Ngôi nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga lần thứ hai đón đoàn công dân Việt Nam sơ tán khỏi Ukraine. Từ sáng sớm, đoàn gồm 18 đồng bào, trong đó có nhiều trẻ nhỏ, sinh sống tại thành phố Kherson (Ukraine), lánh nạn sang Krasnodar và được bà con ở đây đùm bọc, đã về tới ga tàu hỏa ở thủ đô nước Nga.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi chụp ảnh với đoàn bà con sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine.
Thứ bảy, ngày 19/3, bếp ăn Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga lại đỏ lửa trong ngày nghỉ. Anh Hường, bếp trưởng Đại sứ quán cùng một số chị em phu nhân cán bộ sứ quán đang nhanh tay chuẩn bị các suất ăn gói trong giấy bạc, chuẩn bị bữa cơm trưa gia đình. Mùi xôi đỗ, mùi muối vừng, lạc rang, các món ăn thịt quay, cá rán, trứng chiên thơm lừng…
Ngôi nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga lần thứ hai đón đoàn công dân Việt Nam sơ tán khỏi Ukraine. Từ sáng sớm, đoàn gồm 18 đồng bào, trong đó có nhiều trẻ nhỏ, sinh sống tại thành phố Kherson (Ukraine), lánh nạn sang Krasnodar và được bà con ở đây đùm bọc, đã về tới ga tàu hỏa ở thủ đô nước Nga.
Cũng như sáng thứ bảy tuần trước, ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga cùng một số cán bộ nhân viên Đại sứ quán lại có mặt trên sân ga, chờ đón đoàn về khu nhà ở của Đại sứ quán nghỉ ngơi, chờ đợi lên chuyến bay của hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines, cất cánh từ sân bay quốc tế Sheremetievo ở Moskva vào tối cùng ngày (lúc 21 giờ 50 phút - giờ địa phương) về nước. Sau gần một tuần, hành trình lánh nạn của bà con từ Ukraine về quê mẹ Việt Nam sắp đi tới những chặng cuối cùng.
Chuẩn bị các suất ăn cho bà con lên máy bay về nước.
Ông Phạm Văn Duẩn (sinh năm 1965, người gốc Gia Lâm, Hà Nội) cùng vợ và con gái 14 tuổi bị bệnh não, như trút được nỗi lo lắng: “Chỉ hơn một tuần xảy ra chiến sự, chứng kiến tận mắt cảnh tên rơi đạn lạc, cảnh những người hàng xóm thoát chết trong gang tấc, gia đình tôi dù con gái đau ốm, cũng phải cố gắng sơ tán. Về được đến đây là coi như đã cứu được mạng sống. Nhà cửa, xe cộ, cơ ngơi gây dựng nửa đời người đành bỏ lại, còn người là còn làm lại được”.
Nhìn con gái anh, 14 tuổi vẫn phải đeo yếm dãi, u ơ không biết nói, mẹ cháu ngồi bên chốc chốc lại lấy khăn lau nước dãi cho cháu, chúng tôi không nén nổi tiếng thở dài. Dẫu thế nào, chiến sự, hòn tên mũi đạn có biết ai với ai mà tránh.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân (sinh năm 1972, quê Hưng Yên) dắt theo 4 đứa con chạy khỏi vùng chiến sự từ tỉnh Kharkov lánh nạn sang Liên bang Nga. Nhìn chị cùng đàn con, ai cũng lắc đầu ái ngại, dù khen chị thật là giỏi, một mình đưa được các con về nơi an toàn.
Chị Vân mau mắn chia sẻ: “Tôi nghe tiếng bom nổ ùng oàng suốt đêm, thấy thật lo lắng. Mà ngay ngày đầu tiên nhà tôi đã bị mất liên lạc, điện, ga, sưởi mất hết, rét mướt… Tình hình thật nguy hiểm, mặc dù cũng biết là nhà cửa, công việc con cái học hành ở đây, biết là bỏ đi thì là hết, tôi vẫn quyết chạy đi nhờ phía quân đội Nga giúp đỡ sơ tán và họ đã chở mẹ con tôi ra biên giới, đến thành phố Belgorod (Liên bang Nga). Được đưa vào một trạm dừng chân, được cấp đồ ăn, giấy tờ tạm trú…”.
