Tối 11.12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm hỏi cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hà Lan.
Trong không gian nhỏ và ấm cúng, Thủ tướng và bà con càng trở nên gần gũi, thân tình, với nhiều chia sẻ ý nghĩa và thiết thực.
Đại sứ Phạm Việt Anh cho biết Hà Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, nhân dân và chính phủ Hà Lan có nhiều thiện cảm với đất nước, con người Việt Nam. Hà Lan luôn coi trọng quan hệ với khu vực châu Á. Với Việt Nam, Hà Lan hết sức quan tâm coi trọng và dành nhiều ưu tiên hợp tác.
Đại sứ chia sẻ những dấu ấn của người Việt tại Hà Lan và sự gắn kết của cộng đồng người Việt nơi đây. Đại sứ tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước.
Chính tình yêu nguồn cội đã tiếp sức cho cộng đồng người Việt
Chia sẻ trong buổi gặp gỡ, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Bích Ngọc cũng chia sẻ Việt Nam và Hà Lan dù xa cách về địa lý nhưng từ lâu Hà Lan đã có sự ủng hộ với Việt Nam. Bà kể lại câu chuyện 25 năm trước bà trở thành người Việt Nam đầu tiên làm việc tại trường đại học của mình ở Hà Lan, bà đã được người Hà Lan chào đón, chia sẻ. Đại diện Hội người Việt khẳng định 25.000 bà con kiều bào ở Hà Lan cần cù, chịu khó, làm việc đúng pháp luật. Cộng đồng người Việt ở Hà Lan cũng thường xuyên giúp đỡ đồng bào, nhất là trong đại dịch Covid-19, thường xuyên quyên góp xây cầu đường, giúp đỡ trẻ em khó khăn ở Việt Nam. Đặc biệt, các lớp tiếng Việt được giảng dạy ở Hà Lan là hoạt động rất ý nghĩa và truyền cảm hứng. "Chính tình yêu cội nguồn ấy đã giúp cộng đồng người Việt ở Hà Lan đóng góp cho sự phát triển quan hệ hai nước. Cá nhân tôi cũng truyền cảm hứng về tình yêu quê hương mình cho chồng người Hà Lan với 2 lần được tặng thưởng vì các thành tựu sự nghiệp phát triển giáo dục và nông nghiệp ở Việt Nam", bà chia sẻ.
Được sứ quán hỗ trợ, Hội người Việt tại Hà Lan ra đời và được tổ chức đại hội lần một vào tháng 10.2022, để cộng đồng người Việt khắp Hà Lan được gắn kết. Hội mới ra đời nên còn nhiều thách thức. Hội hứa với Thủ tướng sẽ hết sức sát cánh cùng sứ quán để đóng góp cho đất nước vì sự phát triển phồn vinh của Việt Nam. Hội kêu gọi người Việt gác bỏ những khác biệt để cùng chung tay vì sự nghiệp phát triển, cống hiến cho đất nước.
Chủ tịch Hội người Việt tại Hà Lan đề đạt 2 nguyện vọng: Thứ nhất là chuyện học tiếng Việt, người Việt ở nước ngoài mong muốn có thêm những chương trình nhiều hình thức và nội dung lồng ghép để tiện học bất cứ khi nào và nơi đâu. Các tạp chí, fanpage đã có nhưng Việt kiều mong muốn được học hỏi từ đồng bào mình ở khắp nơi trên thế giới, mong chính phủ mở thêm những diễn đàn để kiều bào được chia sẻ. Bà cũng cảm ơn Thủ tướng mang tình cảm và những thông tin nóng hổi về hợp tác hai nước, mong quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp.
