Đối với chị Thùy, công việc kinh doanh cổ phục Việt Nam tại Hàn Quốc vừa là “cần câu cơm”, vừa thỏa mãn đam mê, lại vừa để quảng bá cho một nét văn hóa đẹp của quê hương.
Sinh sống tại Hàn Quốc đã gần 10 năm, chị Nguyễn Thị Thùy không ít lần mặc áo Nhật Bình (cổ phục thời nhà Nguyễn) để đi chụp ảnh ngoài đường phố Seoul.
Là người yêu thích khám phá những giá trị truyền thống Việt Nam, chị vẫn mang cổ phục của quê hương sang nơi đất khách để thỏa mãn sở thích của bản thân.
“Dần dần, sau những lần đi chụp bên ngoài, nhiều người Hàn Quốc tỏ ra thích thú với trang phục của tôi”, chị Thùy chia sẻ với Zing. “Từ đó, tôi suy nghĩ đến việc phát triển và quảng bá cổ phục cho người Việt trên đất Hàn và cả người dân Hàn Quốc yêu thích trang phục của Việt Nam”.
Là thợ trang điểm và chụp ảnh, không khó để những kế hoạch kinh doanh vẽ ra rõ ràng trong tâm trí chị Thùy. Tuy nhiên, để hiện thực hóa công việc này là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Giải thích cặn kẽ câu chuyện từng bộ trang phục
Chị Thùy nhận thấy ngay tại thị trường trong nước, Việt phục vẫn chưa có chỗ đứng và phát huy hết giá trị.
“Nhiều người trẻ chỉ biết đến Hán phục, Hàn phục hoặc Nhật phục mà quên mất rằng đất nước chúng ta cũng có nền văn hóa và kho tàng cổ phục rực rỡ không hề kém cạnh. Việc mang Việt phục sang Hàn của tôi bắt nguồn từ những trăn trở đó”, chị chia sẻ.
Sau một thời gian ngắn, rất nhiều người Hàn tỏ ra yêu thích và nhận diện được trang phục Việt Nam. Khi tôi đưa khách đi chụp ảnh ở Cung điện Kyeongbok (cung Cảnh Phúc) - nằm ở phía bắc thủ đô Seoul - và nhiều địa điểm khác, họ khá bất ngờ với Việt phục và không ngớt lời khen.
“Họ nói với tôi rằng ‘hóa ra, ngoài áo dài, Việt Nam còn có cả cổ phục đẹp như vậy và tất cả đều là áo truyền thống sao’”, chị kể lại.
Du học sinh Việt mặc cổ phục tại cung Cảnh Phúc. Trong ảnh là áo Nhật Bình (hai ảnh trên) và áo ngũ thân thời Nguyễn (hai ảnh dưới).
Chị cho biết chồng và gia đình chồng chưa bao giờ phản đối công việc của chị. Với việc mang Việt phục đến Hàn Quốc, họ lại càng cổ vũ chị Thùy nhiều hơn.
"Cùng mang văn hóa Á Đông, gia đình chồng dễ dàng cảm nhận được ý nghĩa của từng lớp trang phục khi khoác lên người. Nếu tôi có rất nhiều bộ Hanbok (trang phục truyền thống của Hàn) thì họ cũng sắm cho mình những mẫu Việt phục đầy tính văn hoá", chị chia sẻ.
Khách của chị Thùy đa phần là cô dâu Việt có chồng là người Hàn Quốc và người Việt học tập, làm việc tại xứ sở kim chi. Khách hàng thường tới studio của chị chọn trang phục vào một buổi.
Chị cho biết "không muốn khách hàng tìm đến cổ phục chỉ vì là lạ, thích thích" nên thường dành hàng giờ để giải thích về ý nghĩa từng mẫu, bên cạnh tư vấn mẫu mã và màu sắc hợp với sở thích của khách hàng.
"Từ áo tấc, áo ngũ thân, giao lĩnh…, tất cả đều được tôi giải thích kỹ càng trước khi khách hàng đi đến quyết định cuối cùng. Mỗi bộ trang phục đều có ý nghĩa và câu chuyện riêng", chị nói.
Các cặp đôi hoặc gia đình vợ Việt chồng Hàn thường tìm tới chị Thùy để có bộ ảnh trải nghiệm bản sắc văn hóa truyền thống.
Một quá trình dài
Chị Thùy cho biết để thực hiện được dự án này là cả quá trình dài, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc gặp khó khăn.
“Ban đầu, tôi dự tính thực hiện kế hoạch từ giữa năm 2020 vì khi đó, sự quan tâm của người Việt tới cổ phục của đất nước đang có những bước trỗi dậy”, chị nói. Tuy nhiên, khi mọi thứ chuẩn bị gần xong thì đó cũng là lúc dịch bùng phát mạnh nhất. Khi đưa khách ra ngoài chụp hình, chị Thùy gặp nhiều hạn chế, trong đó có việc không được phép tháo khẩu trang.
Vì vậy, do không thể tiếp tục, đồ cổ phục chị mang sang chỉ có thể “trưng bày cho bản thân ngắm để thỏa mãn đam mê”. Đến khoảng đầu năm 2021, khi chính phủ Hàn Quốc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, một số hạn chế được nới lỏng, dự án này của chị mới bắt đầu và phát triển tới tận bây giờ.
Vẻ đẹp sang trọng của áo ngũ thân tay thụng và áo ngũ thân tay chẽn được tôn vinh qua bầu không khí đậm chất cổ trang tại Làng dân tộc Namsan
Hanok ở Seoul. Làng Hanok là quần thể các ngôi làng, nơi bảo tồn nhiều nhà cổ, mang lối kiến trúc truyền thống của người Hàn.
Hai du học sinh mặc áo ngũ thân, tay cầm hoa sen chụp ảnh tại Xương Đức cung (Cung điện Changdeok) nằm ở thủ đô Seoul.
Cái gì mới cũng gặp rất nhiều khó khăn, và chị Thùy cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, do chưa biết chụp hình và trang điểm, chị phải thuê người ngoài làm những công việc này và chỉ cung cấp trang phục cho người thuê, dẫn đến chi phí kinh doanh tương đối cao. Tuy nhiên, sau khi nhận ra điểm yếu, chị tự mày mò tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.
“Càng học càng đam mê, đến giờ thì kiểu trang điểm nào tôi cũng có thể làm, và chụp ảnh cũng lên tay hơn rồi”, chị chia sẻ.
Trong năm 2022, chị mong rằng dự án Việt phục sẽ ngày càng phát triển và đến gần hơn với giới trẻ Hàn Quốc. “Bên cạnh việc kinh doanh, điều tôi ấp ủ là phổ biến văn hoá Việt Nam tại mảnh đất kim chi này. Tôi hy vọng mọi người đến từ các nước sẽ biết đến nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam nhiều hơn”, chị kỳ vọng.
Chị Thùy mong muốn phổ biến văn hoá truyền thống Việt Nam tại mảnh đất kim chi.
Theo Phương Linh Ảnh: NVCC
Zing