Sinh viên tình nguyện Việt phối hợp với cảnh sát Saitama xác định những bài đăng có dấu hiệu phạm tội trong các hội nhóm người Việt.
40.000 người Việt sinh sống tại tỉnh Saitama, là cộng đồng ngoại quốc lớn thứ hai tại địa phương, sau người Trung Quốc. Cảnh sát tỉnh này đã phát hiện một số người Việt trao đổi trên mạng xã hội về hoạt động mua bán tài khoản ngân hàng, giao dịch ma túy, giới thiệu việc làm bất hợp pháp.
Các bài đăng như vậy thường sử dụng tiếng lóng, từ viết tắt để tránh bị phát hiện, như dùng "blx" chỉ bằng lái xe, thêm dấu chấm như "mua" thành "m.u.a". Điều đó gây khó khăn cho các điều tra viên, biên dịch viên người Nhật, nên giới chức quyết định tuyển khoảng 20 tình nguyện viên Việt Nam từ các trường Nhật ngữ và trường nghề trong tỉnh, tạo thành nhóm Tình nguyện viên Nước ngoài Hỗ trợ An ninh mạng (FRCV). Đây là lần đầu tiên mô hình như vậy được triển khai ở Nhật Bản.
"Tôi muốn góp phần giảm tình trạng người Việt phạm tội thông qua hoạt động này", V. T. Hien, thành viên FRCV, nói.
Tình nguyện viên FRCV rà soát mạng xã hội hỗ trợ cảnh sát, ngày 5/8. Ảnh: Asahi
Hien và L. T. Na, 19 tuổi, sinh viên trường Nhật ngữ Tokyo Nichigo Gakuin ở Saitama, dành thời gian nghỉ giữa giờ để dùng smartphone rà tìm các từ khóa mà một số người Việt thường dùng để mua bán sổ ngân hàng, thẻ rút tiền trái phép trên mạng xã hội.
"Tôi thấy một bài đăng rồi này", Na giơ smartphone lên thông báo sau khoảng 20 phút tìm kiếm. "Thu mua thẻ rút tiền, sổ ngân hàng từ tất cả nhà băng tại Nhật Bản", phần mô tả bài đăng có đoạn.
Na sau đó gửi đường link cùng bản dịch tiếng Nhật đến cảnh sát tỉnh Saitama. Hôm trước, Hien cũng phát hiện một bài đăng thu mua tài khoản ngân hàng được công ty cấp.
"Thật buồn khi thấy một số người Việt phạm tội. Tôi rất mừng khi có thể giúp đỡ cảnh sát", Hien nói. Ngoài hoạt động trong thời gian nghỉ giữa giờ, hai tình nguyện viên Việt Nam còn tận dụng những phút rảnh rỗi ở nhà để hỗ trợ.
Lễ trao giấy khen cho các tình nguyện viên FRCV hồi tháng 7. Ảnh: Yomiuri
Sau khi nhận thông tin từ tình nguyện viên Việt, cảnh sát Saitama sẽ gửi cảnh cáo bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Nhật đến các tài khoản có dấu hiện phạm pháp, với thông điệp: "Mua bán sổ ngân hàng, thẻ rút tiền ở Nhật Bản là bất hợp pháp".
Tổng cộng, chương trình đã giúp cảnh sát cảnh cáo hơn 100 bài đăng, phần lớn đã bị gỡ xuống. Cảnh sát cũng có thể bắt người đăng bài nếu xác định được danh tính.
"Có những từ lóng mà chỉ người bản ngữ mới có thể phát hiện ra. Chúng tôi rất mong tiếp tục hợp tác với tình nguyện viên Việt Nam để phòng chống các loại hình tội phạm", một sĩ quan cho biết.
Shunichi Nakazawa, lãnh đạo ban hợp tác của trường Nhật ngữ Tokyo Nichigo Gakuin, hoan nghênh sáng kiến. "Sinh viên cũng có thể nâng cao nhận thức về phòng chống tội phạm thông qua hoạt động tình nguyện", ông nói.
Cảnh sát tỉnh Saitama đang cân nhắc mở rộng sáng kiến này sang các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt.
Đức Trung - Vnexpress
Theo Asahi, Mainichi, Yomiuri