Tommy Phạm, một ông bố hai con người gốc Việt tại Úc, đã chinh phục giám khảo bằng tinh hoa ẩm thực Việt Nam, dù từng cảm thấy xấu hổ vì thức ăn “đậm mùi” mà mẹ nấu.
Khi Tommy Phạm mang tô bún mắm miền Tây đến trước các giám khảo trong chương trình MasterChef Úc (Vua đầu bếp Úc) hồi tháng 4, đó không chỉ là một món ăn VN mà anh muốn thực hiện để gây ấn tượng, mà còn là cách mà chàng trai gốc Việt tuyên bố chiến thắng trước quá khứ và một lần nữa tôn vinh nguồn cội của mình. “Tôi rất vui vì mình đã có can đảm để nói rằng, đây, món này cực kỳ đậm mùi ngay cả đối với người Việt, nhưng cũng là một trong những món ăn phức tạp nhất của VN”, anh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên.
Tình yêu dành cho ẩm thực Việt
Tommy Phạm (32 tuổi) là giáo viên mầm non sống ở Sydney, Úc. Đây là lần thứ hai anh tham gia MasterChef Úc, sau lần đầu tiên chỉ dừng chân ở top 7 vào năm 2021. Mặc dù không thể giành chiến thắng chung cuộc, song hành trình trong hai mùa thi đã giúp anh trở thành “đại sứ” mới nhất của ẩm thực Việt tại Úc. Năm ngoái, anh đã giới thiệu bún chả Hà Nội, chả cá Lã Vọng, bò nướng lá lốt, bánh bèo chén, bánh cuốn. Trong mùa thi năm nay, anh tiếp tục giới thiệu những món ăn Việt như bún mắm miền Tây, bánh canh cua, cơm tấm sườn, bún bò Huế.
Tommy Phạm trong cuộc thi. Ảnh: NVCC
“Tôi quyết định quay lại MasterChef vì tôi cảm thấy mình còn nhiều thứ để cống hiến và cho thế giới thấy nền ẩm thực VN tuyệt vời như thế nào. Chẳng hạn, phở được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không nhiều người biết đến món bánh canh - một món quá thú vị và độc đáo. Cho nên tôi muốn chia sẻ những khía cạnh thú vị hơn như vậy của ẩm thực Việt”, anh cho hay.
Đối với anh, thách thức lớn nhất trong việc thực hiện các món ăn VN là sự cân bằng hương vị. “Chuyện bạn cho đầy đủ các nguyên liệu vào không quan trọng. Quan trọng là nếu không có sự cân bằng, món ăn sẽ không bao giờ ngon như kỳ vọng. Nói đơn giản, chuyện đó giống như là mẹ tôi đã luôn dạy tôi về mắm, muối, đường, bột ngọt vậy. Nhưng đừng nói với bà ấy là tôi không thích dùng bột ngọt nhé”, anh đùa vui.
Mẹ anh là người gốc Phan Thiết và rất nhiều món ăn anh yêu thích xuất phát từ vùng đất này. Mẹ anh cũng là người đầu tiên dạy anh nấu ăn và truyền lại cho anh những kiến thức về món ăn VN. Song đó là một hành trình dài để tình yêu dành cho ẩm thực quê hương hình thành trong anh.
Món bánh bèo chén được Tommy Phạm làm dự thi MasterChef Úc. Ảnh: 10PLAY (KÊNH PHÁT SÓNG MASTERCHEF ÚC)
Từng xấu hổ đến nỗi muốn giấu đồ ăn
Thời còn đi học, anh từng yêu cầu mẹ nấu những món ăn “bình thường” hơn cho bữa trưa, vì anh cảm thấy xấu hổ khi thức ăn mẹ nấu cho anh mang đến trường đều có mùi “rất nặng”. Anh kể: “Tôi lớn lên ở Úc, ăn đồ ăn VN, nhưng không phải lúc nào người Úc cũng đánh giá cao khi tôi mang những món ăn đó đến trường. Người ta sẽ nói đồ ăn có mùi khó ngửi và khiến tôi cảm thấy cần phải giấu chúng đi”.
“Nhưng giờ đây, sau khi thấy món ăn VN được đánh giá cao như thế nào ở MasterChef, tôi đã đón nhận chúng 100%, và tôi muốn được nấu những món ăn VN thú vị mà tôi từng giấu đi”, anh chia sẻ. Đối với ông bố hai con này, đôi khi nghĩ lại chuyện ngày xưa cũng khiến anh cảm thấy buồn, nhưng “việc trải qua tất cả những chuyện đó giờ chỉ làm cho tôi càng muốn nấu những món ăn như vậy hơn”.
Trước khi đến với ẩm thực, anh từng làm việc trong ngành công nghệ thông tin và có 2 năm sống ở Nhật Bản. Chính thời gian xa nhà đã giúp anh khám phá thêm về khả năng nấu ăn của bản thân cũng như tình yêu dành cho ẩm thực Việt. Cũng trong giai đoạn đó, anh đã chuyển hướng sang dạy học và hiện là giáo viên mầm non.
“Thông điệp lớn nhất tôi muốn gửi khán giả là ẩm thực VN còn nhiều thứ hơn cả những gì nổi tiếng và chỉ cần bạn bước ra ngoài chiếc hộp đó và thử những món ăn VN phức tạp hơn, thú vị hơn thì cuộc sống của bạn sẽ tươi đẹp hơn”, anh nói.
Theo Lam Vũ
Thanh niên