Toggle navigation
Giáo sư Đức: Con rồng đang bay lên, không chỉ là một biểu tượng
19/06/2019 | 01:14 GMT+7
Chia sẻ :
“Con rồng đang bay lên, không chỉ là một biểu tượng” đó là câu kết Lời giới thiệu cuốn sách “Lịch sử Việt Nam - từ Vua Hùng đến hiện tại” của GS.TS W. Lulei, xuất bản tại CHLB Đức năm 2018. Từ CHLB Đức, tác giả Hồ Ngọc Thắng đã gửi đến Báo Nhân Dân bài viết đề cập về cuốn sách này, Nhân Dân điện tử xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Bìa cuốn sách “Lịch sử Việt Nam - từ Vua Hùng đến hiện tại”.

Mấy chục năm trước, người nước ngoài biết đến Việt Nam chủ yếu qua các bài báo, cuốn sách có nội dung chủ yếu tập trung vào đề tài chiến tranh. Nhưng hôm nay, trong suy nghĩ của nhiều người, Việt Nam là đất nước với hơn 90 triệu dân đã và đang tiếp tục hành trình trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Giờ đây, hàng triệu người trên thế giới biết Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, không chỉ với khách du lịch mà với cả các nhà đầu tư lớn nhỏ từ nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhu cầu thông tin về Việt Nam trên mọi lĩnh vực của cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại thật sự là rất lớn. Những năm gần đây, trong khu vực sử dụng tiếng Đức, đã có một số cuốn sách viết về Việt Nam được xuất bản. Đáng tiếc trong đó có cuốn viết còn thiếu chính xác hoặc không đầy đủ. Vì thế, việc tháng 9-2018, Nhà xuất bản Regiospectra Verlag ở Berlin xuất bản và phát hành cuốn sách “Lịch sử Việt Nam - từ thời vua Hùng đến hiện tại” (Geschichte Vietnams - Von den Hung-Königen bis zur Gegenwart) dày 313 trang, thật sự là một sự kiện quan trọng không chỉ với cộng đồng người Việt ở CHLB Đức mà còn có ý nghĩa thiết thực với giới nghiên cứu khoa học và truyền thông.

GS.TS W. Lulei và các chiến sĩ Việt Nam.

Trong Lời giới thiệu cuốn sách, Nhà xuất bản viết: “Một nghìn năm trước, theo một truyền thuyết của Việt Nam, một con rồng vàng đã bay lên trời khi vua Lý Thái Tổ chọn Hà Nội ngày nay làm thủ đô mới. Nhân dân giải thích điều này là dấu hiệu cho thấy một thời đại tốt đẹp đang đến. Song lịch sử Việt Nam lại tiến triển không hề đơn giản. Vì đất nước này còn phải đấu tranh chống lại sự cai trị của phong kiến Trung Hoa, một số cuộc đấu tranh nội bộ, các cuộc nổi dậy, và thêm nữa là thiên tai, nghèo đói. Lịch sử gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi 80 năm cai trị của chế độ thực dân, rồi hai cuộc chiến tranh kéo dài, đất nước bị chia cắt trong 20 năm để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, đặc biệt trong 30 năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành công nhất ở Đông-Nam Á, với hệ thống chính trị và kinh tế ổn định, văn hóa cao và sáng tạo. Tác giả cuốn sách, người nghiên cứu Việt Nam với tư cách một nhà sử học, làm việc trong lĩnh vực này hơn 50 năm, đã trải nghiệm như một nhân chứng, để dẫn dắt độc giả dựa trên các cơ sở khoa học và đồng thời bằng những bản văn dễ hiểu xuyên suốt 4.000 năm lịch sử của một đất nước đã chịu muôn vàn đau thương nhưng luôn tự tin và không ngừng tiến tới. Ngay cả trong hiện tại, con rồng đang bay lên, không chỉ là một biểu tượng”.


GS.TS W. Lulei bên cầu Hiền Lương (Quảng Trị) năm 1976.

Tác giả cuốn sách “Lịch sử Việt Nam - từ thời vua Hùng đến hiện tại” là GS.TS W. Lulei, trong khu vực sử dụng tiếng Đức, đến nay ông là một trong số tác giả viết nhiều sách nhất về Việt Nam. Ngoài ra, ông có rất nhiều bài viết đăng trên báo, tạp chí xoay quanh chủ đề đất nước và con người Việt Nam. Với tôi, ông không phải là người xa lạ, vì từ năm 1976 tôi đã đọc khá nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu của ông. Trong khuôn khổ các hoạt động do Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin tổ chức, tôi nhiều lần được nghe ông thuyết trình. Với nhiều người Việt Nam, ông là một người bạn luôn được quý trọng. Ông sinh năm 1938, tốt nghiệp đại học chuyên ngành lịch sử, ngôn ngữ Đức và châu Á học. Ông thuộc vào số ít những người nước ngoài đã gắn bó hơn 50 năm với Việt Nam, ngay cả trong các năm tháng chiến tranh. Từ năm 1963, ông đã nhiều lần sang Việt Nam để học tập và làm việc tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học quốc gia Hà Nội), nơi ông đã học bổ túc chuyên ngành Việt Nam học. Sau đó, ông trở thành người sáng lập và nhiều năm là Chủ nhiệm bộ môn Việt Nam học của Trường Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin.

