Toggle navigation
Cô gái gốc Việt vươn lên từ quá khứ bị kỳ thị ở Slovakia
18/04/2022 | 02:20 GMT+7
Chia sẻ :
Từng bị kỳ thị vì là người gốc Á, Claudia Tran nỗ lực tham gia hoạt động xã hội, chống phân biệt đối xử và được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh.
Claudia Tran, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở vùng đô thị Bratislava, Slovakia. Cha cô là người Hà Nội, sang châu Âu du học và gặp mẹ cô, người phụ nữ quê Nam Định, tại Warsaw, Ba Lan. Khu gia đình Claudia sống khi đó rất ít người Việt, nên 4 chị em trong nhà thường xuyên trở thành nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử với người gốc Á.

"Thời thơ ấu, chúng tôi từng nhiều lần bị chế giễu, bắt nạt. Họ cười nhạo vì chúng tôi trông khác với mọi người ở đây", Claudia, tên tiếng Việt là Trần Thiên An, chia sẻ với VnExpress. "Tôi phải nói rằng không một đứa trẻ nào đáng bị sỉ nhục và chế giễu như vậy".

Claudia Tran trong ảnh chụp năm 2018. Ảnh:  Facebook/Claudia Tran.
Claudia Tran trong ảnh chụp năm 2018. Ảnh: Facebook/Claudia Tran.

Nhưng trải nghiệm về quá khứ bị kỳ thị đã trở thành động lực cho Claudia không ngừng phấn đấu để vươn tới thành công, xóa đi định kiến của người phương Tây về cộng đồng thiểu số gốc Á.

"Điều tôi muốn nỗ lực làm là cho mọi người ở đây thấy một ví dụ tốt, thậm chí tốt hơn 10 lần so với những trải nghiệm không hay của họ với các nhóm thiểu số", cô nói.

Năm 2012, Claudia trở thành đại diện của Slovakia tham dự chương trình học bổng xuyên Đại Tây Dương Benjamin Franklin (BFTF) tại Bắc Carolina, Mỹ, nơi đã truyền cảm hứng cho cô tham gia vào nhiều dự án quốc tế.

BFTF là chương trình do Cục Các vấn đề Văn hóa và Giáo dục thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, nhằm thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ và nhận thức về giá trị chung giữa người trẻ Mỹ và châu Âu. Chương trình học bổng này tạo điều kiện cho các thanh niên 16-18 tuổi phát triển khả năng lãnh đạo, tư duy phản biện và các ưu tiên đối ngoại của Mỹ.

Để được tham gia chương trình, các ứng viên nộp hồ sơ phải thể hiện được mối quan tâm một cách nghiêm túc trong theo đuổi cơ hội lãnh đạo ở quốc gia mình sinh sống, cũng như thể hiện khát khao học hỏi về con người, xã hội và các thể chế của nước Mỹ, theo website của BFTF.

Claudia sau đó bắt đầu sáng kiến của riêng mình với tên gọi "For Tomorrow's Europe" (Vì châu Âu Tương lai), trong đó cô quản lý các hội nghị quốc tế dành cho giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới, cố vấn cho những người trẻ quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng thiểu số, với trọng tâm là tình trạng di cư và phân biệt đối xử.

Thông qua các tổ chức phi chính phủ như Anne Frank House ở Amsterdam, Hà Lan hay Foundation of Milan, Claudia đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội, hội nghị sinh viên quốc tế, các sự kiện văn hóa, thể thao. "Các tổ chức này phát triển công cụ giáo dục, giúp loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử và định kiến, những điều vẫn còn tồn tại nhiều trong xã hội", cô nói.

Chia sẻ những trải nghiệm bị kỳ thị của bản thân thời thơ ấu, Claudia đã tham gia giúp đỡ các sinh viên quốc tế đối phó và vượt qua tình trạng bị phân biệt đối xử, chế giễu mà họ gặp phải.

Cô cũng từng tham gia tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em trong trại trẻ mồ côi ở Kenya và Ethiopia. "Đó chỉ là trải nghiệm ngắn, nhưng là cách tôi mở rộng kinh nghiệm xã hội và hoạt động tình nguyện của bản thân", cô chia sẻ.

Bên cạnh hoạt động xã hội, Claudia còn phát triển bản thân trong các lĩnh vực khác. Cô từng làm phó giám đốc về quan hệ doanh nghiệp tại viện nghiên cứu GLOBSEC ở Bratislava, nơi tổ chức các hội nghị quốc tế lớn và đưa ra các khuyến nghị về chính sách đối ngoại, an ninh, hay giám đốc chiến dịch cho liên minh hai đảng ở Slovakia trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2020.

Claudia Tran tại hội nghị của GLOBSEC tại Bratislava, Slovakia hồi tháng 6/2019. Ảnh: Facebook/ Claudia Tran.
Claudia Tran tại hội nghị của GLOBSEC tại Bratislava, Slovakia hồi tháng 6/2019. Ảnh: Facebook/Claudia Tran.

Sau cuộc bầu cử, cô đảm nhiệm vị trí cao hơn tại GLOBSEC, cũng như làm giám đốc quan hệ nhà đầu tư tại công ty đầu tư Crowdberry.

Với những thành công trong sự nghiệp và hoạt động xã hội của mình, Claudia đã trở thành một trong 30 gương mặt được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh năm 2022, giống thành tích mà chị gái cô, Lucia Thảo Hương Simekova, từng đạt được năm 2020 nhờ xây dựng thành công chuỗi nhà hàng Phở.

Cô cho rằng lọt vào danh sách Forbes Under 30 Slovakia là "một bất ngờ tuyệt đẹp" và cảm thấy biết ơn vì những nỗ lực của cô đã được công nhận.

Claudia đã kết hôn và có một con trai 17 tháng tuổi. Bên cạnh nỗ lực cho sự nghiệp, một trong những mục tiêu lớn của cô hiện tại là đảm nhận thật tốt vai trò của một người mẹ.

"Nhiều người không thừa nhận làm mẹ là một công việc, nhưng tôi nghĩ rằng công việc đó nên được ghi nhận", cô nói. "Đó là thành tựu và cột mốc lớn trong cuộc đời của bất kỳ người phụ nữ nào".

Theo Thanh Tâm
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com