Phóng viên: Qua hải trình lần này, chị thấy kiều bào ở các quốc gia trên thế giới có những kế hoạch gì trong việc kết nối những tấm lòng người Việt hướng về biển đảo quê hương?

Chị Đặng Thái Minh: Trong chuyến đi này, tôi đã có cơ hội gặp gỡ nhiều kiều bào từ các quốc gia khác nhau, như: Đức, Ba Lan, Bỉ, Malaysia, Singapore... Mỗi khi gặp gỡ, chúng tôi chia sẻ về hoạt động của cộng đồng người Việt ở từng quốc gia. Sau khi trở về đất liền, chúng tôi cố gắng sẽ tiếp tục duy trì, kết nối với tất cả những kiều bào đã tham gia chuyến đi Trường Sa này. Nếu có cơ hội, chúng tôi mong muốn tiếp tục cùng nhau tham gia các chuyến đi tiếp theo đến Trường Sa.

Hành trình đáng nhớ của kiều bào Nhật Bản đến quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I - ảnh 5
Đối với chị Đặng Thái Minh và nhiều thành viên trong đoàn công tác, đây là một hải trình đáng nhớ.

Có một kiều bào đã ba lần đi Trường Sa chia sẻ với tôi rằng mỗi hành trình là đi đến nhiều hòn đảo hoặc nhà giàn khác nhau. Lần này đi nhà giàn DK-I/14, có thể chuyến tới sẽ đi nhà giàn khác. Nếu có cơ hội, tôi mong sẽ được đi một nhà giàn khác nữa. Hiện tại, đã có Ban Liên lạc người Việt châu Âu vì biển đảo Việt Nam. Tôi mong muốn các kiều bào ở các nước châu Á sẽ tụ họp đông đảo trong một Ban Liên lạc người Việt châu Á – Thái Bình Dương vì biển đảo Việt Nam. Điều này giúp mọi người gần gũi và chia sẻ nhiều hơn về các hoạt động liên quan đến biển đảo. Khi trở về đất liền, tôi sẽ kêu gọi và khuyến khích mọi người thực hiện điều này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn chị với những chia sẻ về chuyến đi và những kỷ niệm khó quên của chị.

Theo Lan Phương
VOV
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com