Với 70% dân số làm nông nghiệp, Myanmar rất cần công nghệ để phá bỏ các giới hạn xưa cũ. Cơ hội đã đến từ ngành viễn thông, trong đó có một công ty từ Việt Nam với những ứng dụng 4.0 và siêu xa lộ di động.
Câu chuyện trên cao nguyên Mandalay
Cao nguyên Pyin Oo Lwin, thuộc tỉnh Mandalay, là trung tâm sản xuất hoa và rau chính của Myanmar nhờ vị trí địa lý thuận lợi và khí hậu ôn hòa. Sự trù phú của Pyin Oo Lwin là điểm gợi nhớ dễ dàng nhất cho những ai muốn tìm lại hình ảnh giàu có một thời của Myanmar. Binh biến quân sự năm 1962 đã phá hủy Myanmar, trước khi quốc gia này trở lại mãnh mẽ kể từ năm 2016 – khi Mỹ chính thức dỡ bỏ cấm vận kinh tế sau 19 năm.
Thế nhưng, với 70% dân số làm việc trong ngành nông nghiệp, việc tạo ra một sự thay đổi nhanh chóng cũng không hề dễ dàng. Như bà San San Yi – một nông dân muốn thay đổi cuộc sống của mình nhưng loay hoay nhiều năm trời với trang trại trồng hoa rộng 8h của gia đình. Ít kiến thức về công nghệ, bà San San Yi rất khó khăn khi học những công nghệ mới như cách thức lắp đặt và vận hành hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, nhận biết độ màu mỡ của đất để bổ sung phân bón...
Mọi chuyện thay đổi khi bà nhận lời thử nghiệm một ứng dụng trang trại thông minh có tên Nextfarm của Mytel (công ty viễn thông của Viettel tại Myanmar, chuẩn bị cung cấp dịch vụ chính thức ngày 9/6). Đây là ứng dụng quản lý trang trại thông qua các sensor cảm biến chôn dưới đất, giúp người chủ vận hành trang trại có thể biết được các thông số về độ PH, độ mặn, độ ẩm đất, cường độ ánh sáng....
Từ chỗ làm theo kỹ năng từ thời cha ông truyền lại và phó mặc nhiều vào ông trời, giờ đây, bà San San Yi chỉ cần chạm nhẹ màn hình, dù ở bất kỳ đâu bà cũng có thể khởi động hệ thống tưới tiêu và biết được thực trạng cây trồng của mình như thế nào. Hiện trang trại của bà đang thuê từ 10-20 nhân công tùy đợt, nhưng người phụ nữ này tin rằng chi phí thuê nhân công có thể giảm một nửa trong thời gian tới với Nextfarm.
Ở một khu vực khác, Kyaw Shwe, một trong số hàng triệu nông dân ở Myanmar đang được hưởng lợi từ những ứng dụng nông nghiệp trên điện thoại thông minh nói với Nikkei Asian Review rằng sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông trên đất nước Myanmar, nhất là các nhà mạng chất lượng cao, đã giúp ông thoát khỏi sự cô lập về thông tin, cải thiện mùa màng.
Chỉ vài năm trước, dân làng nơi ông Kyaw Shwe sinh sống không biết đến sóng di động, thì nay, những người trẻ tuổi hơn có thể hướng dẫn các thế hệ đi trước như ông biết về công nghệ hiện đại. Họ dần quên đi viễn cảnh được mùa, mất giá, chịu nợ, bán tháo đã ám ảnh hàng thế kỷ qua.
Xa lộ số hóa ở Myanmar
Khi chính phủ Myanmar chấm dứt độc quyền về dịch vụ điện thoại vào năm 2013, người sử dụng điện thoại di động ở nước này từ mức 5% dân số đã tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tháng sau đó. Nhưng giới chức và truyền thông chỉ ra rằng, chỉ khi 90% người dân đã được tiếp cận với di động, trong đó 80% nông dân sử dụng điện thoại thông minh, tương lai kinh tế của Myanmar mới trở nên sáng rõ như ngày nay.
Sự vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông, với công nghệ hiện đại bậc nhất, đã góp phần tạo nên bước chạy đáng kinh ngạc không chỉ gói gọn trong các ngành kinh tế, mà còn trên phạm vi toàn xã hội của Myanmar.
Trong số đó, một cái tên mới xuất hiện – Mytel, đã tạo nên một cuộc cách mạng về hạ tầng băng rộng di động trên toàn quốc (mạng 4G duy nhất phủ sóng toàn quốc, với 30.000 km cáp quang). Bên cạnh đó, chính Mytel cũng là công ty đem đến nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đời sống với nền tảng siêu băng rộng di động của mình, mà Nextfarm là một ví dụ.
Thực tế, Mytel đã chủ động cung cấp đa dạng các dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ giải pháp nhằm góp phần xây dựng một xã hội phát triên thông minh hơn, như giải pháp nông nghiệp thông minh, hệ thống quản lý tín hiệu đèn giao thông smartlight, ví điện tử, thiết bị giám sát hành trình... Công ty liên doanh được thành lập bởi Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel – Việt Nam) với 2 đối tác Myanmar đã xác định cho mình sứ mệnh không chỉ tạo ra một “siêu xa lộ di động” giúp người dân ở đất nước chùa vàng kết nối, mà còn góp phần thúc đẩy việc phát triển các giải pháp tạo ra một xã hội thông minh, với các ứng dụng 4.0.
Tính nhất quán của Mytel về phát triển ứng dụng, từ gần gũi với người nông nhân như Nextfarm, hay phổ biến với các doanh nghiệp như ví điện tử (thanh toán QRCode, Prcode, …), hỗ trợ cho chính phủ (hệ thống quản lý biển số tại Yangon) và các dịch vụ xã hội rộng lớn (truyền dẫn vệ tinh cho các nôi dung số, truyền hình thông qua mạng cáp quang dài 30.000km) đang ngày càng mang lại những trải nghiệm liền mạch, dễ dàng hơn cho mọi người dân Myanmar.
Giờ đây, thế giới đang nhìn vào đất nước chùa vàng vùng Đông Nam Á không phải là nỗi đau của cuộc binh biến những năm 1960, không phải là vùng đất đói nghèo với hai mùa mưa nắng khắc nghiệt, mà là Myanmar – ngôi sao mới trên bản đồ viễn thông và công nghệ thông tin toàn cầu.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế