Hieu Gray ngồi bên ngoài Do et Riz, một nhà hàng Việt Nam nổi tiếng ở Paris, và nói chuyện với chủ nhà hàng về sự phổ biến của các món ăn Việt Nam tại Pháp.
“Người Pháp ở Paris yêu những món ăn Việt Nam”, chủ nhà hàng nói bằng tiếng Việt. “Họ thật sự yêu thích! Và khi họ tìm hiểu về những món ăn Việt Nam này, họ rất mong muốn được đến Việt Nam”.
Do et Riz là một trong năm điểm dừng trong hành trình khám phá cộng đồng người Việt ở Pháp thông qua ẩm thực của Gray. Hành trình này được cô ghi lại trong một bộ phim tài liệu ngắn do chính cô viết kịch bản và đạo diễn có tên là Quan 13. Trong bộ phim này, cô tập trung vào câu chuyện của những người Việt trong ngành ẩm thực như các đầu bếp và chủ nhà hàng.
Ẩm thực là điểm chung của cộng đồng người Việt
“Ẩm thực chiếm vai trò rất lớn trong cả văn hóa Paris và văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ một trong những cách dễ dàng để thực sự kết nối với một nền văn hóa và hòa nhập vào nó là thông qua ẩm thực”, cô nói với NBC.
Gray cho biết cô hy vọng rằng thông qua bộ phim tài liệu của mình, người xem sẽ nhận ra Paris không chỉ có bánh mì baguette và bánh sừng bò mà còn có nhiều thứ khác. Cô cũng muốn họ thấy rằng Paris có một cộng đồng đa dạng và năng động, trong đó có người Việt Nam.
Hieu Gray trong bộ phim tài liệu Quan 13. Ảnh: Quan 13.
Cô chia sẻ trong phim rằng mặc dù trải nghiệm của mỗi người Việt Nam khác nhau, ẩm thực đã trở thành một cách để các thành viên trong cộng đồng tìm thấy điểm chung. Ở quận 13 của Paris, có sự khác nhau giữa những những thế hệ người Việt tới ở những thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, bất kể họ thuộc tầng lớp xã hội nào hay đến từ vùng nào ở Việt Nam, ẩm thực vẫn là điểm chung của những người Việt trong quận này, cô Gray nói.
Cô cũng nhận thấy rằng người Việt Nam đã sửa đổi tên các món ăn của họ để dễ hiểu hơn với những khách hàng nói tiếng Pháp. Bún bò xào được biết đến với cái tên “bo bun” ở Paris, Gray nói. Tuy nhiên, tên tiếng Việt của món này vẫn được biết đến ở nhiều nơi khác, bao gồm cả Mỹ. Cô Gray cũng nhận ra rằng từ “thịt bò” của người Việt tương tự với từ “boeuf” (nghĩa là thịt bò) trong tiếng Pháp.
Gray từng là một nhà sản xuất cho một số chương trình của đài CNN. Khi làm việc tại đó, cô đã sản xuất và quảng bá cho chương trình về du lịch và ẩm thực của đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain. Gray cho biết cô được truyền cảm hứng để làm ra bộ phim tài liệu vì là một người Mỹ gốc Việt, cô muốn kể những câu chuyện về cộng đồng của mình. Những câu chuyện này vốn không được thể hiện tốt trên truyền thông.
Quận 13
Trong bộ phim Quan 13, Gray bắt đầu hành trình trả lời câu hỏi: “Điều gì làm nên người Việt ở khắp nơi trên thế giới?” Và cô bắt đầu hành trình này ở quận 13 của Paris. Khu vực này có rất nhiều người châu Á và người Việt Nam, bà Gisele Bousquet, một giảng viên tại Đại học bang San Jose, chuyên gia về cộng đồng người Việt ở châu Âu và Mỹ cho biết.
Theo ước tính giữa năm 2017 của Viện Chính sách di cư, có khoảng 128.000 người Việt Nam sống ở Pháp. Và đó là nơi đầu tiên Gray gặp cộng đồng người di cư Việt Nam bên ngoài nước Mỹ. Cô cũng nói rằng trước đây, cô không biết rằng có cộng đồng người Việt ở quận 13 của Paris.