Anh Phạm Văn Hiển, đại diện doanh nhân trẻ Việt Nam tại Hà Lan, thành viên hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan: chia sẻ bản thân là du học sinh Việt Nam tại Pháp nhưng chọn Hà Lan để khởi nghiệp. Công ty của anh thành lập 2016, tiên phong về nhập khẩu nông sản Việt Nam vào châu Âu, gây tiếng vang trong ngành xuất khẩu gạo: ST24, ST25, cũng là công ty đầu tiên nhập vải thiều và nhãn của Việt Nam vào châu Âu. Năm 2021, lô vải thiều đầu tiên được cập bến châu Âu, đạt chuẩn. Thành công này mở ra con đường cho trái cây Việt vào châu Âu, tạo thêm niềm tin và tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ Việt Nam. Anh cho biết thường xuyên quảng bá và tìm hiểu sản phẩm Việt Nam, mong muốn ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Anh nhắn gửi và mong muốn sự đồng hành của chính phủ và ban ngành để cùng góp phần vào thành công chung.
Trí thức Việt hiến kế
Anh Phạm Việt Thắng, giảng viên Bệnh viện Đại học Amsterdam, đại diện cho giới tri thức trẻ Việt Nam tại Hà Lan cảm ơn đại sứ đã chủ động liên hệ, động viên cộng đồng trí thức khoa học thành lập hội. Anh đánh giá hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hà Lan chính là điểm tựa cho cộng đồng người Việt ở đây. Anh đặt vấn đề về kỹ năng và cơ hội hợp tác, liên kết trong công việc. "Liệu mình đã tạo điều kiện cho các đồng nghiệp Việt Nam và nước ngoài liên kết với nhau chưa", anh nói. Về quản lý nhà nước, anh kiến nghị xây dựng thêm nhiều cơ hội và chủ động quảng cáo những cơ hội đó cho nhiều người biết hơn nữa.
Việt kiều Lâm Việt Tùng, người có nhiều nghiên cứu về công tác chuyển đổi số bày tỏ Hội người Việt ở Hà Lan rất vui mừng được đón Thủ tướng. Anh hiến kế về việc xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia chung, không phải riêng như hiện tại. Anh khẳng định với kinh nghiệm từ Hà Lan có thể hỗ trợ và đây chắc chắn là bước đi phù hợp.
Bạn Vũ Thoại San, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan vui mừng và vinh dự được gặp Thủ tướng và đoàn công tác đến Hà Lan. San báo cáo với Thủ tướng về tình hình thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hà Lan: khoảng 3.000 ở nhiều bậc đào tạo (đại học và sau đại học với các ngành học nổi trội là truyền thông, nông nghiệp, quản lý cung ứng, IT... Sinh viên Việt Nam ở đây chứng minh được năng lực, sau khi tốt nghiệp về nước hoặc ở lại công tác tại các công ty Hà Lan, đã làm nhiều hoạt động có ý nghĩa và giá trị, cũng luôn hướng về đất nước. "Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được cống hiến cho đất nước, mong muốn có nhiều kênh khuyến khích và chính sách dành cho người tài", bạn đề xuất. San cũng đề nghị nhà nước và sứ quán tiếp tục quan tâm đến cán bộ hội và khen thưởng sinh viên ưu tú, đồng thời đề nghị chính phủ nên có cơ chế để sinh viên có nhiều cơ hội học tập ở Hà Lan và cống hiến cho Việt Nam.
Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp thu
Lắng nghe những chia sẻ của bà con kiều bào, Thủ tướng bày tỏ vui mừng. Thủ tướng điểm lại tình hình đất nước về lịch sử và sự phát triển qua các thời kỳ. Tổng GDP hiện nay khoảng 400 tỉ USD, bình quân đầu người 4.000 USD, chính trị ổn định, làm tốt trật tự xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại liên tục, mở rộng quan hệ vì lợi ích quốc gia mục tiêu hòa bình, ổn định. Với đường lối đối ngoại đã chọn, Việt Nam được tôn trọng. Việt Nam đang chú trọng 3 đột phá chiến lược, phát triển theo xu thế mới mang tính chất thời đại. Tình hình thế giới thay đổi cũng tác động lớn đến Việt Nam. Với nỗ lực chung, các vấn đề vĩ mô cơ bản ổn định: tăng trưởng đến nay 8,83%, lạm phát 3%, việc làm ổn định. 11 tháng vừa qua xuất siêu, thu so với kế hoạch chi vượt 20% so với năm 2021, năng lượng đủ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng với giá phải chăng. Chuỗi cung ứng đang được nỗ lực khắc phục. Đời sống người dân có được tăng lên.
