Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo và có mẫu mã đẹp cùng với các chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam đã thu hút rất đông khách ngay từ hai ngày đầu diễn ra Hội chợ Paris 2023. Ban Tổ chức đánh giá cao sự hiện diện của Việt Nam tại mỗi kỳ hội chợ.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng và Phu nhân cùng bà Carine Preterre, Tổng Giám đốc Comexposium, thăm gian hàng thêu tay. (Ảnh: Khải Hoàn)
Diễn ra từ ngày 27/4 đến 8/5, Hội chợ Paris 2023 (Foire de Paris) là hội chợ lớn nhất ở Pháp để giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực cũng như sáng tạo không gian gia đình của Pháp và các nước trên thế giới.
Trên diện tích gần 400 m2, khu Việt Nam có sự hiện diện của 34 doanh nghiệp trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm lụa tơ tằm, áo dài dân tộc, đồ thổ cẩm, trái cây khô và các loại trà.
Các sản phẩm sơn mài thu hút nhiều khách hàng Pháp. (Ảnh: Minh Duy)
Chương trình văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức đã tạo nên một không khí rất sôi động và nhiều màu sắc, lôi cuốn nhiều khách tới tìm hiểu không chỉ các sản phẩm thủ công mà còn cả những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Múa rối Việt Nam góp phần làm nổi bật không gian VIệt Nam tại hội chợ. (Ảnh: Khải Hoàn)
Bà Catherine Anna, một người dân ở Paris, quyết định đến ngay các gian hàng của Việt Nam như những lần hội chợ trước. Bà cho biết: Dịch bệnh rồi tới khủng hoảng kinh tế đã hạn chế rất nhiều ý định mua sắm của gia đình tôi. Dù vậy, khi hội chợ mở cửa, tôi và gia đình tới ngay đây để mua sắm. Tôi rất thích đồ thủ công mỹ nghệ bằng sơn mài của Việt Nam, độc đáo, có nhiều màu sắc và mẫu ngày càng đẹp. Tôi thấy cách giới thiệu của các bạn rất hay, kết hợp thương mại và văn hóa để lan tỏa hình ảnh của đất nước Việt Nam.
Tại cuộc trao đổi với Ban Tổ chức hội chợ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định, Hội chợ Paris là dịp để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận hơn nữa tới khách hàng Pháp hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng trao đổi với bà Carine Preterre, Tổng Giám đốc Comexposium và ông Steven Abajoli, Giám đốc Hội chợ Paris về việc quảng bá sản phẩm Việt Nam. (Ảnh: Khải Hoàn)
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đồng hành cùng Hội chợ Paris trong nhiều năm qua, luôn mong muốn mang tới cho người tiêu dùng Pháp không chỉ những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống có giá trị cao từ chất lượng đến thẩm mỹ, mà còn thông qua đó giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến với nước Pháp.
Bà Carine Preterre, Tổng Giám đốc Comexposium, cơ quan quản lý các hội chợ và triển lãm quốc tế của Pháp, cho biết, Hội chợ Paris không chỉ để giới thiệu đến người dân Pháp giá trị thương mại mà cả giá trị văn hoá của sản phẩm, qua đó có những trải nghiệm về văn hóa như đi du lịch tại chỗ; hy vọng rằng trong những năm tiếp theo, tại Hội chợ Paris sẽ có những hoạt động văn hoá kết hợp của Việt Nam để tạo thêm nhiều trải nghiệm về giá trị văn hóa truyền thống cho khách tham quan.
Nhân dịp này, ông Steven Abajoli, Giám đốc Hội chợ Paris, đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Hội chợ Paris và đã tham gia ngay khi sự kiện được tổ chức lại sau đại dịch Covid-19. Ông cảm ơn sự đồng hành của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của sự kiện thương mại quốc tế này trong nhiều năm qua.
Ông Steven Abajoli nhấn mạnh: “Sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Foire de Paris cũng cho thấy Việt Nam coi trọng sự kiện này và chúng tôi cảm ơn về điều đó. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tỏa sáng tại hội chợ với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và các nét văn hóa dân tộc".
Ông cũng mong muốn Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Pháp và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) sẽ tiếp tục duy trì trao đổi và hợp tác với Comexposium để có thêm những ý tưởng mới và độc đáo, mang đến sự kiện các sản phẩm độc đáo, mang giá trị truyền thống và văn hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng Pháp.
Khu Việt Nam luôn đông khách tới xem các sản phẩm và biểu diễn nghệ thuật. (Ảnh: Khải Hoàn)
Theo ông Vũ Anh Sơn, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp, đây là một trong những hội chợ lâu đời và lớn nhất tại Pháp, do vậy là cơ hội tốt để quảng bá các sản phẩm truyền thống của Việt Nam tới người tiêu dùng Pháp. Việc kết hợp thương mại với quảng bá văn hóa có thể lan tỏa hình ảnh ngay tại hội chợ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nâng cao chất lượng hàng hóa và đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Pháp.
Ban Tổ chức đánh giá cao các hoạt động quảng bá sản phẩm và văn hóa truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: Khải Hoàn)
Sự kiện năm nay dự kiến sẽ có nhiều chương trình ưu đãi tốt và giảm giá lớn ngay tại chỗ. Ngoài ra, du khách có cơ hội tham gia các không gian trải nghiệm thực tế một số quy trình sản xuất thủ công, làm vườn... cùng nhiều hoạt động hấp dẫn. Ban Tổ chức cho biết, trong 12 ngày diễn ra hội chợ, hơn 1.250 gian hàng sẽ thu hút khoảng 400.000 khách tham quan tới Foire de Paris.
Kể từ năm 1929, Hội chợ Paris được biết tới là một trong những sự kiện nổi tiếng nhất ở Pháp. Trong khuôn khổ hội chợ, cuộc thi Lépine được tổ chức nhằm tìm kiếm và trao giải cho những phát minh tốt nhất, đột phá nhất trong năm, trong đó phải kể tới hai loại sản phẩm có giá trị sử dụng cao trong cả cuộc sống hiện đại là bút bi và bàn là hơi nước.
Năm nay, gần 400 phát minh đăng ký tranh giải cuộc thi Lépine tại Hội chợ Paris 2023. Nhân dịp kỷ niệm 119 năm thành lập, hội chợ có nhiều hoạt động và lễ hội đặc sắc. Với chủ đề “Sự phong phú của thế giới”, Khu Quốc tế là nơi để du khách có dịp khám phá sự tài hoa của những người thợ thủ công và nhà sáng tạo đến từ khắp nơi trên thế giới.
Theo KHẢI HOÀN - MINH DUY
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp