Toggle navigation
Cộng đồng người Việt ở New Orleans, Mỹ: Tan rã hay trưởng thành?
11/05/2018 | 06:33 GMT+7
Chia sẻ :
Ngày 5/5, tờ New York Times đăng tải một bài viết cho rằng, cộng đồng người Việt ở Đông New Orleans - một trong những cộng đồng di dân gắn kết nhất tại Mỹ, đã phân tán hoặc đã trưởng thành, thoát ra khỏi “vỏ bọc” tồn tại hàng chục năm qua.

Cộng đồng người Việt ở New Orleans đang tan rã hay đã thoát ra được "vỏ bọc" để tới các miền đất khác của nước Mỹ?

Giờ đây, nhiều cửa tiệm của người Việt ở New Orleans, cụ thể là ở Village de l’Est, phía đông thành phố này đã đóng cửa. Thế hệ trẻ đang rời Village de l’Est để theo đuổi phong cách sống và sự nghiệp khác với cha mẹ và ông bà của họ.

Nhiều thập kỉ qua, Village de l’Est từng là nhà của hàng nghìn người Mỹ gốc Việt. Khi đó, cộng đồng người Việt nơi đây, cùng với người Việt ở California và Texas là những cộng đồng người nhập cư lớn nhất tại Mỹ.

Theo bà Cyndi Nguyễn, người gốc Việt vừa trở thành nghị viên Mỹ gốc Á đầu tiên của thành phố New Orleans, cộng đồng người Việt đã chuyển mình từ “chiếc kén” đặt cách xa phần còn lại của thành phố thành một quần thể tham gia tích cực về chính trị sau cơn bão Katrina, và biến cố tràn dầu Deepwater Horizon.

Theo bà Cyndi, trong 30 năm đầu, cộng đồng người Việt gắn bó và tồn tại trong một “vỏ bọc” giống như một cái kén, tách biệt với phần còn lại của thành phố bởi rào cản ngôn ngữ, văn hóa và cả bởi vị trí địa lý tách biệt.

Bên trong 1 cửa hàng của người Việt ở New Orleans.

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi vào năm 2005 sau sự tàn phá do cơn bão Katrina gây ra. Khi đó, để khắc phục hậu quả của cơn bão, cộng đồng người Việt buộc phải tự khẳng định về mặt chính trị, bắt đầu với những chiến dịch nhằm buộc thành phố khôi phục các chính sách phúc lợi đối với Village de l’Est và nổi bật hơn là để phản đối việc thành lập một bãi rác gần đó.

Chưa đến 5 năm sau, sự cố tràn dầu Deepwater Horizon đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng người Việt vốn sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và chế biến thủy, hải sản. Khải Nguyễn, 32 tuổi cho hay: “Sau vụ tràn dầu, nhiều người mất việc làm chỉ trong 1 đêm”. Một phần ba cộng đồng bị ảnh hưởng gồm người đánh bắt cá, người nuôi tôm, các chủ nhà hàng, những người mua bán hải sản, những người làm nghề bóc vỏ tôm…

Tình hình trên một lần nữa lại khuấy động thêm một chiến dịch dân sự khác tập trung vào việc tạo ra các cơ hội về kinh tế thay thế cho ngành hải sản đang bị ảnh hưởng.

Bà Cyndi Nguyễn cũng là một phần trong những nỗ lực đó. Trong cuộc bầu cử năm ngoái, bà giành được 1 ghế trong Hội đồng Thành phố New Orleans. Đầu tháng 5, bà tuyên thệ nhậm chức, trở thành nghị viên Mỹ gốc Á đầu tiên của thành phố.

Bà Cyndi Nguyễn, người gốc Việt vừa trở thành nghị viên Mỹ gốc Á đầu tiên của thành phố New Orleans.

Giờ đây, 43 năm sau khi bắt đầu hình thành cộng đồng và gần 13 năm sau cơn bão Katrina năm 2005, cộng đồng Việt Nam trong Village de l'Est đang thay đổi. Nhiều người nghĩ rằng cộng đồng đang tiến gần đến 1 bước ngoặt mới. Một số mối quan hệ mạnh mẽ nhất từng ràng buộc mọi người với nhau ở đây, đặc biệt là ngôn ngữ, đang dần yếu đi trong các thế hệ trẻ. Nhiều người không còn thông thạo tiếng Việt nữa. Họ đang rời Đông New Orleans để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở những nơi khác trên đất Mỹ.

Lang Le, 49 tuổi, người gốc Việt đã định cư ở Đông New Orleans từ năm 1975 cho hay: “Thế hệ của tôi vẫn ở đây. Nhưng các thế hệ trẻ đang di chuyển ra ngoài. Họ sẽ học đại học, lấy bằng và tới Texas, California”.

Anh Hoàng, chủ một cửa hàng tạp phẩm cho hay: “Cách đây không lâu, toàn bộ dãy này tràn ngập cửa hàng của người Việt, nhưng giờ nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Lý giải về sự phân tán của người Việt nơi đây, ông nói: “Theo văn hóa người Việt, chúng tôi thường hướng về gia đình. Người Việt nhóm gọn ở đây vì thế. Nhưng giờ mọi thứ đã khác. Chúng tôi đang thay đổi”.

Aaron Trương nói: “Bạn thấy đấy, khoảng 60% đều đang bị bỏ trống. Không ai tới thuê cả. Có những cơ hội kinh tế lớn ở ngoài kia, đặc biệt là đối với những người trẻ”.

Hieu Doan, một người trẻ của cộng đồng cho hay: “Chúng tôi đã thừa hưởng quá nhiều truyền thống của bố mẹ, nhưng thế hệ của chúng tôi đam mê kinh doanh hơn và sẵn sàng hòa nhập với văn hóa New Orleans hơn”.

Tình trạng hiện nay của cộng đồng người Việt ở Đông New Orleans đặt câu hỏi về “tuổi thọ” của các cộng đồng nhập cư Mỹ.

Trong khi đó, bà Cindy Nguyễn cho rằng cộng đồng Việt ở Đông New Orleans đang phân tán, nhưng bà nghĩ theo hướng rất lạc quan rằng đó là sự lan tỏa của văn hóa Việt ra những khu vực khác của thành phố. Cộng đồng người Việt đã trưởng thành, đã thoát ra khỏi “chiếc kén” để “bay” đi nơi khác.

Theo Ánh Dương/Tạp chí SHTT
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com