Chị Nguyễn Thị Diễm, 42 tuổi, quê Hà Nội, sang Bhutan và gắn bó với đất nước này từ hơn chục năm trước. Ở đây chỉ có vài người Việt, đa phần sống ở các thành phố, riêng chị thích cuộc sống bình yên cùng gia đình chồng ở ngôi làng du mục trên thảo nguyên Sakteng, quận Trashigang, miền đông Bhutan.
Tết cổ truyền Losar thường trùng với Tết Nguyên Đán của Việt Nam nhưng người Bhutan không cúng giao thừa, không có tục lệ xông đất hay mừng tuổi năm mới. Trong ngày 30 Tết, họ chuẩn bị cho lễ Puja Losar vào sáng mùng 1, gồm torma, bánh khabzey, nấu thukpa (cháo)...
Bắn cung là truyền thống của người Bhutan. Ảnh: Diem Loving Heart Nguyen.
Cái Tết Losar đầu tiên, theo thói quen của người Việt, chị Diễm bày một mâm lễ thịnh soạn chuẩn bị cúng giao thừa thì được một người Bhutan giải thích: "Nửa đêm là thời điểm hoạt động của những 'chúng sinh đem lại sự bất thường', nếu đem những thức ăn ngon mắt ra ngoài cúng sẽ khiến họ bám theo vào nhà. Mọi nghi lễ nên thực hiện vào sáng mùng 1".
Sáng đầu tiên của năm mới, các thành viên trong gia đình thức dậy sớm, uống trà sữa nóng với bỏng gạo rang như thường ngày, rồi bắt đầu làm lễ Puja. "Người Bhutan đi chơi Tết chứ không ăn Tết. Cả nhà thường đi dã ngoại hay hành hương đến các thánh địa. Dịp này, các bãi bắn cung hấp dẫn nam giới mọi lứa tuổi. Người dân cùng nhau liên hoan tiệc tùng ngoài trời", chị Diễm kể.
Trước khi đến Bhutan, chị Diễm đã thực hành lối sống Phật pháp nên dễ dàng thích nghi. Cô gái Hà Nội thậm chí còn hào hứng với trà sữa, trà bơ và món Emadhatshi cay xé lưỡi - được xem là "quốc hồn quốc tuý" của Bhutan - chỉ nấu bằng phômai và ớt.
Người phụ nữ 42 tuổi đã ăn bốn cái Tết ở Bhutan. Điều chị ấn tượng nhất là vào tháng Tết có chỉ thị từ nhà vua, giáo hội, thủ tướng yêu cầu đóng cửa tất cả cửa hàng thịt để "tích lũy thiện lành" cho cả năm. Điều này không gây khó khăn gì cho người Bhutan cả, bởi đa phần họ ăn rau, ớt, phô mai, trứng gà công nghiệp.
Tại làng Sakteng của chị, người dân sinh sống bằng nghề chăn thả trâu yak và bò đen Tây Tạng để lấy sữa, làm bơ, phômai và làm len dạ, chứ không bao giờ giết mổ. Khi trâu bò già tự chết thì mới lấy thịt sau khi đã để qua một ngày đêm và thực hiện một số nghi lễ truyền thống. "Có thể đến Bhutan bạn nhìn thấy người ta ăn cơm rau đạm bạc, thậm chí một số người mặc quần áo lôi thôi, các cụ già nhăn nheo, lũ trẻ con hai má nẻ lem luốc... nhưng kỳ thực trong lòng người ta an lạc không thiếu thốn gì", chị Diễm chia sẻ.
Năm nay, do Covid-19 gia đình chị sẽ đón Tết tại Đà Lạt. Hôm 29 Tết, chị đi phóng sinh rồi ra chợ mua cặp bánh chưng, bánh tét, ghé siêu thị mua thêm túi bột mỳ, baking soda để làm bánh khabzey. Một người họ hàng đã tặng hoa bày bàn thờ, một người bạn tặng trái cây. Trước nhà, những cây anh đào đang đồng loạt bung nở nên chị không mua cành đào nữa.
Tết Bhutan trùng Tết Việt, gia đình chị Diễm chuẩn bị đồ cúng có cả bánh Chưng, bánh Tét và bánh Khabzey (tương tự quẩy). Ảnh: Diem Loving Heart Nguyên.
Theo tinh thần nhà Phật, gia đình chị Diễm có gì dùng nấy, hoan hỉ với những gì mình đang có. Họ không cầu kỳ về đồ ăn, đồ mặc. Bàn thờ thậm chí chỉ cúng nước, hương, hoa và nến. "Tết là thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ, làm những điều mình thích và đặc biệt làm những việc thiện", chị chia sẻ. Chị đã chuẩn bị hơn chục suất quà gồm một yến gạo và chút tiền mặt tặng những gia đình khó khăn trên địa bàn. Vì dịch mà gia đình cũng hoãn mọi chuyến đi lễ chùa.
Sống ở Đà Lạt mát mẻ và bình yên khá giống Bhutan, nhưng nỗi nhớ thảo nguyên vẫn luôn thổn thức trong lòng chị Diễm. Bản làng Sakteng nằm chót vót trên dãy Himalaya. Tháng 5 tuyết tan, chị từng được theo chân Apa (bố) và em trai chăn thả gia súc trên thảo nguyên bất tận một màu xanh mướt ở độ cao hơn 4.000 m. Tháng 10 tuyết xuống, gia đình chị lại lùa gia súc xuống thảo nguyên thấp 2.500 m, nơi có sẵn những rừng cây lá ngon cho trâu bò ăn trong nửa năm mùa tuyết.
Gia đình chị Diễm sống tại Đà Lạt mỗi khi về Việt Nam. Trong ảnh các thành viên trong gia đình chị "ra quân" dọn dẹp công viên đồi thông trước nhà. Ảnh: Diem Loving Heart Nguyen.
Chiều 27 Tết, trên quả đồi công viên Ngô Quyền, cả gia đình chị đi thu gom rác và treo những tấm biển: "Rác hãy ném vào Thùng/ Còn Anh ném vô Em"; "Đừng vứt rác lung tung, để cho đồi sạch đẹp"; "Xin đừng chặt em/ Để em được sống/ Đủ lá đủ cành/ Và để yêu anh"...
"Vài ngày trước, đi công tác về tôi thấy đồi thông trước nhà bị những người cắm trại chặt cây, bẻ cành nham nhở. Tôi và các thành viên trong gia đình rất đau lòng nên quyết định đặt những tấm biển như trên, đồng thời xin củi từ các xưởng cưa dưới núi đem lên để người đến cắm trại dùng miễn phí", chị Diễm giải thích.
Tại quê hương thứ hai của chị, ở Bhutan, những tấm biển không chỉ là mệnh lệnh mà còn được viết theo văn phong dí dỏm, ví dụ như biển giao thông: "Bíp bíp, don't sleep", "Nếu bạn đã kết hôn thì hãy ly dị với cồn" hoặc các biển về môi trường "Hãy giữ gìn môi trường trong sạch như tâm của bạn"; "Nếu bạn là một Phật tử thì đừng tổn hại bất cứ một ngọn cỏ nào".
"Sau một buổi sáng thì chúng tôi dọn xong quả đồi. Ai cũng vui vì đã làm được một việc công ích đầu tiên cho năm mới", người phụ nữ 42 tuổi, chia sẻ, "Tôi rất mong hết dịch để về Bhutan. Và sau này, khi bọn trẻ trưởng thành, tôi sẽ về Sakteng sống nốt cuộc đời này".
Phan Dương - Vnexpress
Ảnh: Facebook Diem Loving Heart Nguyen