Thủ tướng cũng thông tin về tình hình người Việt ở nước ngoài với khoảng 5,3 triệu người, chăm chỉ làm ăn và luôn hướng về quê hương, đất nước, thu được nhiều thành công, thể hiện bản chất cần cù, học hỏi, khiêm tốn của người Việt. Thủ tướng đánh giá các phát biểu cho thấy sự thành công của người Việt ở đây và sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng, nhất là những lúc khó khăn.
Thủ tướng đề nghị đại sứ quan tâm để thành lập thêm các hội để trao đổi, chia sẻ trong cộng đồng người Việt. Mong bà con tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ, thống nhất. Thủ tướng nhắc lại lời Bác nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Mong muốn nhất là bà con đoàn kết, làm ăn chính đáng, tuân thủ luật pháp. Thế hệ trước giúp đỡ thế hệ sau, sau noi gương thế hệ trước, xây dựng cộng đồng vững mạnh. Đóng góp quan trọng cho quan hệ hữu nghị hai nước.
Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan tốt, bà con cũng có điều kiện tốt hơn. Hà Lan tuy nhỏ nhưng giữ vai trò quan trọng trong hợp tác của Việt Nam. Sắp tới đây, nếu hiệp định bảo hộ đầu tư được thông qua thì sẽ có điều kiện thuận lợi hơn. Gửi gắm kiều bào là cầu nối quan trọng, sinh sống học tập lành mạnh, đúng pháp luật Hà Lan, góp phần làm cho cuộc sống tốt hơn và vị trí của người Việt trong lòng người dân Hà Lan luôn tốt đẹp. Sẽ tiếp tục thúc đẩy để cộng đồng người Việt được sống tốt hơn. Đó cũng là mong muốn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận gắn kết máu thịt của Việt Nam.
Thủ tướng giao các bộ trưởng có liên quan thể hiện trách nhiệm và tình cảm với người Việt ở nước ngoài. Thủ tướng tiếp nhận hiến kế về tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia và giao các bộ nghiên cứu, tiến hành sớm. Thủ tướng cũng khẳng định sẽ thúc đẩy thêm về giáo dục đào tạo (học bổng), hợp tác lao động (tăng số lượng và chất lượng). Đất nước cũng tạo điều kiện để bà con cống hiến. Về vấn đề học tiếng Việt: giao Bộ Ngoại giao thực hiện để hỗ trợ các chương trình trực tuyến về tiếng Việt, dễ học, dễ nhớ, dễ sử dụng. Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao mở thêm diễn đàn cho người Việt trao đổi, thảo luận. Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ cụ thể hóa về thu hút nhân tài hơn nữa.
Một kiều bào có các cơ sở làm móng ở Đức và Hà Lan giơ tay xin phát biểu vào cuối buổi, chia sẻ thực tiễn về nhu cầu người lao động Việt Nam ở các cơ sở này tại châu Âu và kiến nghị chính phủ xem xét các cơ chế để thúc đẩy xuất khẩu lao động, trên nguyên tắc sẽ làm đúng pháp luật và đảm bảo thu nhập cho họ. Thủ tướng hoan nghênh ý kiến xuất phát từ thực tiễn, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, nếu có sẽ tiến hành các bước phù hợp với mục tiêu đảm bảo lợi ích của người dân.
Theo Ngọc Mai
Thanh niên