Ngày 25/8 (tức rằm tháng bảy âm lịch) tại thành phố giáp biên Vansdorf của Cộng hòa Séc, gần hai trăm bà con Phật tử và những người kính yêu đạo Phật từ Séc, Đức và Ba Lan cùng hoan hỉ tham dự Đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Chùa Thiên Ân và Đại lễ Vu lan báo hiếu 2018.
Được khánh thành vào tháng Giêng năm 2008 tại thành phố Varnsdorf trên nền Niệm Phật đường Thiên Ân, Chùa Thiên Ân là công trình đầy tâm huyết của Đại Đức Thích Thanh Phúc, trụ trì chùa Vọng Cung tỉnh Nam Định lúc bấy giờ, và Phật tử Nam Định tại Cộng hòa Séc dành cho bà con kính yêu đạo Phật tại thành phố và các khu vực phụ cận. Đây cũng là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam tại Cộng hòa Séc được chính phủ nước này công nhận có đầy đủ tư cách pháp nhân để hoạt động tại nước sở tại, mang ánh sang Phật pháp đến cho bà con người Việt tại đây.
Trải qua một thâp kỷ hình thành và phát triển, Chùa Thiên Ân được tu sửa trở nên khang trang, rộng rãi, sạch đẹp hơn, thu hút ngày một nhiều bà con Phật tử không chỉ ở thành phố Varnsdorf và khu vực Bắc Séc, mà còn từ Đức và Ba Lan tới tham dự trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo trong năm. Thượng tọa Thích Thanh Phúc, người đã đứng ra vận động xin giấy phép thành lập, xây dựng chùa và thành lập hội Phật tử địa phương những ngày đầu tiên, cho biết: “Chúng tôi là những hoằng pháp viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam truyền bá Phật pháp tại CH Séc nói riêng và các vùng phụ cận nói chung. Chùa giáp danh biên giới 3 nước Cộng hòa Séc, Đức và Ba Lan nên cũng được đông đảo các Phật tử các nước về tham dự những đại lễ. Hàng ngày chúng tôi vẫn tổ chức khóa lễ thông thường, chủ yếu cho Phật tử địa phương, mang đến cho Phật tử xa quê hương về mặt tinh thần, tâm linh.”
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Hữu Nam, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Trung ương Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đánh giá cao những đóng góp của chùa Thiên Ân trong việc phát triển Phật sự, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con trong khu vực, cũng như giúp bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Còn ông Stanislav Horáček, Thị trưởng thành phố Varnsdorf, ghi nhận nỗ lực hội nhập của bà con người Việt Nam tại thành phố trong thời gian vừa qua, trong đó có đóng góp của các Phật tử, đồng thời cam kết ủng hộ các hoạt động của nhà chùa.
Trao đổi với nhóm phóng viên VOV chúng tôi, Phật tử Vũ Thị Liên, pháp danh Diệu Mai, năm nay 80 tuổi, xúc động khi tâm nguyện có một nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho bà con Phật tử của bà đã trở thành hiện thực. Sau bao vất vả, ngôi chùa cuối cùng đã được xây dựng nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các quí thầy và Phật tử hoạt động tích cực, trong đó có bà. Bà tâm sự: “Mẹ con tôi sang đây chỉ có ước nguyện tâm huyết là làm sao để cho bà con xa quê hương có một ngôi chùa là ngôi nhà chung cho tất cả bà con xa gần để nhớ lại nguồn gốc tổ tiên ông bà rằng mình là người Việt Nam, và cũng để cho con, cho cháu, cho chắt đời đời kiếp kiếp học theo. Hôm nay là ngày Đại lễ Vu lan thì lễ kỷ niệm lại càng có ý nghĩa hơn để tất cả chúng ta phải nhớ: chúng ta người Việt Nam, chúng ta không thể mất gốc.”
Phải biết nguồn cội, báo hiếu tổ tiên ông bà, cha mẹ cũng chính là quan điểm chung của rất nhiều bà con Phật tử sống xa quê hương tham dự buổi lễ. Dù sang định cư tại Cộng hòa Séc được 25 năm, anh Vũ Linh Ngọc, sống tại thành phố Varnsdorf, cho biết cứ hễ đến ngày lễ quan trọng của Phật giáo trong năm, trong đó có lễ Vu Lan, anh đều đưa cả gia đình đến tham dự để hiểu thêm và giáo dục con cháu về giáo lý nhà Phật, về phong tục truyền thống của dân tộc. Anh bầy tỏ: “Hôm nay tại Chùa Thiên Ân, thành phố Vansdorf Cộng hòa Séc có tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu thì tôi cùng bố mẹ, vợ và con tôi đến đây trước hết là dự lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa, sau là muốn cho con tôi sinh ra lớn lên tại Séc luôn hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên, biết phong tục tập quán của ông bà ta.”
Tham dự buổi lễ không chỉ có bà con Phật tử sinh sống tại thành phố Varnsdorf và khu vực lân cận mà còn có cả các Phật tử tới từ Ba Lan và Đức để chia sẻ niềm vui và mong muốn học thêm giáo lý “từ bi hỉ xả” và “chân thiện mỹ” của nhà Phật để cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Phật tử Trần Thị Lê Hiền, pháp danh Giác Hương, chia sẻ mong muốn của mình: “Thầy Thích Thanh Phúc đã gieo duyên cho các Phật tử Ba Lan cách đây cũng 10 năm nên các Phật tử có tình cảm sang đây để cùng thầy là lễ Vu Lan báo hiếu này. Tất cả các Phật tử muốn về đây để cùng dự Đại lễ Vu Lan để cầu cho Phật pháp được phát triển, cho nhiều người biết đến Phật pháp để cho mọi sự sân hận trong con người giảm bớt đi và mọi người sống an lạc lên.”
Buổi lễ diễn ra theo nghi thức Phật giáo, bao gồm cung thỉnh chư tôn đức, dâng hoa cúng dường, niệm Phật cầu gia bị, pháp thoại về đạo hiếu với đấng sinh thành, tụng kinh sám Vu Lan, bông hồng cài áo... Xen kẽ chương trình kéo dài cả ngày là các tiết mục ca múa nhạc về Phật giáo hay ca ngợi công lao dưỡng dục của các đấng sinh thành./.
Theo nhóm PV VOV tại CH Séc
Một số hình ảnh: