Cộng đồng người Việt ở St.Petersburg bày tỏ lòng biết ơn các chuyên gia quân sự Liên Xô từng phục vụ ở Việt Nam - những người kề vai sát cánh giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong những thời khắc khó khăn.
Các cựu chiến binh Liên Xô từng phục vụ tại Việt Nam. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Tối 19/12, Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Liên bang Nga, cộng đồng người Việt Nam tại St.Petersburg cùng Quỹ Thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị” phối hợp tổ chức tri ân các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng giúp Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2021).
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, tham dự sự kiện về phía Nga có ông Vyacheslav Kalganov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại chính quyền thành phố St.Petersburg; Đại tá Alexei Skreblyukov, Chủ tịch Chi hội St.Petersburg của Hội liên khu vực cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (MOOVVV) Liên bang Nga cùng nhiều cựu chiến binh Liên Xô từng phục vụ tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam có Đại tá Trần Tiến Phương, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Liên bang Nga, đại diện các sỹ quan Việt Nam và lưu học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại các trường ở St.Petersburg, đại diện cộng đồng người Việt ở St.Petersburg; ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị;” ông Dương Chí Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Golden Age, đơn vị tài trợ tổ chức lễ tri ân lần này.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị,” cho biết ngày 5/8/1964, quân và dân Việt Nam đã đánh thắng trận đầu trước lực lượng không quân, hải quân hiện đại bậc nhất của Mỹ với sự kiện bắn rơi máy bay đầu tiên của Không quân Mỹ trong cuộc tập kích vào các thành phố miền Bắc Việt Nam, khẳng định niềm tin đánh thắng của nhân dân Việt Nam.
Và để kỷ niệm dấu mốc lịch sử này, các chuyên gia quân sự Nga từng công tác tại Việt Nam đã lấy ngày 5/8 để thành lập MOOVVV Liên bang Nga.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng bày tỏ lòng biết ơn các chuyên gia quân sự Liên Xô từng phục vụ ở Việt Nam trong chiến tranh, những người đã kề vai sát cánh cùng quân đội nhân dân Việt Nam, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong những thời khắc chiến tranh khó khăn, có những đóng góp to lớn cho quan hệ Việt-Nga.
Về phần mình, Đại tá Trần Tiến Phương cho biết trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã gặp gỡ các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng phục vụ tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sự giúp đỡ to lớn mà nhân dân Nga anh em, trong đó có các cựu chiến binh Nga, dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Trần Tiến Phương vui mừng thông báo mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng khăng khít và đã phát triển lên những tầm cao mới. Về phía Nga, các cựu chiến binh Liên Xô đã phát biểu ca ngợi tình cảm sắt son, thủy chung của những người bạn Việt Nam, bày tỏ mong muốn tiếp tục thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Anatoly Chernov và con gái Lada Chernova, hai tác giả thiết kế tượng đài Hồ Chí Minh ở St.Petersburg giới thiệu thiết kế chi tiết tượng đài. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Tại lễ tri ân đầy ý nghĩa này, ông Anatoly Chernov và con gái Lada Chernova, hai kiến trúc sư, tác giả thiết kế tượng đài Hồ Chí Minh ở St.Petersburg đã giới thiệu thiết kế chi tiết tượng đài, dự kiến được trình lên Hội đồng thành phố St.Petersburg để phê duyệt vào ngày 22/12 tới.
Theo thiết kế, tượng đài Hồ Chí Minh tại St.Petersburg cao 5,25m, rộng 3m, mô tả hình ảnh Bác đang ngồi, tay cầm sách, chân đi đôi dép cao su. Tượng có phần chân đế cao 1,75m với dòng chữ bằng tiếng Nga: “Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà hoạt động văn hóa lỗi lạc.”
Theo kế hoạch, tượng đài Hồ Chí Minh tại St.Petersburg sẽ được hoàn thành năm 2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác lần đầu đặt chân lên quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại./.
Theo Duy Trinh
TTXVN/Vietnam+