Cách đây ba năm, cứ mỗi sáng thứ 7, từ trong nhà hàng sushi của bố ở vùng Tondabayashi, Osaka, đầu bếp Utsumi Shoki lại nhìn thấy từng tốp thực tập sinh Việt Nam đạp xe vượt quãng đường hàng chục cây số để tìm mua các loại thực phẩm quê hương.
"Họ phải tới các tiệm tạp hóa Việt Nam trong thành phố để tìm mua gia vị, rau thơm trồng tự phát ở đó", Utsumi kể. Anh nhận ra vai trò không thể thiếu của rau thơm trên mâm cơm của người Việt, nên bắt đầu nhập gia vị, rau thơm từ các nước Đông Nam Á để bán cho các thực tập sinh ở Nhật.
Nhưng sau một thời gian, lo ngại sản phẩm nhập về không tươi và có dư lượng thuốc trừ sâu, Utsumi năm 2020 quyết định mượn của ông ngoại một khoảng ruộng và xin chính quyền địa phương cấp phép canh tác để tự mình trồng rau thơm.
Trước ý tưởng táo bạo của Utsumi, gia đình anh phản đối gay gắt, "bởi còn quá ít người biết đến rau thơm". Nhưng sau khi giải thích kỹ, đồng thời vạch chiến lược lâu dài, chàng trai 24 tuổi đã được ông ngoại đồng ý.
"Có rất nhiều nhà hàng Việt Nam ở Nhật Bản, nên nhu cầu rau thơm trên toàn quốc là rất lớn, trong khi hầu hết các loại rau lúc đó được trồng nhỏ lẻ và tự phát, không có quy chuẩn canh tác nào", Utsumi nói với VnExpress.
Utsumi cùng thành phẩm rau thơm canh tác ở Osaka. Ảnh: Mainichi
Ông ngoại Utsumi, người sở hữu một nông trại, bắt đầu truyền đạt cho anh những kinh nghiệm tích lũy trong hơn 6 thập kỷ canh tác nông nghiệp. Tuy vậy, anh không tránh khỏi những vấp váp khi trồng các giống rau nhiệt đới trên đất Nhật.
"Tôi chật vật kiểm soát nhiệt độ phù hợp với húng quế, tốc độ phát triển của ngò gai, trong đó thách thức lớn nhất là rau mùi. Các luống mùi của tôi luôn trổ hoa khi chưa đủ lớn, nên không thể cho ra thành phẩm ưng ý suốt một năm đầu", Utsumi nhớ lại.
Không nản chí, anh và bạn gái Nguyễn Trang Dung, khi đó là du học sinh, tiếp tục đi khắp nơi tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản.
"Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết mùi chỉ phát triển tốt trong điều kiện 15-20 độ C, khác với tưởng tượng của nhiều người về một giống rau thơm xứ nhiệt đới", hai người nhớ lại kinh nghiệm học được khi đến phòng nông nghiệp địa phương nhờ tham vấn.
Sau khi trồng thành công rau mùi, Utsumi tiếp tục "chinh phục" thêm 14 giống rau thơm khác nhau bằng những "bí kíp" canh tác mà anh đúc rút được từ kinh nghiệm bản thân.
Bài toán tiếp theo mà Utsumi phải tìm câu trả lời là khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói cho sản phẩm của mình. Xác định khách hàng tiềm năng là các nhà hàng Việt Nam ở Osaka, nơi chủ hầu hết là người Nhật và có yêu cầu rất khắt khe, Utsumi cùng Dung quyết định công đoạn này "phải thật tỉ mỉ".
"Rau bán ở Nhật phải rất sạch, những bó được đóng gói chỉ dính chút đất thôi đã không đạt yêu cầu. Quá trình trồng rất vất vả, nên chúng tôi phải trân trọng thành quả của mình", Dung, 29 tuổi, nói.
Rau kinh giới và thành phẩm bày bán của Utsumi và Nguyễn Trang Dung ở Osaka. Ảnh: Facebook/Sho-Kyu Tiệm Vây Cá
Sau khi tìm hiểu kỹ nhu cầu, phong cách của các nhà hàng Đông Nam Á ở Osaka, Dung và Utsumi năm 2021 mang những bó rau thơm đầu tiên đến các cơ sở này để chào hàng, tặng sản phẩm mẫu.
"Các nhà hàng này trước đó thu mua rau thơm từ những nơi trồng tự phát và sau khi nhặt, rửa chỉ sử dụng được khoảng 70-80%. Nhận thấy rau của chúng tôi sạch, tươi lâu, họ ưng ý và bắt đầu đặt hàng, với khoảng 10-15 đơn mỗi tuần trong thời gian đầu", Dung cho biết.
Những bó rau thơm của hai người nhanh chóng phổ biến trong các nhà hàng Đông Nam Á ở Osaka. Hai người khi đó quyết định kết hôn và thành lập cửa hàng Tiệm Vây Cá chuyên canh tác, kinh doanh rau thơm.
Nắm bắt được sự bùng nổ của mô hình kinh doanh online ở Nhật trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, Dung đẩy mạnh kết nối trực tuyến với các nhà hàng Việt Nam trên toàn nước Nhật.
Các đơn đặt mua rau từ khắp nơi bắt đầu đổ về, trong đó có cả những nhà hàng ở Hokkaido, tỉnh cực bắc Nhật Bản, hay tỉnh Okinawa ở cực nam. Tờ Mainichi của Nhật Bản hồi tháng trước viết về câu chuyện khởi nghiệp của hai vợ chồng, gọi rau thơm của Utsumi là "làn gió mới lạ mang theo hương thơm 'thảo mộc' Đông Nam Á".
"Có thời điểm chúng tôi không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Cộng đồng thực tập sinh, du học sinh Việt đón nhận nồng nhiệt và gọi rau thơm của chúng tôi là 'hương vị đích thực'", Utsumi tự hào nói. Sản phẩm của Tiệm Vây Cá đã được phân phối tại khoảng 17 tỉnh thành của Nhật, đạt doanh thu 30 triệu yen (khoảng 5 tỷ đồng) trong năm 2022.
Sau khi sản phẩm được đón nhận, anh tăng quy mô canh tác, xây thêm nhà kính, điều chỉnh nhiệt độ để có thể đảm bảo nguồn cung rau thơm cả bốn mùa. Rau thường được cơ sở của anh thu hoạch từ sáng sớm và chuyển bằng ôtô tới các nhà hàng ở Osaka ngay trong ngày.
Dung cho biết 40% khách mua rau là cộng đồng người Việt ở Nhật, 20% là khách nước ngoài, còn lại là người bản địa. "Người Nhật cũng có nhu cầu lớn với rau thơm. Chúng tôi muốn họ biết đến rau Việt và món Việt nhiều hơn nữa", cô nói.
Hai vợ chồng cho biết họ đang theo đuổi ý định đưa rau thơm của họ lên kệ siêu thị ở Osaka để sản phẩm này được phổ biến hơn nữa.
"Nụ cười hài lòng của khách hàng khi nhận thành phẩm tươi ngon, sạch sẽ là động lực để tôi theo đuổi giấc mơ đưa những loại rau hồn cốt của Việt Nam trở thành đặc sản ở vùng đất này", Utsumi nói.
Theo Đức Trung
Vnexpress