Trao đổi về cuốn sách mới xuất bản, ông đã cho biết chi tiết rất thú vị, đó là ông đã hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông kể rằng, năm 1965 khi đang hoàn thành một công trình nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã nhiều lần tham gia các cuộc mít-tinh chống chiến tranh phá hoại của của đế quốc Mỹ. Vì thế ông được mời tham gia một cuộc phỏng vấn. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có mặt tại cuộc phỏng vấn này. Ông kể, cuộc nói chuyện với Người tuy ngắn nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim ông. Sau đó ông được bố trí để gặp lại Người lần thứ hai. Sau khi đề cập về tình hình Việt Nam lúc đó, Bác Hồ kể cho ông nghe về lần Người lưu lại Berlin 40 năm trước, về phần mình ông trình bày lý do tại sao ông lại muốn học tiếng Việt. Từ năm 1996, thay mặt cho Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin, ông thường xuyên sang Việt Nam nghiên cứu, học tập, thỉnh giảng tại một số trường đại học. Từ năm 1992 với tư cách thành viên Hội đồng quản trị Hiệp hội Đức - Việt và theo lời mời của một số tổ chức, ông tham gia hội nghị, thảo luận và tư vấn trong việc thiết kế hợp tác Đức - Việt. Ông và vợ đã nhiều lần đến Việt Nam du lịch, lần gần đây nhất là năm 2017, để thăm mọi miền của đất nước mà ông dành nhiều tình cảm.



GS.TS W. Lulei tại buổi ra mắt cuốn sách tại CHLB Đức.

Hiện nay, ông vẫn quan tâm đến tình hình Việt Nam. Về Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ông viết trong cuốn sách vừa được xuất bản: “30 năm sau khi bắt đầu chính sách đổi mới, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực. Đổi mới đã đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, luôn bền vững về chính trị và kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế hằng năm thường xuyên vượt qua mức 6%, nhiều nhà máy mới ra đời, xuất khẩu thường xuyên tăng trưởng. Mức sống tăng trưởng rõ rệt, thu nhập trung bình hằng năm theo đầu người đã vượt mức 1.000 USD. Số người nghèo giảm xuống mức dưới 10%” (trang 293). Ông viết tiếp: “Trên trường quốc tế, Việt Nam có uy tín lớn. Nhiều quốc gia, trong đó có CHLB Đức đã ký kết Hiệp định đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Mỹ, LB Nga, EU đã được ký kết. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)... Tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội) tiến hành tháng 1-2016, các tiến bộ lớn đã được nhấn mạnh, đồng thời Đại hội cũng đánh giá một cách nghiêm khắc, thẳng thắn về các mục tiêu không đạt được, từ đó xác định một trong các nhiệm vụ cấp bách là cần nhanh chóng khắc phục cơ cấu kinh tế lạc hậu, phát triển công nghệ hiện đại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập một cách bền vững vào nền kinh tế thế giới, đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, nhanh chóng xúc tiến việc đổi mới mọi mặt của cả xã hội…

Trong chính sách đối ngoại, Đại hội xác định, Việt Nam cần phải thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó chỉ ra một cách tự tin rằng, cần phải bảo đảm sự độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng Cộng sản và đường lối của Đảng là hết sức to lớn” (trang 294). “Nhiều hy vọng được đặt trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Người ta chờ đợi những ảnh hưởng tích cực của một sự phát triển bền vững của nền kinh tế, cơ hội xuất khẩu cao hơn, và đầu tư nước ngoài tăng lên, có nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập. Người Việt Nam hoàn toàn ý thức được rằng, trong các hiệp định này tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ tăng cao, và các xí nghiệp của Việt Nam nhất thiết phải nâng cao khả năng cạnh tranh, phải linh hoạt và chuyên nghiệp hơn. Việt Nam muốn trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Những người mang trọng trách của đất nước đều biết và hiểu điều đó, để làm được việc này, họ xác định phải giải quyết được những vấn đề cơ bản, thí dụ như tái cơ cấu các xí nghiệp nhà nước, hiện đại hóa các khu vực ngân hàng và tài chính, mở rộng cơ sở hạ tầng, xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả và cấu trúc nhà nước pháp quyền, khai thác các nguồn năng lượng theo các giải pháp khác nhau, đấu tranh chống hiện tượng quan liêu, tham nhũng, và chủ nghĩa gia đình trị. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam khẳng định những yếu tố này cản trở sự tiến bộ của đất nước; đồng thời khẳng định một vấn đề có giá trị quan trọng trên thực tế là cần phải thực thi dân chủ và nhân quyền... Con đường phát triển của Việt Nam được thế giới theo dõi với sự quan tâm đặc biệt. Thành tích đạt được là ấn tượng và được công nhận. Như vậy trong 30 năm gần đây, Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu, nhưng còn nhiều việc phải làm, nếu Việt Nam muốn trở thành một nước công nghiệp hiện đại, dân chủ…” - (trang 295).



GS.TS W. Lulei cùng GS Phan Huy Lê tại Cổ Loa (Hà Nội).

Theo tôi, thành công lớn nhất của cuốn sách này là tuy viết súc tích nhưng cũng đủ để giới thiệu sự phát triển của xã hội và nhà nước của bao thế hệ người Việt trong hàng nghìn năm qua. Tư liệu trích dẫn bảo đảm sự chuẩn xác và phong cách viết dễ hiểu giúp những người không phải là nhà nghiên cứu có thể nắm bắt thấu đáo vấn đề. Chính vì thành công đó, cuốn sách đã được các thư viện uy tín ở Đức tiếp nhận làm tư liệu nghiên cứu của mình, thí dụ: Thư viện quốc gia Berlin và Sở hữu văn hóa Phổ, Thư viện Trường Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin ở Berlin, Đại học Tổng hợp và Tiểu bang Sachsen-Anhalt, Thư viện các trường đại học tổng hợp tại Braunschwei, Frankfurt/Main, Osnabrück…

Theo HỒ NGỌC THẮNG - CHLB Đức
Nhân Dân
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com