Toggle navigation
Hành động đẹp của người Việt sau động đất hủy diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ
08/02/2023 | 03:11 GMT+7
Chia sẻ :
Chia sẻ với Zing, cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang gác lại công việc và cuộc sống riêng để tích cực hỗ trợ nạn nhân ở những vùng bị động đất.

Chiều 7/2, anh Dương Nam Phương sống ở Istanbul cùng một số người khác gác lại hết công việc và cuộc sống riêng tư, đánh chuyến xe đầu tiên ra điểm tập kết hàng cứu trợ ở ngay sân bay Istanbul.

“Hoạt động quyên góp cứu trợ do mấy anh em trên nhóm Cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện”, anh Phương nói với Zing sau khi đi gửi hàng cứu trợ về.

“Các cơ quan chính phủ tổ chức cứu trợ khá tốt, họ có nhiều điểm tập kết. Hàng cứu trợ sau đó được mang đến đây, chất lên các xe lớn. Khi nào đầy xe, họ sẽ cho vận chuyển đến khu vực gặp nạn”, anh Phương cho biết thêm.

Riêng ngày 7/2, anh Phương đã gửi 4 thùng carton nặng khoảng 80-100 kg, tương đương 700 bộ quần áo mỏng.

Cùng tham gia với anh Phương, anh Bùi Xuân Mai (36 tuổi) - Trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - chia sẻ bản thân có tình cảm sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ sau thời gian dài sống tại đây, nên không thể đứng ngoài khi đất nước này gặp khó khăn.

“Thấy người dân khó khăn thế, tôi rất muốn giúp. Dù chỉ là phần nhỏ, tôi cũng thấy nên đóng góp chung với mọi người”, anh nói.

“Cộng đồng người Việt ở đây khá nhỏ, một phần lập gia đình, kết hôn với người Thổ Nhĩ Kỳ và sống rải rác ở các thành phố nên tình cảm gia đình hòa với tình cảm đất nước”, anh giải thích thêm.

Tính đến ngày 8/2, ít nhất 8.364 người thiệt mạng do trận động đất hủy diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Adelheid Marschang, quan chức cấp cao WHO, ước tính khoảng 23 triệu người, bao gồm 1,4 triệu trẻ em, có thể bị ảnh hưởng do trận động đất.

Công tác cứu hộ gặp nhiều thử thách khi quy mô thiệt hại lớn và thời tiết lạnh giá, đe dọa đến những người sống sót đang bị mắc kẹt.

Trong bối cảnh đó, anh Phương hay anh Mai là 2 trong số nhiều người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ đang tất bật trong những ngày gần đây kêu gọi, thực hiện, hoặc đóng góp hỗ trợ cho hàng chục nghìn người dân ở những khu vực gặp nạn.

“Những nạn nhân không chết vì động đất thì cũng chết vì cóng khi đang chờ được giải cứu. Tôi cũng chẳng có gì bằng tấm lòng. Từ hôm qua (6/2) tới giờ, tôi không làm được gì, chỉ nỗ lực chia sẻ thông tin hữu ích để mọi người cùng chung tay giúp đỡ”, chị Hồng Mến - sinh sống 12 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ - trầm ngâm.

nguoi viet tho nhi ky anh 1
Nhóm của anh Phương tại điểm tập kết quyên góp đồ hỗ trợ nạn nhân động đất. Ảnh: NVCC.

“Của ít lòng nhiều"

Hôm 7/2, anh Phương, quản trị viên trang Cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu đăng bài trên nhóm vận động thành viên quyên góp hàng hóa cứu trợ. “Tôi mới đăng bài kêu gọi trong hôm nay và đã có khoảng hơn 10 anh chị em quyên góp”, anh nói.

Anh cho biết chủ yếu họ nhận quần áo mùa đông, như áo dài tay, quần nỉ bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang trong mùa đông lạnh, tuyết rơi nhiều. Bản thân các anh cũng gom một số thùng, chủ yếu là hàng trẻ con và phụ nữ.

“Ngoài những bộ quần áo anh em quyên góp, quần áo của chúng tôi chủ yếu là đồ đang sản xuất. Còn hàng mẫu, hàng thừa là chúng tôi gom hết vào, cộng thêm đi xin của những xưởng khác nữa. Người ta cho nên mình cứ lấy rồi mang về đóng hàng gửi đi", anh chia sẻ.

Tương tự, anh Mai cũng cho hay công ty có xưởng, có người làm chuyên về may mặc nên các anh lấy những bộ quần áo còn mới, như loại dài tay cho trẻ em, hay quần tất dài dày giữ ấm tốt. “Hy vọng sẽ hữu ích cho các em nhỏ ở dưới đây”, anh nói.

Anh Mai cho biết thêm bởi lần này động đất ảnh hưởng đến 10 tỉnh, trong đó có 3-4 tỉnh rất nặng, nên những thứ như quần áo, vật dụng hàng ngày chắc chắn đang thiếu.

Trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương sẽ nhận đồ thu gom, sau đó phối hợp với bộ phận khẩn cấp, cứu hộ của văn phòng tổng thống để phân bổ cho các tỉnh.

Cơ quan Quản lý Thảm họa và Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cũng thành lập những trung tâm riêng. Tại đây, người dân có thể tới ủng hộ quần áo, hoặc các loại đồ ăn, đồ uống dinh dưỡng.

Từ Ankara, chị Kiều Loan cho biết nhà chị đã ủng hộ vào tài khoản của hội cứu trợ AFAD do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thành lập, cũng như cùng mọi người trong khu phố đang sống quyên góp một số vật phẩm, chẳng hạn áo ấm, chăn ấm.

Chị chia sẻ ở đây, nhiều nhóm, khu phố, công ty tham gia hoạt động này. Chồng chị Loan làm ở công ty phân phối hàng gia dụng cũng quyên góp giấy ăn, xà phòng,... Một số người xung phong làm tình nguyện viên theo chân đội cứu hộ đi tìm kiếm và giúp các nạn nhân.

“Cái này tùy theo khả năng của mỗi người, mỗi nhà”, chị nói. “Tôi nghĩ của ít lòng nhiều, mỗi người chung tay cũng đỡ rất nhiều”.

nguoi viet tho nhi ky anh 2

nguoi viet tho nhi ky anh 3

nguoi viet tho nhi ky anh 4
Quần áo nhóm anh Xuân Mai gom lại gửi tới nơi cứu trợ. Ảnh: NVCC.

Tương tự, chị Hồng Mến cũng quyên góp số tiền bằng một ngày làm việc. Bên cạnh đó, ngay từ hôm 6/2, chị và các con đóng gói đồ và gửi cho điểm tập kết chuyển tới vùng động đất.

“Từ 12h trưa 6/2, tôi đã thấy họ phát động quyên góp đồ và kêu gọi tình nguyện viên đóng gói đồ”, chị kể lại.

Không dừng lại ở đó, chị Mến phát động người quen quyên góp đồ đạc. “Ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều tổ chức. Họ đã gửi rất nhiều đồ, giờ ai cũng chung tay chung chân đi quyên góp và ủng hộ. Thực sự đây là nỗi đau quá lớn”, chị chia sẻ.

Cửa hàng chị Mến ở trung tâm thành phố Bursa nên cả ngày, chị chứng kiến những đoàn xe chở hàng cứu trợ qua lại trên đường phố. Các mặt hàng đang được ưu tiên bao gồm đồ đóng hộp, máy sưởi, chăn, quần áo mùa đông, bỉm, sữa , bột trẻ em, thực phẩm thiết yếu, giày mùa đông.

