Đó là tâm nguyện mà cô Hà Thị Vân Anh - giảng viên tại Khoa ngữ văn, Viện ngôn ngữ, trường Đại học Tổng hợp Kiev mang tên Taras Shevchenko (Ukraine) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Báo TG&VN.
Điều gì đã khiến cô gắn bó với đất nước Ukraine suốt 25 năm qua?
Năm 1993, chồng tôi được cử sang làm việc ở Văn phòng đại diện của công ty Công nghệ mới ở Kiev để giám sát việc thực hiện hợp đồng xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Mơ và Yali. Là phụ nữ theo chồng đến một đất nước xa lạ, ban đầu tôi không thể hình dung mình sẽ sống ở đây như thế nào. Nhưng rồi, những năm tháng tiếp theo đã giúp tôi nguôi ngoai nỗi nhớ người thân, bạn bè và dần dần thích nghi với cuộc sống mới. Tôi quyết tâm đi học và sau 6 năm, tôi đã tốt nghiệp cao học về chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ.
Với tôi, đất nước này thật sự thanh bình, phong cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ và người dân hiền hậu, niềm nở, ân cần mến khách như người Việt. Những cái đó đã cuốn hút tôi ở lại và coi như là quê hương thứ hai.
Cô Hà Thị Vân Anh (thứ 3 từ trái) cùng các Thạc sĩ tiếng Việt khóa đầu tiên.
Được biết, cô chính là người đồng sáng lập Bộ môn tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko, cô có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của quá trình này?
Tôi may mắn được cô bạn Victoria là Tiến sĩ Việt Nam học mời đi dạy ở trường Đại học Phương Đông Kiev. Victoria là một nhà khoa học Ukraine nhưng tâm hồn rất Việt Nam. Trong suốt quá trình 5 năm dạy tiếng Việt cho các bạn sinh viên Ukraine tại Đại học Phương Đông Kiev, tôi rất yêu các học trò của mình và đam mê với công việc giảng dạy tiếng Việt. Tôi mong muốn được mang tiếng Việt đến với người dân Ukraine nhiều hơn nữa và bắt đầu thực hiện mục tiêu đó.
Tôi đã hỏi Victoria xem Viện Ngôn ngữ của trường Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko có muốn mở thêm lớp dạy tiếng Việt không. Và chỉ sau một vài tháng, Viện Ngôn ngữ đã đồng ý và chính thức cho ra mắt bộ môn Tiếng Việt tại đây.
Mở lớp đầu tiên vào 1/9/2012, bộ môn tiếng Việt cũng còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề giáo trình giảng dạy, máy in và học cụ. Bắt đầu từ “con số 0”, chúng tôi đã tự chọn giáo trình và lên chương trình giảng dạy. Hàng năm, tôi cũng về Việt Nam mang giáo trình và một số đồ dùng để phục vụ cho việc giảng dạy thực hành tiếng Việt.
Trong suốt ba năm đầu, chúng tôi cứ âm thầm giảng dạy như vậy. Công việc cũng khá vất vả, vì giáo trình ở Việt Nam mang sang không đủ để đảm bảo cho chương trình dạy ở trường. Tuy nhiên, bộ môn cũng may mắn được Khoa hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Sau này, Khoa còn cung cấp phòng riêng cho bộ môn, tủ sách, máy in... và luôn động viên tinh thần chúng tôi.
Mới đây, Viện Ngôn ngữ của Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko đã tổ chức Lễ tốt nghiệp cho những thạc sĩ tiếng Việt đầu tiên, cảm xúc của cô như thế nào sau khi đào tạo được khóa đầu tiên?
Tôi rất vui, hạnh phúc và tự hào về các học trò yêu quý của mình. Sau 6 năm, cô trò gắn bó bên nhau suốt một chặng đường dài, giờ các em đã là những thạc sĩ trẻ, tự tin với kiến thức mà mình đã lĩnh hội được để mạnh dạn bước vào cuộc sống mới. Các em sẽ là những hạt nhân nòng cốt, tiếp tục đi gieo mầm tiếng Việt trên mảnh đất của mình, góp phần đưa tiếng Việt bay cao, bay xa hơn nữa.
Cô nhận xét gì về các sinh viên Ukraine đang học bộ môn tiếng Việt tại trường?
Với tôi, các em là những sinh viên thật tuyệt vời. Khi lựa chọn đến với bộ môn tiếng Việt là tôi thấy các em ấy đã rất dũng cảm rồi. Bởi vì tiếng Việt còn rất “mới và xa lạ”, học xong các em chưa biết là mình sẽ đi đâu, làm gì nhưng trước mắt các em rất say sưa học tập.
Điều đáng tự hào là các em yêu tiếng Việt, coi tiếng Việt là ngôn ngữ chính sau tiếng mẹ đẻ và hơn hết là các em đã yêu đất nước và con người Việt Nam. Qua việc học, các em đã hiểu được phong tục tập quán và văn hóa của Việt Nam. Ngoài ra, tôi phải công nhận rằng các em sinh viên Ukraine rất thông minh, chịu khó và nắm bắt kiến thức rất nhanh. Bản thân tôi rất ngưỡng mộ các bạn ấy.
Là một giáo viên có nhiều tâm huyết trong việc gieo mầm tiếng Việt ở nước ngoài, cô có nguyện vọng gì muốn chia sẻ?
Tôi mong muốn tiếng Việt ngày càng phát triển và phổ biến với nước bạn hơn nữa. Tuy xa về khoảng cách địa lý, nhưng tâm hồn Việt Nam – Ukraine lại rất đồng điệu với nhau. Hiện nay, tôi vừa viết xong hai quyển giáo trình tiếng Việt dành cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai, sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức ở trường Đại học. Tôi hy vọng, những cuốn giáo trình này không chỉ đến với các bạn sinh viên Ukraine mà sẽ đến được với tất cả những ai yêu thích tiếng Việt, học tiếng Việt và làm cho tiếng Việt ngày càng tỏa sáng hơn nữa.
Theo TRỌNG VŨ
Baoquocte