Đưa tôm cá Việt Nam vào Thụy Sĩ bằng... chữ tín
Tạp chí Schweizer Illustrierte đăng bài và ảnh Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Pascal Couchepin thăm cơ sở sản xuất thịt nguội của Trương Thành Nguyên và Urs Angst tại TP.HCM năm 2002. Ảnh: THỤC MINH
Ông Nguyên cùng gia đình 10 người rời Việt Nam từ năm 17 tuổi và đặt chân lên miền bắc Thụy Sĩ cuối năm 1979. Sau 4 năm học nghề và 2 năm đi làm trong ngành tự động hóa, năm 1987 ông bỏ nghề và “lăn” vào thương trường.
Thụy Sĩ bị “khóa chặt” giữa các nước láng giềng trong cựu lục địa (châu Âu), bốn bề là núi và hồ, không có biển, nghèo tài nguyên thủy sản nên phải mua nguồn thực phẩm này từ bên ngoài và không đánh thuế nhập khẩu. Nhận ra điều này nên ngay khi gia nhập thương trường, ông Nguyên đã sang Thái Lan tìm nguồn thủy sản đưa về Thụy Sĩ. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, ông lập tức quay về và đưa phi lê cá ba sa sang giới thiệu với người dân xứ sở nổi tiếng với chocolate, phô mai và bơ sữa. “Cá ba sa của mình rất đặc biệt, thịt rất chất lượng mà lại không có mùi cá. Người Tây họ không thích cá nặng mùi”, ông Nguyên giải thích lý do chọn cá ba sa.
Bù lỗ để lấy chữ tín
Những ngày đầu thâm nhập thị trường cao cấp của châu Âu, phi lê cá ba sa do các công ty Việt Nam sơ chế được ông Nguyên cho đi “tốc hành” bằng máy bay để giữ nguyên độ tươi ngon.
Một bước ngoặt lớn diễn ra năm 1999. Khi đó, có một nhóm rất đông các thương nhân và bạn bè người Thụy Sĩ sang Việt Nam du lịch. Họ đến để chứng kiến một quốc gia Đông Nam Á trước đây được biết đến chủ yếu vì chiến tranh nay bắt đầu mở cửa với thế giới. Trong số đó, có một người phụ trách mảng cá tươi của chuỗi siêu thị Migros khu vực Zurich. “Tôi biết cậu đó qua một người bạn. Nhân chuyến du lịch đó, tôi rủ cậu ta kết hợp đi xem thử liệu có thể đưa được thủy sản Việt Nam vào Migros không. Tôi dẫn cậu ta đi thăm miền Tây và nhiều nơi khác. Khi trở về, cậu ta nói: Làm thử cá ba sa xem sao!”.
Thế là hằng tuần, ông Nguyên đưa cá lên máy bay gửi qua Migros Zurich. Mỗi chuyến khi đó chỉ 200 - 400 kg, lúc thì bay với Singapore Airlines, khi thì Swiss Air. Không ngờ cá ba sa Việt Nam rất được khách hàng ưa chuộng, lượng bán tăng nhanh, đến mức người phụ trách mảng cá tươi của Migros toàn quốc quyết định “truất quyền” của Migros Zurich để mua hàng và phân phối trên toàn Thụy Sĩ. “Lượng cá cung cấp khi đó lên đến 20 tấn/tuần. Đặc biệt vào dịp lễ Phục sinh, nhu cầu có khi lên đến 30 tấn”, ông Nguyên kể. Ông cho biết thêm mặc dù chi phí vận chuyển cá bằng máy bay rất cao, đắt hơn tiền cá, nhưng “không nhằm nhò gì” với khách hàng Thụy Sĩ.
Ông Trương Thành Nguyên
Tuy đầu ra thuận lợi, nhưng ông Nguyên cũng bạc tóc, mất ngủ nhiều phen, bởi: “Một số người ở Việt Nam có khi làm ăn cũng ẩu. Hợp đồng đã ký rồi, nhưng khi thấy giá lên người ta lại không cung cấp hàng. Nhiều lần không có hàng, tôi phải bỏ tiền ra mua vội với giá cao và vận chuyển cấp tốc để giao hàng đúng hẹn”. Bù lại, “khách hàng cũng ghi nhận điều này, và từ đó mà họ đặt chữ tín ở mình”, ông nói và giải thích thêm: “Giao hàng đúng hẹn là vô cùng quan trọng trong kinh doanh, bởi các chương trình quảng bá sản phẩm, khuyến mãi... thường siêu thị người ta lên kế hoạch trước cả năm. Nếu không có hàng, kế hoạch của họ bị vỡ là không thể chấp nhận được”.
Chữ tín lan sang con tôm
Khi nhận thức về tác động môi trường được nâng cao trên thế giới, các siêu thị và khách hàng Thụy Sĩ đã chấp nhận tiêu thụ phi lê cá ba sa đông lạnh được vận chuyển bằng tàu biển thay cho cá tươi đi máy bay, bởi việc vận chuyển bằng đường hàng không qua hàng chục ngàn cây số phát thải vào thiên nhiên nhiều khí CO2. Vì thế, trong siêu thị Migros ngày nay không có cá ba sa tươi, chỉ có cá đông lạnh do Công ty Trường Vinh của ông Nguyên cung cấp, chủ yếu với quy cách 500 gr, 900 gr, 1,5 kg, hay cá ba sa tẩm bột.
