Toggle navigation
Chuyện những chiến sĩ quân y Việt Nam đội mũ nồi xanh ở Nam Sudan (Kỳ 1)
02/01/2020 | 06:52 GMT+7
Chia sẻ :
Có cơ hội được cùng ăn, cùng ở với những chiến sĩ quân y Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) tại CH Nam Sudan trong gần một tháng khi họ vừa “chân ướt chân ráo” tới nơi, tôi đã có những trải nghiệm vô cùng quý giá ở nơi tận cùng của sự nghèo đói và bạo lực. Cùng với những người lính mũ nồi xanh mặc áo blue trắng Việt Nam, tới vùng đất này, chúng tôi được hiểu rõ hơn giá trị của hoà bình và ý nghĩa của sứ mệnh Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ở nơi cộng đồng quốc tế đang chung vai, góp sức mang lại những điều tốt đẹp nhất có thể, cho đất nước và nhân dân Nam Sudan.
Chuyện những chiến sĩ quân y Việt Nam đội mũ nồi xanh ở Nam Sudan (Kỳ 1)
Các thành viên Bệnh viện dã chiến 2.1 tham dự lễ kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc tại Bentiu, CH Nam Sudan. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Kỳ 1: Trở về từ vùng chiến sự

“Chúng tôi là những người lính, được tin tưởng giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành và hoàn thành thật tốt”, là chia sẻ của những chiến sĩ quân y Việt Nam đội mũ nồi xanh vừa hoàn thành sứ mệnh GGHB LHQ trở về.

Những người lính Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Những chiến sĩ quân y đội mũ nồi xanh đã trở về sau khi hoàn thành sứ mệnh quốc tế tại Nam Sudan, một đất nước châu Phi. Họ đang dần bắt nhịp lại với công việc và cuộc sống sau một năm trời cống hiến ở một đất nước xa xôi, nghèo đói, bị tàn phá bởi chiến tranh, nơi hoàn toàn khác biệt với quê hương Việt Nam thanh bình của họ.

Sau những hi sinh, cống hiến thầm lặng làm nhiệm vụ quốc tế vì lý tưởng, vì niềm tự hào Tổ quốc và danh dự của đơn vị, gia đình cũng như bản thân, những người lính trở về khiêm nhường, giản dị, không muốn kể nhiều về mình. Ai được hỏi cũng chỉ tâm sự giản dị rằng: “Chúng tôi là những người lính, được tin tưởng giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành và hoàn thành thật tốt”.

May mắn có được cơ hội tận mắt chứng kiến công việc của những bác sĩ quân y nơi tiền tuyến từ những ngày đầu và theo dõi công việc của họ trong suốt một năm qua, tôi biết rằng, đằng sau những thành quả đáng tự hào được LHQ và bạn bè quốc tế ghi nhận, là sự nỗ lực và những cố gắng hết mình của mỗi thành viên của BVDC 2.1.

Mặc dù đã được chuẩn bị tốt cả về tâm lý và hành trang, thì đến một nơi như Nam Sudan, làm việc tại một trong những vùng đất khó khăn, khắc nghiệt nhất ở một đất nước bị tàn phá bởi nội chiến, chúng tôi cũng khó có thể hình dung được những thử thách phải đối mặt.

Đường dẫn vào cổng Bệnh viện dã chiến 2.1 của Việt Nam tại Bentiu.

Bentiu, nơi BVDC 2.1 đóng quân là một nơi như thế. Nhớ lại những ngày đầu mới sang, cái gì cũng mới lạ, từ điều kiện môi trường, thời tiết, khí hậu, công việc, đồ ăn…, mọi người đều phải học cách thích nghi.

Đại uý QNCN Đinh Minh Kỳ, bếp trưởng cùng đồng đội trong tổ bếp phải lo đi kiếm củi, mượn từng chiếc nồi để nấu những bữa ăn đầu tiên cho đơn vị khi mới sang. Một món ăn có khi anh phải xào nấu làm nhiều lần vì chiếc nồi mượn được từ Sĩ quan liên lạc của ta đóng tại địa bàn... bé quá!

Lúc mới sang, anh Kỳ phải nấu ăn ngoài trời nắng nóng như đổ lửa, mưa gió thì phải che chắn tứ bề mới nấu xong bữa cơm. Sau khi có nhà bạt được căng để làm bếp nấu ăn, điều kiện có đỡ vất vả hơn, nhưng nấu ăn cũng vẫn là một thử thách với đội hậu cần vì điều kiện mưa nắng quá khắc nghiệt nơi đây. Vì là thời gian đầu, nên hàng hoá mang theo chưa được vận chuyển tới nơi, khiến cho mọi sinh hoạt của anh em đều phải khắc phục khó khăn, thiếu thốn.

Bentiu được biết đến là một trong ba căn cứ khó khăn nhất của Phái bộ ở CH Nam Sudan. Những vết tích của chiến tranh tàn phá vẫn còn khắp nơi với những ngôi nhà bỏ hoang, những bức tường lỗ chỗ vết đạn bắn, những chiếc xe ô-tô quân sự han gỉ lấp ló giữa những bụi cỏ dại bên đường, vẫn kiên trì nằm phơi mưa nắng …

Không khó để bắt gặp những chiếc xe quân sự bị bỏ han gỉ bên đường ở Bentiu, dấu tích còn sót lại từ thời chiến sự diễn ra ác liệt.

