Trong số những điểm đến mà học sinh Việt Nam ưa chuộng, Canada và Australia là hai quốc gia có chính sách mở nhất cho việc làm thêm, tiếp sau là Mỹ và các nước châu Âu.
Nhiều du học sinh tại Mỹ làm việc bất hợp pháp
Ở Canada và Australia, học sinh được phép đi làm bán thời gian tối đa 20 giờ/tuần, được hưởng phúc lợi và bảo vệ theo luật lao động. Với mức thu nhập từ các công việc này, du học sinh có thể trang trải được chi phí ăn ở, đi lại. Tuy nhiên, để đóng học phí, câu chuyện lại khác. Các bạn thường phải làm gần 60 giờ/tuần, thậm chí 80 giờ.
Ngoài 20 giờ lao động hợp pháp, nhiều du học sinh làm “chui”, nhận tiền mặt và không được bảo vệ nếu xảy ra sự cố, tranh chấp.
Ở Mỹ, du học sinh chỉ được phép đi làm tại trường (gọi là work study hay on-campus job), thực tập chính khoá (Curriculum Practical Training), thực tập thực tế (Optional Practical Training).
University of Cincinnati có chương trình Co-op, giúp sinh viên làm trong các công ty đối tác của trường để tích lũy kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp. Nghiên cứu sinh được nhận các khoản trợ cấp tài trợ cho thời gian nghiên cứu tại trường (grant).
Ngoài ra, trong một số trường hợp hy hữu, Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS) cho phép du học sinh làm thêm nếu chứng minh được sự khó khăn về tài chính bất khả kháng (nhân thân mất hay thiên tai ở quê nhà), hoặc các bạn làm việc cho một tổ chức quốc tế có chi nhánh tại Mỹ với giấy phép đặc biệt.
Theo thống kê, nhiều sinh viên du học tại Mỹ hiện nay đi làm thêm bất hợp pháp. Điều này đặc biệt phổ biến ở những nơi có đông dân nhập cư và người Á Đông như California, Texas, Florida.
Những người này nhận lương thấp hơn mức cơ bản và không được nhận bất kỳ phúc lợi nào từ chính phủ Mỹ. Mặt khác, họ sẽ bị tước quyền cư trú hợp pháp tại Mỹ nếu bị phát hiện. Vì làm “chui”, người lao động cũng phải đối mặt nhiều rủi ro.
Nguy cơ đằng sau những công việc ‘chui’
Goi, nữ sinh 28 tuổi, đến từ Thái Lan, theo học chương trình tiếng Anh tại thành phố San Francisco, California, Mỹ. Khi ở Thái Lan, cô từng làm ở bộ phận xuất nhập kho của một công ty logistics. Dù tiền học không quá cao, San Francisco là thành phố đắt đỏ nên Goi phải làm thêm để trang trải.
Ban đầu, cô phục vụ tại một nhà hàng Thái ở quận Tenderloin với mức lương 40 USD/một ca 6 tiếng. Sau đó, Goi được nhận làm lễ tân ở một tiệm massage ở gần bến phà Ferry Building, với mức lương 15 USD/giờ. Tuần đầu tiên, quản lý chỉ giao cô hẹn và làm thủ tục check-in cho khách.
Đến tuần thứ hai, cô được yêu cầu “học việc” massage, được nâng lương lên 20 USD/giờ kèm tiền tips. Goi đồng ý theo học một nhân viên massage. Vì không am hiểu văn hoá, ngoại ngữ kém, không hiểu đúng ý khách, Goi bị sàm sỡ. Hoảng sợ, cô chạy vội ra ngoài và bỏ việc.
Hoa, một du học sinh khác, kể cô nhận lời mời làm việc tại nhà hàng Mỹ ở khu tài chính với mức lương 12 USD/giờ và được chủ “đưa rước” tận nơi. Người này còn đề nghị cô đến nhà của ông “ở trọ” với phí thấp hơn tiền thuê hiện tại (800 USD/phòng/tháng).
Bị thuyết phục bởi phong cách lịch thiệp và vẻ ngoài đáng tin cậy, cô đồng ý đến ở và bị người này gạ tình. Hoa phải bỏ việc, chuyển đến thành phố khác sinh sống. Khi được hỏi tại sao không liên lạc với cơ quan chức năng để được bảo vệ, nữ du học sinh chia sẻ cô sợ bị phát hiện việc mình làm thêm trái pháp luật.
Ngoài câu chuyện của Goi, Hoa, nhiều du học sinh còn chứng kiến cảnh ẩu đả, cướp giật ngay tại nơi làm, khiến các bạn bị sốc tâm lý hay liên lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng việc học. Thậm chí, nhiều sinh viên quốc tế nhận kết cục buồn vì “làm chui”.
Việc quá chú trọng làm thêm, không tập trung học tập còn khiến không ít người đuối sức khi bắt đầu những môn chuyên ngành ở năm sau.
Có những lúc sức khoẻ không đảm bảo sau những ngày làm thêm vất vả, sinh viên thậm chí không thể đến lớp. Bỏ học nhiều dẫn đến việc bị cảnh cáo, học lại môn, thậm chí bị đuổi học.
Du học sinh lưu ý gì khi làm thêm?
Theo một số du học sinh, sinh viên quốc tế nên giữ quan niệm đúng đắn về việc học. Khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gay gắt, lợi thế từ kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội hơn sau khi ra trường. Thu nhập từ những công việc này sẽ nhanh chóng “hoàn vốn” mà du học sinh và gia đình đã đầu tư.
Chính vì thế, dành thời gian cho việc học và tìm hiểu chuyên sâu nên là ưu tiên hàng đầu. Du học sinh chỉ nên làm thêm khi đảm bảo được học tập và tuyệt đối không nên làm “chui”.
Hệ thống pháp lý ở những quốc gia phát triển rất phức tạp. Nếu không chú ý, bạn có thể vướng vào rắc rối.
Một trong những điều đầu tiên mà du học sinh nên biết là quyền và nghĩa vụ gắn liền visa của mình, cũng như các giấy tờ hành chính thông dụng như làm chứng minh thư, bằng lái, chuyển đổi chỗ ở hoặc bảo hiểm.
Theo tiến sĩ Anh Lê (Đại học Nebraska – Lincoln), du học sinh ít khi sử dụng những quyền lợi về bảo hiểm, chăm sóc sức khoẻ hơn so với học sinh bản xứ do ngại giao tiếp hoặc không biết các quyền và nghĩa vụ của mình. Ít nhất, các bạn nên đọc qua và hiểu những điều nên làm và nên tránh ở xứ người.
Thực tế cho thấy việc không tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc kỹ trước khi quyết định khiến nhiều du học sinh sai lầm. Hậu quả là họ bị đuổi học, trục xuất hay nhẹ hơn là “tiền mất tật mang”.
Khi du học, ngoài việc tự nghiên cứu tìm hiểu, du học sinh nên tìm các cổng thông tin chính xác hoặc địa chỉ đáng tin cậy để có sự hướng dẫn và hỗ trợ đúng đắn.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo Cộng đồng Hoa Kỳ