Toggle navigation
Chuyện người Việt Nam đang làm nên "điều kỳ diệu" tại Suriname
06/02/2022 | 03:06 GMT+7
Chia sẻ :
Suriname, quốc gia Nam Mỹ xa xôi, có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, góp phần thay đổi cuộc sống người dân nơi đây cũng như gắn kết quan hệ hữu nghị giữa hai nước; trong đó, có anh Nguyễn Ngọc Mạo, một trong những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Suriname.
Từ nhân viên nấu ăn trên thuyền đến ông chủ công ty thủy sản

Cuộc sống thiếu trước hụt sau, anh Nguyễn Ngọc Mạo (sinh năm 1975) xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chọn con đường xuất ngoại sang Hàn Quốc làm thuyền viên viễn xứ. Tuy nhiên, trên những con tàu thảnh thơi lướt sóng, ngoài lúc nấu ăn, anh làm việc quần quật từ sáng hôm trước cho đến tối hôm sau. Làm việc mệt nhọc nhưng nhiều khi anh chỉ có được chợp mắt ít phút. Khi tàu vào đất liền, anh lại ra sức bốc cá lên bờ, lau rửa tàu rồi chuyển hàng xuống chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Ngoài làm việc khổ cực, không có thời gian nghỉ ngơi, nhiều khi anh chịu những đòn roi vô cớ.

Chuyện người Việt Nam đang làm nên
Anh Nguyễn Ngọc Mạo (thứ hai từ phải sang) cùng cộng đồng người Việt trong một buổi gặp mặt tại Suriname.

Sau 3 năm làm thuyền viên cơ cực tại Hàn Quốc, tháng 6/1999 anh Nguyễn Ngọc Mạo về nước rồi quyết định sang Suriname làm việc.

"Lúc đó tôi không biết đất nước Suriname đó như thế nào, người công ty lao động xuất khẩu họ cũng không biết, nhưng tôi vẫn quyết định ra đi vì mong muốn cuộc sống bớt cơ cực hơn", anh Ngọc Mạo kể về cơ duyên khi đặt chân tới Suriname.

Đặt chân đến đất nước mới mẻ và lạ lẫm này, anh Ngọc Mạo nhiều bỡ ngỡ. Anh tiếp tục làm thuyền viên trên một tàu cá đánh bắt xa bờ. Hằng ngày trên tàu anh làm công việc nấu ăn, sau đó lại làm tất cả những công việc như các thành viên khác trên tàu.

“Trên tàu có người Trung Quốc, người Indonesia và chỉ có duy nhất tôi là người Việt Nam. Công việc của tôi khi ấy khá vất vả với lương tháng 1,4 triệu VNĐ”, anh nhớ lại.

Thế nhưng sau những năm làm việc chăm chỉ và phấn đấu học tiếng tại nơi đất khách quê người, anh Ngọc Mạo dần có công việc ổn định. Từ người có cấp bậc thấp nhất trên tàu là nấu ăn, làm việc vất vả ngày đêm, dần anh Ngọc Mạo tiến lên làm bom trưởng, máy trưởng. Năm 2006, anh Ngọc Mạo được đưa lên làm thuyền trưởng tàu ESPERANZA-103.

Từ đó anh Nguyễn Ngọc Mạo cùng với công ty xuất khẩu lao động đưa lao động Việt Nam sang Suriname làm việc trên tàu. Trên con tàu của anh đều là những người Việt làm việc, chính vì thế, tình cảm của những người con xa quê hương càng thêm thắm thiết và luôn giúp nhau những năm tháng xa nhà.

Khi đã có trong tay kinh nghiệm về tàu thuyền cũng như khả năng làm chủ về ngôn ngữ, với số vốn tích cóp được sau những năm làm việc, anh Mạo đã mở công ty, mua tàu và đưa vợ là chị Trần Thị Thanh cùng các con sang Suriname sinh sống và làm việc.