Hành trình tìm về bản sắc người Việt của Hieu Gray trong Quan 13 là thông qua ẩm thực. Ảnh: Quan 13.
Pháp là một trong những điểm đến của người Việt Nam. Quận 13 của Paris trở thành khu vực được nhiều người tái định cư vì ở đây có một khu nhà ở rộng lớn những người di cư có thể ở khi họ đến, bà Bousquet nói. Khu phức này hợp ban đầu được xây dựng để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở và thu hút người mua Pháp vào giữa những năm 1960. Tuy nhiên, người mua không thích kiến trúc hiện đại và các tòa tháp lớn khiến giá bất động sản ở đây giảm. Phần lớn những người tái định cư ở quận 13 là người Việt gốc Hoa, người Campuchia gốc Hoa và người Lào gốc Hoa, bà Bousquet cho biết. “Họ thành lập khu phố Tàu và buôn bán ở đây, mặc dù họ đến từ Đông Nam Á”, bà nói thêm.
Pháp là nơi có cộng đồng người Việt di cư lâu đời nhất. Điều này có liên quan đến việc thực dân Pháp đô hộ Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, bà Bousquet lưu ý. Bà nói rằng người Việt bắt đầu di cư sang Pháp vào đầu những năm 1900, khiến cộng đồng ở đây thích nghi và hòa nhập hơn so với ở Mỹ. Tuy nhiên, không giống như San Jose và Little Saigon ở Mỹ, người Việt sinh sống rải rác hơn ở Pháp, bà Bousquet nói.
Gray cho biết cô đặt tiêu đề cho bộ phim tài liệu của mình là Quan 13 vì quận 13 của Paris là nơi cô bắt đầu hành trình của mình.
Bộ phim dài 15 phút trả lời cho câu hỏi của Gray thông qua một đầu bếp là thế hệ thứ ba sở hữu nhà hàng, một cựu giáo sư đại học trở thành chủ nhà hàng và một nhóm du học sinh. Ngoài ra còn có một đầu bếp nấu được món ở nhiều nền văn hóa và một người dạy nấu ăn.
Tìm về nguồn cội
Gray cho biết cô phỏng vấn các đối tượng ở nhiều lứa tuổi để có quan điểm đa dạng của họ về bản sắc Việt Nam.
Ví dụ như cựu giáo sư mà cô phỏng vấn là một người đàn ông lớn tuổi từng dạy triết học ở Việt Nam và đã sở hữu một nhà hàng ở quận 15 của Paris trong hơn ba thập kỷ. Tuy nhiên, ông dường như vẫn đang phải chật vật với việc phải đến sống ở đây, Gray nói trong bộ phim tài liệu. Cô cũng nhận ra Pháp chỉ là nơi ở của giáo sư và sẽ không bao giờ thực sự trở thành nhà của ông. “Đây là cảm xúc của người Việt ở thế hệ lớn tuổi”, Gray nói.
Qua bộ phim Quan 13, cô mong muốn khám phá bản thân mình. Ảnh: Quan 13.
Trong quá trình quay bộ phim Quan 13, Gray cũng phát hiện ra người Việt ở Pháp đã điều chỉnh món ăn của họ để phù hợp với ngôi nhà mới. Cô đã tận mắt thấy cựu giáo sư làm món bún thịt nướng kinh điển của Việt Nam. Giáo sư đã thay thế bún bằng mì spaghetti vì không thể tìm thấy bún trong các cửa hàng tạp hóa lớn của Pháp.
Đối với Gray, dự án này giống như một con đường để cô tự khám phá bản thân. Gray lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở Georgia và cô hầu như không gặp những người Việt Nam khác.
“Nói cách khác, dự án này khiến tôi càng tự hào hơn về nguồn cội Việt Nam của mình, về sự kiên cường và cách chúng tôi có thể thích nghi với các nền văn hóa khác nhau”, cô nói. “Nó càng khiến tôi cảm thấy giống người Việt nhiều hơn và thật mỉa mai khi tôi phải rời Mỹ và đến Paris để có thể cảm nhận như vậy”.
Theo Như Trần
Zing.vn