Trước những hậu quả đau xót của trận động đất thảm khốc chưa từng thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ sau 9 năm sinh sống ở đây, chị Đinh Phương Anh và chồng cũng quyết định tương trợ cho các nạn nhân. Do sinh sống tại Istanbul - khu vực không chịu ảnh hưởng của động đất - nên mọi sinh hoạt ở thành phố vẫn diễn ra bình thường, chị Phương Anh chia sẻ.

“Tuy nhiên, mọi người đều cố gắng hỗ trợ những người gặp nạn bằng việc quyên góp quần áo, chăn mền, thức ăn đóng hộp cùng với một số vật dụng thiết yếu khác”, chị nói.

“Tôi và chồng mình đã cùng nhau hỗ trợ qua một công ty du lịch mà chồng làm cổ đông. Các anh chị em trong công ty quyên góp một số vật phẩm đến địa điểm quyên góp, chẳng hạn quần áo, găng tay,... Đây đều là những vật dụng trong danh sách do chính phủ cung cấp”, chị nói.

Bên cạnh đó, chị chia sẻ chị và công ty của chồng cũng gửi tiền hỗ trợ qua tài khoản của những tổ chức chính phủ.

“Cứ một xe đầy là lập tức di chuyển”

Theo chia sẻ của anh Xuân Mai, hôm 6/2, rất đông chuyên gia, lính cứu hỏa và lực lượng tình nguyện từ các thành phố khác tập trung quá cảnh ở Istanbul.

“Cho đến nay, lực lượng tình nguyện đã lên đến 11.000 người. Từ đêm qua (6/2), mọi người đã tập kết trang thiết bị rồi chờ chuyên cơ đến các vùng cần hỗ trợ”, anh nói.

“Chúng tôi đã gửi hàng hóa viện trợ đến Trung tâm AFAD, nơi tập kết ở sân bay Istanbul. Tại đây, rất nhiều hàng hóa đã được tập kết, chuyển lên xe chuẩn bị đưa đến địa phương”, anh chia sẻ.

“Cứ từng đoàn xe nối nhau. Sân bay gần văn phòng công ty nên tôi chạy ra đó chỉ mất khoảng 10 phút”, anh kể.

Trong khi đó, anh Nam Phương cho hay ở Istanbul, “mỗi quận đều có một vài điểm tập kết”. Từ văn phòng của anh đến điểm tập kết chỉ cách 4 km, đi ôtô mất khoảng 15 phút.

“(Chính quyền địa phương) sử dụng một nhà kho rất lớn, có khoảng 4-5 xe tải chở hàng. Cứ một xe đầy là lập tức di chuyển. Ngoài quần áo còn có thức ăn, đồ uống, lò sưởi đốt củi và tất cả tư trang cần thiết”, anh kể.

nguoi viet tho nhi ky anh 5
Người dân đứng đợi hỗ trợ thực phẩm ở Kahramanmaras hôm 7/2. Ảnh: Reuters.

Theo anh Phương, ngoài các tổ chức, công ty, người dân cũng tự mua đồ và chất lên ôtô vận chuyển. “Ai có gì thì mang đó. Họ đều có sự ủng hộ nhất định”, anh Phương nói và cho biết thêm bản thân không gặp quá nhiều khó khăn, vì có ôtô chờ sẵn, việc đóng gói hàng viện trợ cũng nhanh nên chỉ 4-5 tiếng đã xong.

Về quy trình viện trợ, anh Phương cho biết người dân nhận được lời kêu gọi qua email, điện thoại. “Sau đó, khi đến địa điểm tập kết, tôi đưa giấy chứng minh bản thân đến ủng hộ sẽ được bảo vệ mở cổng cho vào”, anh nói.

Tiếp đó, nhóm anh sẽ báo cáo số hàng mang đến. “Chúng tôi được yêu cầu ghi ở trên thùng đó là hàng gì, quần áo cho trẻ con hay quần áo cho người lớn, có cần phải tách riêng không?”, anh kể lại.

Theo anh, việc ghi rõ tên mặt hàng trên thùng sẽ giúp quá trình phân loại nhanh hơn.