Chị Vân kể trong ba ngày sống tại trạm dừng chân ấy, tình cờ chị được báo tin có người Việt Nam đến tìm. Chị Vân vô cùng ngạc nhiên và vẫn chưa hết vui mừng khi kể lại điều này. Trong hoạn nạn, mấy mẹ con bỏ lại nhà cửa, sinh kế, còn đang chưa biết tính cách gì cho tương lai, thì lại được những người đồng hương tìm tới, đón về tỉnh Voronezh, cưu mang. Giờ đây, đứng trong khuôn viên Sứ quán Việt Nam tại Moskva, chị Vân vẫn chưa tin vào sự may mắn của mẹ con chị.
Chị nói: “Tôi nghĩ là thôi cứ biết chạy (khỏi vùng chiến sự) đã, rồi đi tới đâu tính tới đó. Nhưng hóa ra mẹ con tôi thật may mắn. Ngay từ lúc đầu nhờ những người lính Nga, cho tới trại tị nạn ở Belgorod. Họ tốt lắm! Rồi được bà con Voronezh đón về”. Chị Vân nhắc đi nhắc lại: “Ai ai cũng rất nhiệt tình giúp đỡ. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình có thể gặp may như thế!”. Chị nói các anh chị người Việt ở Voronezh thật là tốt. “Các anh chị coi mấy mẹ con tôi giống như cô em gái bị lưu lạc, nay đã được trở về nhà, cả cộng đồng ra sức chăm sóc, đùm bọc…”.
Đại sứ Đặng Minh Khôi (người mặc áo vestone đen) thăm hỏi tình hình bà con.
Trong khuôn viên Đại sứ quán, anh Phạm Thăng Long, Chánh Văn phòng, chạy ra giục giã bà con vào ăn cơm, để còn kịp ra máy bay. Bữa cơm gia đình ấm cúng trên đất Nga chiều thứ bảy thật đặc biệt. Tiếng nói cười rộn rã, như khoả lấp bao nỗi lo, nỗi nhọc nhằn.
Ít nhất hơn 20 đồng bào được bố trí trở về trên chuyến bay hành trình Moskva-Hà Nội tối 19/3, họ thật sự may mắn hơn những đồng bào còn đang bị kẹt lại trong vùng chiến sự. Như chia sẻ của anh Vũ Sơn Việt, cán bộ Phòng Lãnh sự Đại sứ quán, người vừa trực tiếp đến sát vùng biên giới tìm đón người Việt cho biết: “Khó khăn nhất khi tìm đón bà con ta sơ tán khỏi vùng chiến sự đó chính là không thông tin, liên lạc được với bà con. Đa số thời gian bà con ta ở dưới hầm trú ẩn, nhiều nơi không có sóng điện thoại. Bởi vậy sứ quán chỉ có thể truyền miệng qua người này người kia để thông báo với bà con về nơi tập kết người sơ tán”.
Anh Việt cũng cho biết trong suốt quá trình nổ ra chiến sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga luôn duy trì liên hệ với phía bạn, Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Quốc phòng, đường dây nóng của Bộ Quốc phòng Nga, làm sao giữ thông tin thông suốt, đưa bà con sơ tán sang Nga an toàn nhất. Anh Việt cũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine luôn phối hợp rất chặt chẽ trong công tác bảo hộ, sơ tán công dân. Theo anh Việt, hiện vẫn còn một số gia đình bị kẹt lại tại thành phố Mariupol, sứ quán đã để lại số điện thoại tại tất cả các đồn biên phòng, các cửa khẩu, với hy vọng khi bà con liên lạc, sứ quán sẽ kịp thời cử cán bộ tới tận nơi để bảo hộ công dân.
Bài và ảnh: QUẾ ANH
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Liên bang Nga