Sau nhiều năm bôn ba, vất vả, giờ đây vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Mạo và chị Trần Thị Thanh đã trở thành một người thành đạt trong cộng đồng người Việt tại Surinam. Anh mua đất, xây nhà, thành lập công ty chuyên về hải sản với 2 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với gần 35 lao động là người Việt Nam. Ngoài ra, gia đình anh còn sở hữu một siêu thị chuyên bán các mặt hàng tiêu dùng. Mức lương trung bình hàng tháng anh trả cho lao động Việt Nam từ 1.000 -2.000 USD/ tháng.

Chuyện người Việt Nam đang làm nên
Anh Nguyễn Ngọc Mạo trước siêu thị nhà mình.

"Suriname có rất nhiều việc để làm"

Thành công của gia đình anh Nguyễn Ngọc Mạo đã tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ và mở đường cho một lối mưu sinh khả quan cho nhiều người Việt khác sang Suriname làm việc. Hiện nay cộng đồng người Việt tại đây đã là chủ của 5 tàu đánh bắt cá, ngoài ra còn thành công trong lĩnh vực xây dựng các công trình lớn ở thủ đô Paramaribo, mở nhà hàng giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại quốc gia Nam Mỹ này. Có thể nói người Việt đang khẳng định được chính mình trên đất nước Suriname.

Anh Ngọc Mạo chia sẻ, Suriname là đất nước dễ sống, mọi thứ ở đất nước này đều rất phù hợp với anh và gia đình. Đặc biệt, người dân Suriname rất thân thiện dễ mến. Ngoài ra, khí hậu ở Suriname dễ chịu, môi trường trong lành, rất ít ốm đau. Giá cả các mặt hàng so với nhiều nước đều rẻ và có rất nhiều việc làm…

Chuyện người Việt Nam đang làm nên
Anh Nguyễn Ngọc Mạo cho biết, hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Suriame khoảng 500 người, mọi người có cuộc sống ổn định và có tiếng nói tại Suriname.

"Quê hương là chùm khế ngọt"

Anh Nguyễn Ngọc Mạo cho biết, hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Suriame khoảng 500 người, mọi người có cuộc sống ổn định và có tiếng nói tại Suriname.

“Thường người Việt đưa cả gia đình sang sinh sống làm việc. Hiện nay trẻ con Việt Nam tầm khoảng 40 cháu. Các cháu đều đi học tại các trường”, anh chia sẻ.

Anh cho biết cuộc sống của các gia đình người Việt tại đây khá đơn giản: trong tuần đi làm, đến cuối tuần có thói quen hẹn bạn bè, người thân thuộc cùng ra quán để ăn uống, nói chuyện vui vẻ hơn.

“Mỗi người đều bận rộn với công việc để khẳng định và hòa nhập trên đất nước Suriname, nhưng đến dịp Tết Cổ truyền hoặc các ngày lễ lớn của dân tộc, chúng tôi lại quây quần bên nhau, người cũ hỗ trợ người mới để cùng phát triển. Chúng tôi góp phần xây dựng và phát triển đất nước Suriname và cũng góp phần hỗ trợ người thân của mình ở quê hương Việt Nam”, anh nói.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Ngọc Mạo bảo rằng: "Quê hương bao giờ cũng là chùm khế ngọt”, vì thế mà anh vẫn thường xuyên đi về. Chính vì thế, Tết năm nay anh cùng con gái trở về nước ăn Tết cùng với gia đình, thưởng thức một Tết trọn vẹn sau những năm xa nhà.

Ngoài ra, theo anh Ngọc Mạo, những người Việt tại Suriname đều có ý thức giữ gìn ngôn ngữ nguồn cội khi ở nhiều gia đình, con em họ có thể nói tiếng Việt và được ba mẹ đưa về thăm quê hương Việt Nam nhiều lần. “Các con tôi dù học tiếng Anh, tiếng Hà Lan ở trường nhưng về nhà đều nói tiếng Việt. Các cháu đều biết về cội nguồn của mình” – anh Ngọc Mạo chia sẻ.

Một trong những ước mơ của anh Ngọc Mạo chính là đưa hàng Việt Nam sang Suriname để giới thiệu và quảng bá trong siêu thị của gia đình mình. Anh hy vọng hình ảnh đất nước Việt Nam sẽ xuất hiện ở quốc gia Nam Mỹ này.

Theo Phạm Lý 
Thời đại
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com