“Nhân viên muốn rõ hàng trong thùng là gì để khi đưa xuống khu vực không cần mở thùng ra tìm”, anh cho biết.

Cuối cùng, nhân viên sẽ cho ký vào biên bản, bao gồm những thông tin như: Tên là gì? Đến từ đâu? Đây là hàng gì?. “Mục đích của việc này một phần là tránh tình trạng hàng trái phép”, anh nói.

Ngoài ra, theo nhận định của chị Phương Anh, công tác nhận hỗ trợ được tổ chức rất tốt. “Ngoài việc hỗ trợ tiền, mọi người cũng có thể mang hiện vật đến các địa điểm nhận quyên góp. Những tụ điểm này thì gần như có mặt ở khắp mọi nơi, quận nào tôi cũng thấy có”, chị cho biết.

“Lúc hoạn nạn cái gì cũng quý giá”

Anh Phương nhớ lại khoảnh khắc người Thổ Nhĩ Kỳ xúc động ra sao khi thấy mình đến quyên góp.

“Lúc đó, họ nhìn thấy tôi là người nước ngoài, rồi biết là người Việt Nam nữa, nên rất xúc động. Lúc tôi định về, người ta còn giữ lại chụp ảnh và cảm ơn. Nhưng tôi nói bản thân mình cũng như là người Thổ, là đồng bào, là con người với nhau, nên lúc hoạn nạn cái gì cũng quý giá”, anh kể.

Tình cảm của anh Phương với Thổ Nhĩ Kỳ được nuôi dưỡng qua 14 năm sinh sống tại nước này. “Vợ tôi là người Thổ, còn tôi chuẩn bị lấy quốc tịch Thổ. Cùng với Việt Nam, tôi rất yêu đất nước Thổ”, anh nói.

Do đó, khi Thổ Nhĩ Kỳ có văn hóa tương trợ cho đồng bào lớn như văn hóa Việt Nam, anh cảm thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ văn hóa ấy, đặc biệt khi thảm họa xảy tới.

nguoi viet tho nhi ky anh 6
Người dân tại Diyarbakir trú ẩn sau động đất hôm 7/2. Ảnh: Reuters.

Chị Kiều Loan có suy nghĩ tương tự. Chị nhận thấy người Việt dù ở đâu cũng có tinh thần “tương thân tương ái”, nên ngay sau khi xảy ra thiên tai, mọi người đã vận động kêu gọi nhau cứu trợ và quyên góp.

“Tuy cộng đồng người Việt bên này không đông, chúng tôi cũng góp phần san sẻ một phần khó khăn đến những người bị nạn”, chị nói.

Ngoài ra, chị còn nhận thấy trách nhiệm lớn của cơ quan nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, khi Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ đăng thông báo về đường dây hotline để bà con ở khu vực bị nạn cần hỗ trợ có thể liên lạc.

“Ngoài nỗi đau thể xác, các nạn nhân còn gặp nỗi đau về tinh thần. Nhiều người trong một đêm lạnh giá mà chứng kiến đau đớn, sợ hãi. Khi được cứu sống thì biết mất hết tất cả, không nhà, không người thân. Đặc biệt là trẻ nhỏ, có khi trở thành trẻ mồ côi. Thật sự buồn lắm!”, chị Loan nói thêm.

Do đó, sau chuyến hàng này, anh Phương vẫn tiếp tục tổ chức thu gom đồ quyên góp tiếp, bởi ảnh hưởng của thảm họa lần này sẽ kéo dài, và cần thời gian người dân mới ổn định phần nào cuộc sống. Trong khi đó, công tác cứu hộ còn gặp nhiều trở ngại.

“Hiện nay vẫn có nhiều khu vực đội cứu hộ chưa đến được, chưa thể phủ hết được toàn bộ 10 tỉnh”, anh thông tin.

Theo Đặng Phương Hải Vân
Zingnews
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com