Đặc biệt là các bệnh viện ở Bentiu gần như đều bị tê liệt vì chiến tranh. Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân kể rằng, có những lần chị được phép ra ngoài căn cứ để khám bệnh cho một số quan chức trong chính quyền ở Bentiu hoặc chỉ huy quân sự, được tới thăm bệnh viện ở Bentiu, chị càng thấm thía sự tàn khốc và phi nghĩa của chiến tranh ở nơi đây. Những bệnh nhân nằm la liệt nhưng không được điều trị vì không có bác sĩ, vì thiếu thốn thuốc men và điều kiện cơ sở hạ tầng của bệnh viện sập sệ đến mức không thể tệ hơn được nữa.

“Thiên đường” Bentiu

Nơi đây, khi xây dựng một công trình nào đó, nếu không chuẩn bị đủ nguyên vật liệu thì có khi phải mất cả tháng, thậm chí nhiều tháng mới có tiếp nguyên vật liệu được vận chuyển tới để tiếp tục công việc. Một sĩ quan công binh của Anh, đơn vị thi công công trình bệnh viện dã chiến cho Việt Nam, đã chia sẻ rằng trong suốt quá trình xây dựng họ đã phải rất cố gắng để bảo đảm tiến độ. Cho dù “công trình” chỉ là những khu nhà lắp ghép kiểu container, nhưng có những lúc công tác xây dựng buộc phải gián đoạn vì phải chờ nguyên vật liệu từ thủ đô Juba.

Nữ bác sĩ quân y Nguyễn Thị Thu Ngân trao đổi với đồng nghiệp bên trong những "túp lều bạt", nơi làm việc của BVDC 2.1 những ngày đầu.

Để đến được vùng đất tách biệt Bentiu, cách duy nhất là di chuyển bằng đường không trên những chuyến bay được sắp xếp của LHQ, nhưng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Nơi đây chỉ có một “sân bay” duy nhất, thực ra chỉ là một bãi đáp cho trực thăng vì không được trải nhựa. “Sân bay” là một bãi đất trống, chỉ cần mưa nhỏ là đất mềm nhũn khiến máy bay không thể hạ cánh. Chưa kể, quãng đường từ “sân bay” về căn cứ Bentiu chỉ vài cây số nhưng có khi phải di chuyển cả giờ đồng hồ vì những ổ gà, ổ voi. Thậm chí, có những chỗ còn không thể di chuyển qua mỗi khi gặp trời mưa sụt lún.

"Sân bay" Bentiu.

Gần như mỗi buổi sáng sớm ở căn cứ Bentiu, điều đầu tiên phải làm quen đó là tiếng ồn hơn cả động cơ công nông của máy phun thuốc diệt muỗi. Ở nơi sốt rét là nỗi ám ảnh như Nam Sudan, đây là công việc không thể thiếu của các đơn vị LHQ. Cùng với đó là những tờ cảnh báo tiết kiệm nước, cẩn thận sốt rét, bệnh dại… được dán khá nhiều ở các khu vệ sinh. Nhưng khó khăn nhất là cái nắng nóng như đổ lửa vào mùa khô cùng lớp bụi dày cả chục cm trên đường, hay mỗi khi mưa to như “xé trời” gây ngập lụt và lớp bùn nhão như socola tan chảy.

Đường xá ở Bentiu rất khó đi.

Vậy nhưng, Bentiu vẫn được các nhân viên LHQ ở đây gọi là “thiên đường”. Những đơn vị mới, nhân viên mới tới căn cứ chào những người đến sau theo một cách rất đặc biệt: “Chào mừng đến với thiên đường!”, kèm theo đó là nụ cười chia sẻ.

Những người đến trước đã quá hiểu “thiên đường Bentiu” là như thế nào, còn những người đến sau cũng sẽ nhanh chóng cảm nhận được. “Thiên đường” chỉ là cách gọi để an ủi, động viên của những nhân viên LHQ làm việc ở nơi nghèo đói, bệnh dịch… và cũng từng là nơi diễn ra cuộc giao tranh ác liệt nhất.

Những phút thư giãn, nghỉ ngơi bên đồng đội của các thành viên BVDC 2.1

Ở nơi đây, có tiền bạn cũng không thể mua được những thứ mình cần vì không có quán ăn hay cửa hàng. Muốn mua sim điện thoại hay vật dụng cá nhân và thực phẩm tươi… thì phải ra ngoài căn cứ, tới thị trấn Bentiu đìu hiu, nơi bán chủ yếu mấy đồ lặt vặt, những vật dụng sinh hoạt cá nhân mà bạn sẽ không quen dùng.

Tuy nhiên, ở Bentiu, phần lớn nhân viên LHQ không có cơ hội được ra khỏi nơi mình làm việc trong suốt nhiệm kỳ, bởi lo ngại vấn đề an ninh và tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn của Phái bộ. Nhóm phóng viên chúng tôi may mắn được tới Nam Sudan, nhưng chuyện tác nghiệp ở Bentiu cũng không được thực sự thuận lợi. Mọi hoạt động tác nghiệp ít ỏi của chúng tôi ở ngoài căn cứ đều phải nhờ sĩ quan liên lạc của Việt Nam tại địa bàn, phải nhờ họ lái xe chở đi để bảo đảm an toàn.

Hình thức giải trí duy nhất ở Bentiu là ra Tukul, cách gọi theo ngôn ngữ bản địa để chỉ nơi bán đồ uống, chủ yếu là bia và rượu, được mở trong khu căn cứ phục vụ nhu cầu của các nhân viên LHQ. Ở Tukul, thường thì vào ngày thứ Bảy mới đông vui, nhưng cũng không có gì nhiều ngoài một số hoạt động như nghe nhạc, chơi bi-a, uống lon bia với bạn bè.

(Còn nữa)

BÀI VÀ ẢNH: MỸ HẠNH
Nhân Dân
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com