Đến khoảng năm 2003, Migros bắt đầu mua tôm của Việt Nam do Trường Vinh đưa sang. Theo quan sát của người viết, tại 2 siêu thị Migros khá lớn ở thị trấn Vevey, miền đông nam Thụy Sĩ, tôm Việt Nam hiện chiếm khoảng 50 - 60% tổng số mặt hàng tôm đông lạnh. Sản phẩm rất đa dạng, từ tôm luộc chín lột vỏ còn đuôi, tôm sống sạch vỏ đông lạnh, tôm sú nguyên con nuôi trong điều kiện hữu cơ (organic), cho tới tôm lăn bột. Ông Nguyên cho biết những năm gần đây lượng tôm từ Việt Nam vào Migros ngày càng tăng, trong khi tôm từ Ấn Độ, Bangladesh, Ecuador... ngày càng giảm. Toàn bộ sản phẩm cung cấp bởi Trường Vinh được đóng hộp tại Việt Nam.
Tôm sú “organic” của Việt Nam có giá bán 15,95 CHF (407.000 đồng) cho hộp 500 gr
Tiêu chuẩn Thụy Sĩ
Migros là chuỗi siêu thị lớn nhất tại Thụy Sĩ. Tập đoàn Migros với mô hình hợp tác xã là nhà tuyển dụng lớn nhất nước này và nằm trong số 40 nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Không chỉ lớn về quy mô, Migros cũng được biết là chuỗi siêu thị có tiêu chuẩn về môi trường và an toàn thực phẩm khắt khe số 1 Thụy Sĩ.
Ví dụ ở mặt hàng đông lạnh, toàn bộ sản phẩm bán ở Migros đều đạt chứng chỉ bền vững ASC của Tổ chức Aquaculture Stewardship Council đối với thủy sản nuôi và MSC của Tổ chức Marine Stewardship Council đối với thủy sản đánh bắt từ thiên nhiên. Sản phẩm organic, ở Thụy Sĩ gọi là “bio”, mang nhãn Migros BIO được chứng nhận bởi BIO SUISSE của Thụy Sĩ. Migros cũng liên kết bán hàng của chuỗi siêu thị organic Alnatura của Đức. Sản phẩm Alnatura mang nhãn BIO SIEGEL của Đức, chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic Farming Europe của EU. So với mặt bằng chung, BIO SUISSE được biết là tổ chức uy tín với tiêu chuẩn và quy trình giám sát khắt khe nhất châu Âu. Chẳng hạn, sản phẩm được BIO SUISSE chứng nhận không được phép vận chuyển bằng máy bay...
Ông Nguyên cho biết để đảm bảo hàng đưa vào Thụy Sĩ hoàn toàn “sạch” hóa chất, con trai trưởng của ông đã về ở hẳn Việt Nam để kiểm soát chặt chẽ quy trình xét nghiệm từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến cho đến trước khi hàng lên tàu. “Phải làm như vậy mới có thể phát hiện và ngăn chặn sớm, tránh trường hợp hàng tới nơi bị trả về hoặc bị vỡ kế hoạch. Vì vậy mà Migros họ chấp nhận mua hàng của mình với giá cao hơn, thay vì mua trực tiếp từ Việt Nam. Họ đã từng thử mua song song cả hai, nhưng rồi họ chọn mình”, ông nói.
Tại TP.HCM, ông Nguyên cũng có Công ty chế biến thịt nguội Angst - Trường Vinh (liên kết với Công ty Angst chuyên bán lẻ thịt cao cấp tại Zurich). Ông cũng cho biết đang bàn với một công ty ở Long An về khả năng chế biến đóng hộp một số loại trái cây Việt Nam để đưa vào Thụy Sĩ.
Khắt khe từ bao bì, nhãn mác
Bao bì thực phẩm bán tại siêu thị Thụy Sĩ phải đủ 3 ngôn ngữ Đức, Pháp và Ý; có thông tin chi tiết về nguyên liệu và nguồn gốc; có thành phần dinh dưỡng gồm lượng calo, tổng chất béo và chất béo bão hòa, tổng carbonhydrate, lượng đường, chất xơ hòa tan, đạm và muối.
Trên vỏ hộp cá ba sa tẩm bột, khách hàng có thể tìm thấy tên khoa học của loài cá, nơi nuôi cá (Việt Nam), nơi thực hiện công đoạn tẩm bột (Ba Lan), nguyên liệu gồm: cá 80%, dầu hoa cải, bột và tinh bột lúa mì, bột bắp, muối ăn, đường glucose, bột sữa đã tách kem, nước cốt chanh, hương liệu, đạm váng sữa, bột mù tạt, nấm men.
Bao bì còn phải gợi ý các cách chế biến thành món ăn, cách bảo quản và nơi vứt bỏ vỏ hộp (có tái chế được hay không).
Ở Thụy Sĩ có rất nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và người tiêu dùng. Họ thực hiện kiểm tra độc lập và thường xuyên nên ít ai dám “khai láo” trên bao bì. “Dù chỉ thêm một chút muối cũng phải kê khai đầy đủ”, ông Nguyên nói.
Theo Thục Minh
Thanh Niên